Triển vọng FPT Retail nhìn từ dư địa phát triển dịch vụ tiêm chủng

Theo SSI, trung tâm tiêm chủng tư nhân sẽ có cơ hội phát triển cùng với sự gia tăng nhu cầu tiêm chủng (tăng trưởng 10-15% trong vài năm tới) và xu hướng lựa chọn dịch vụ tiêm chủng tư nhân thay vì tiêm chủng tại cơ sở công lập.

FPT Retail đặt trung tâm tiêm chủng cạnh nhà thuốc để tận dụng tệp khách hàng.

FPT Retail đặt trung tâm tiêm chủng cạnh nhà thuốc để tận dụng tệp khách hàng.

Trong báo cáo phân tích triển vọng CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, mã FRT) mới cập nhật, Chứng khoán SSI cho biết, quy mô thị trường vắc xin năm 2023 tại Việt Nam đạt 16.000 tỷ đồng (tăng 14% so với năm trước). Trong đó, chương trình tiêm chủng mở rộng miễn phí đã đóng góp 900 tỷ đồng.

Theo đơn vị phân tích, nhu cầu vắc xin có thể duy trì trưởng ổn định trong những năm tới nhờ nhu cầu gia tăng đối với các chủng loại vắc xin chính như vắc xin ngừa HPV, vắc xin phế cầu khuẩn và vắc xin ngừa cúm (chiếm 33%, 22% và 10% trong tổng thị trường vắc xin tại Việt Nam). Các loại vắc xin này chưa được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng.

Bộ Y tế đã cấp phép cho 3 loại vắc xin mới tại Việt Nam vào tháng 5/2024. Đó là vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết (Qdenga), bệnh zona thần kinh (Shingrix) và phế cầu khuẩn (Pneumovax 23). Trong khi Pneumovax 23 là phiên bản cải tiến hơn thì Qdenga và Shingrix là các loại vắc xin mới có mặt tại thị trường Việt Nam.

Trong bối cảnh nhu cầu về vắc xin ngày càng tăng, SSI cho rằng các trung tâm vắc xin tư nhân sẽ có vị thế tốt hơn các trung tâm vắc xin công, nhờ có nhiều lựa chọn vắc xin hơn và cơ sở bảo quản lạnh tiên tiến hơn. Chương trình tiêm chủng mở rộng đáp ứng nhu cầu tiêm chủng nhất định cho trẻ em, tuy nhiên các bậc phụ huynh có xu hướng lựa chọn phòng tiêm chủng dịch vụ với xu hướng lựa chọn vắc xin nhập khẩu, tình trạng quá tải tại các cơ sở công lập...

Số lượng trung tâm của ba chuỗi tiêm chủng vắc xin có quy mô lớn nhất. Nguồn: SSI

Số lượng trung tâm của ba chuỗi tiêm chủng vắc xin có quy mô lớn nhất. Nguồn: SSI

FPT Long Châu bắt đầu mở trung tâm vắc xin từ quý 4/2023 và mảng này vẫn ghi nhận lỗ do các khoản chi phí ban đầu. Tuy nhiên, FRT cho rằng nhu cầu tiêm chủng có thể vẫn tăng trong dài hạn nên quyết định nhân rộng mô hình này bắt đầu từ năm 2024. Công ty đặt mục tiêu có 100 trung tâm vắc xin vào cuối năm 2024, sau đó mở 100-150 trung tâm vắc xin mỗi năm vào năm 2025-2026. Trung tâm vắc xin Long Châu được mở cạnh nhà thuốc Long Châu để thu hút khách hàng hiện có.

Là doanh nghiệp đi sau, SSI cho rằng FPT Long Châu có thể sẽ phải mất một thời gian để gây dựng được chuyên môn và niềm tin đối với khách hàng. Tuy nhiên, công ty có một số điểm mạnh như bán chéo dịch vụ vắc xin cho nguồn khách hàng hiện có từ nhà thuốc Long Châu, kinh nghiệm quản lý số lượng lớn cửa hàng giúp nhanh chóng mở rộng quy mô...

Tỷ trọng doanh thu vắc xin vẫn sẽ ở mức thấp

FRT ghi nhận lợi nhuận trở lại trong quý 1/2024 (lợi nhuận ròng đạt 61 tỷ đồng), sau 3 quý lỗ liên tiếp. SSI dự báo lợi nhuận quý 2 và quý 3 của FRT có thể không cao như quý 1 do tính chất thời vụ, nhưng vẫn sẽ ghi nhận lợi nhuận dương so với khoản lỗ của cùng kỳ năm trước. Đối với doanh nghiệp này, mùa cao điểm sẽ rơi vào quý 4 và quý 1.

Theo đơn vị phân tích, tỷ lệ đòn bẩy tài chính cao là điểm đáng lo ngại chính của FRT. Tuy nhiên, áp lực tài chính đã giảm bớt, thể hiện qua sự cải thiện trong tỷ lệ thanh toán lãi vay (2,5x vào quý 1/2024 so với 0,5x tại quý 4/2023 và 1,0x tại quý 1/2023), nhờ chi phí vay thấp hơn và lợi nhuận cải thiện.

Với chi phí vay thấp hơn, Long Châu có thể đẩy nhanh tốc độ mở mới các trung tâm vắc xin. Công ty còn có kế hoạch tăng 10% vốn cổ phần thông qua phương thức phát hành riêng lẻ vào cuối năm 2024.

Kết quả kinh doanh và số lượng cửa hàng (phải) của FPT Long Châu.

Kết quả kinh doanh và số lượng cửa hàng (phải) của FPT Long Châu.

Về dài hạn, SSI dự báo lợi nhuận ròng của FRT trong năm 2024-2025 lần lượt là 360 tỷ đồng (so với mức lỗ 329 tỷ đồng vào năm 2023) và 511 tỷ đồng (tăng 42% so với năm 2024).

Tăng trưởng lợi nhuận trong 1-3 năm tới sẽ được thúc đẩy nhờ việc mở rộng mạng lưới nhà thuốc Long Châu. Với tỷ lệ thâm nhập nhà thuốc hiện đại dưới mức 15% như hiện nay, Long Châu vẫn có thể mở 400-500 cửa hàng trong vài năm tới. Công ty dự kiến sẽ có khoảng 3.000 cửa hàng trong dài hạn (so với 1.587 cửa hàng tính đến quý 1/2024).

Hoạt động kinh doanh vắc xin có triển vọng dài hạn nhưng quy mô thị trường vắc xin còn nhỏ so với quy mô thị trường thuốc (khoảng 666 triệu USD so với 8,5 tỷ USD trong năm 2023). Vì vậy, SSI cho rằng tỷ trọng doanh thu vắc xin vẫn sẽ ở mức thấp, dự kiến chỉ chiếm lần lượt 4% và 9% doanh thu Long Châu trong năm 2024 và 2025.

Phạm Ngọc

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/trien-vong-fpt-retail-nhin-tu-du-dia-phat-trien-dich-vu-tiem-chung-31067.html