Triển vọng cây cát sâm

Thực hiện chủ trương đưa giống cây trồng mới có giá trị kinh tế cao vào trồng tại địa phương, huyện Sốp Cộp đang tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX trồng khảo nghiệm các loại cây dược liệu. Trong đó, HTX Long Hiếu đã đưa cây cát sâm vào trồng khảo nghiệm tại xã Nậm Lạnh, hiện đang sinh trưởng, phát triển tốt, mang lại triển vọng giúp người dân có thêm hướng đi mới trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

Mô hình trồng cát sâm của HTX Long Hiếu tại bản Phổng, xã Nậm Lạnh.

Mô hình trồng cát sâm của HTX Long Hiếu tại bản Phổng, xã Nậm Lạnh.

Khu dược liệu cát sâm tại bản Phổng, xã Nậm Lạnh, trồng được 1 năm, cây mọc xanh tốt, phủ kín giàn, đang ra hoa. Chia sẻ về cơ duyên xây dựng mô hình này, anh Lại Đình Hiến, Giám đốc HTX Long Hiếu, cho biết: Trước đây, tôi đã từng thu mua lâm sản phụ của bà con trong huyện Sốp Cộp khai thác, trong đó có củ cát sâm để bán trong nước và xuất khẩu sang Lào và Trung Quốc. Tuy nhiên, việc khai thác tự nhiên khiến cho loại cây này có nguy cơ tuyệt chủng. Do đó, tôi đã thành lập HTX để xây dựng mô hình trồng dược liệu, trong đó có cây cát sâm.

Thành viên HTX Long Hiếu kiểm tra sự phát triển cây cát sâm.

Thành viên HTX Long Hiếu kiểm tra sự phát triển cây cát sâm.

Anh Hiến cho biết thêm: HTX có 7 thành viên. đầu tư 100 triệu đồng thực hiện trồng khảo nghiệm 1 ha, với khoảng 1 vạn gốc cây cát sâm. Trước đó, HTX đã mời cán bộ Viện Dược liệu Trung ương đến kiểm tra, khảo sát khí hậu, thổ nhưỡng tại huyện Sốp Cộp. Đến tháng 5/2021, HTX bắt đầu triển khai trồng; khi trồng chỉ cần làm cỏ 2 lần, không tưới nước, không phun thuốc phòng trừ sâu bệnh, chỉ bón phân lúc mới bắt đầu trồng, cây phát triển đều và rất tốt, không bị sâu bệnh. Với sự sinh trưởng và phát triển như hiện nay thì cây cát sâm hoàn toàn phù hợp thổ nhưỡng ở đây.

Khảo sát củ cây cát sâm.

Khảo sát củ cây cát sâm.

Chỉ sau 1 năm trồng, cây cát sâm đã cho ra hoa và cho thu hoạch quả làm giống. Nhiều cây đã bắt đầu có củ khoảng 1-2 lạng, sang năm thứ 3 bắt đầu cho thu hoạch củ, với năng suất dự kiến 15-20 tấn củ tươi/ha. Hiện nay, Viện Dược liệu Trung ương đang thu mua với giá 80.000 - 100.000 đồng/kg. Ngoài cho thu hoạch lấy củ, hằng năm, hoa của cây cát sâm cũng được thu hoạch để làm trà, bán với giá 2-3 triệu đồng/kg khô, một cây có thể cho thu hoạch khoảng 200-300 gam hoa khô.

Hoa cát sâm được dùng làm trà.

Hoa cát sâm được dùng làm trà.

Cây cát sâm là cây dây leo thân gỗ, có thể nhân giống bằng gieo hạt hoặc dâm hom bằng thân cây. Dự kiến, HTX Long Hiếu sẽ liên kết với các hộ dân triển khai trồng khoảng 10 ha, với hình thức người dân góp đất, bỏ công chăm sóc, HTX cung ứng giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và bao tiêu sản phẩm cho bà con.

Thành viên HTX Long Hiếu thu hái hoa cát sâm.

Thành viên HTX Long Hiếu thu hái hoa cát sâm.

Củ cát sâm có rất nhiều công dụng, như bổ phế, bổ phổi, mạnh gân, hoạt lạc, tốt cho xương cốt, giảm đau lưng; chữa được viêm lao phổi, viêm thấp khớp; tăng cường sức đề kháng. Hoa làm trà uống chữa được chứng mất ngủ và tăng sức đề kháng. Còn hạt thì HTX sẽ gieo và nhân giống cung ứng cho bà con.

Thành viên HTX Long Hiếu chăm bón cây cát sâm.

Thành viên HTX Long Hiếu chăm bón cây cát sâm.

Để chăm sóc mô hình này, HTX Long Hiếu đang thuê 4-5 lao động trồng, chăm sóc với mức lương từ 5-6 triệu đồng/người/tháng; thời kỳ làm cỏ, sới gốc thì thuê thêm 15-20 người.

Anh Lò Văn Nam, bản Phổng, xã Nậm Lạnh, chia sẻ: Tôi thấy cây cát sâm rất dễ trồng và chăm sóc. Sau này, tôi có dự định đăng ký với HTX chuyển diện tích đất trồng ngô, sắn kém hiệu quả của gia đình sang trồng cây cát sâm. Hiện, công việc tại đây giúp chúng tôi có thu nhập ổn định.

Quả giống cát sâm.

Quả giống cát sâm.

Ông Vì Văn Định, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sốp Cộp, cho biết: Đây là cây dược liệu có tiềm năng, toàn bộ phần thân, lá đều thu hoạch để chế biến trà, quả sâm già lấy hạt ươm cây giống, củ cát sâm chứa nhiều thành phần dược tính cao. Do là cây trồng mới, huyện có chủ trương giao cho HTX Long Hiếu trồng thử nghiệm, nếu thành công triển khai đại trà cho bà con trồng trên địa bàn huyện. Phòng đã phối hợp với xã Nậm Lạnh tuyên truyền, vận động người dân triển khai thực hiện dự án, rà soát hiện trạng, khả năng bố trí quỹ đất, chủ yếu tập trung chuyển đổi diện tích đất trồng kém hiệu quả, quỹ đất cộng đồng, đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả kinh tế để trồng loại cây này.

Với lợi thế về đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng, mô hình trồng cây dược liệu cát sâm của HTX Long Hiếu hứa hẹn mở ra cơ hội phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, góp phần bảo tồn và phát triển cây dược liệu quý.

Quàng Hưởng

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/trien-vong-cay-cat-sam-51344