Triển vọng 'hoàng hậu quả khô'

ĐBP - Sau 5 năm trồng thí điểm cây mắc ca tại các xã Quài Nưa, Quài Cang (huyện Tuần Giáo), một số diện tích sẽ cho thu hoạch lứa quả đầu vào tháng 9 - 10 tới. Phát triển cây mắc ca được kỳ vọng giúp người dân có thêm việc làm, tăng thu nhập, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát huy tiềm năng của địa phương trong sản xuất nông - lâm nghiệp.

Ðồng chí Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện các sở, ngành kiểm tra thực tế diện tích trồng mắc ca tại bản Bó, xã Quài Nưa (huyện Tuần Giáo).

Tháng 6, trên các triền đồi tại bản Bó, xã Quài Nưa, nhiều cây mắc ca đã cho những chùm quả to tròn. Anh Quàng Văn Tiến, người dân bản Bó cho biết: Năm 2017 gia đình tôi góp 3ha đất dốc, bạc màu bị bỏ hoang nhiều năm với Công ty Cổ phần Macadamia Ðiện Biên trồng thử nghiệm cây mắc ca. Phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng nên đến năm thứ 4, một vài cây đã bói quả song do cây còn non nên chất lượng quả chưa cao, rụng nhiều. Bước sang năm thứ 5, toàn bộ diện tích trồng mắc ca đã ra quả, dự kiến tháng 9 sẽ cho thu hoạch. Từ năm thứ 6 sẽ cho thu hoạch đại trà. Tôi hi vọng loại cây mới này sẽ mang lại nguồn lợi kinh tế cho gia đình. Ngoài góp đất trồng mắc ca, vợ chồng tôi còn được Công ty nhận vào làm công nhân với thu nhập khoảng 4 triệu đồng/người/tháng.

Hiện nay, xã Quài Nưa có 47ha cây mắc ca sẽ cho thu hoạch thử nghiệm lứa quả đầu tiên. Theo đánh giá của Công ty Cổ phần Macadamia Ðiện Biên, mặc dù mới là năm thứ 5 song cây sai quả, chất lượng quả tốt, sản lượng ước đạt 10 - 15kg quả tươi/cây.

Ông Vũ Ðình Khoa, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Macadamia Ðiện Biên cho biết: Dự án đầu tư trồng mắc ca công nghệ cao tại huyện Tuần Giáo có tổng diện tích 2.000ha, mật độ trồng 280 cây/ha. Ðến nay, huyện đã trồng được 1.600ha, trong đó 700ha tại xã Quài Nưa, 900ha tại Quài Cang. Nhìn chung đất đai trên địa bàn các xã vùng dự án tương đối tốt, tầng đất dày, thích hợp với nhiều loại cây trồng. Ðể đảm bảo chất lượng cây trồng, doanh nghiệp đã chọn đơn vị cung cấp giống có kinh nghiệm và uy tín là Công ty Cổ phần Vinamacca, Công ty Cổ phần Him Lam Mắc ca. Ðây là các đơn vị đã có kinh nghiệm trong sản xuất cây giống mắc ca, có cam kết thời gian ra quả và chất lượng của hạt mắc ca. Tất cả các cây giống mắc ca doanh nghiệp trồng đều là giống ghép từ các cây đầu dòng được công nhận, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chủ yếu gồm các giống: 816, 849, 788, 800, 695, 741, 344, 842.

Ðến năm thứ 6 trở đi, diện tích trồng mắc ca trên địa bàn huyện Tuần Giáo sẽ cho thu hoạch sản phẩm đại trà. Ðể đảm bảo chất lượng sản phẩm mắc ca tốt phải thực hiện khâu thu hoạch theo đúng quy định. Công ty đã hướng dẫn kỹ thuật thu hái cho công nhân, người lao động của doanh nghiệp. Trong suốt thời gian thu hoạch mắc ca, cán bộ kỹ thuật sẽ hướng dẫn, giám sát thường xuyên. Với năng suất bình quân 6kg hạt/cây, tương đương 1,7 tấn/ha, sản lượng hạt mắc ca sấy khô (độ ẩm quy chuẩn 10%) bình quân ước đạt 333,9 tấn/năm.

Không phải tự dưng mà hạt mắc ca lại được gọi là “hoàng hậu quả khô” bởi mắc ca có giá trị dinh dưỡng cao và mang lại thu nhập tốt cho người trồng. Sau thời gian có mặt trên đất Tuần Giáo, cây mắc ca đã dần khẳng định được tính ưu việt hơn so với các loại cây trồng khác. Trên cơ sở Ðề án Phát triển cây mắc ca đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 gắn với định hướng tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh, huyện Tuần Giáo được quy hoạch trồng 2.000ha cây mắc ca. Từ khi triển khai, dự án đã tạo việc làm cho 1.000 lao động/năm để tham gia các hoạt động của dự án như: Trồng, chăm sóc, bảo vệ và khai thác mắc ca. Với mức thu nhập từ 3,5 - 4 triệu đồng/tháng tương ứng từ 42 - 50 triệu đồng/năm, nhiều người dân đã có thu nhập ổn định. Bên cạnh thu nhập từ công lao động, người dân còn được hưởng lợi từ kết quả của dự án đối với những hộ gia đình có diện tích đất góp cổ phần với công ty theo hình thức chia lợi nhuận với tỷ lệ đã được hợp đồng giữa cá nhân, hộ gia đình với công ty. Công ty Macadamia Ðiện Biên cam kết trong 5 năm đầu khi cây chưa cho quả người dân sẽ được hỗ trợ 1 triệu đồng/ha/năm và đến khi thu hoạch được hưởng 15%/giá trị 1kg quả tươi.

Thị trường các sản phẩm từ mắc ca của Việt Nam hiện nay đang phát triển mạnh và cung không đủ cầu. Tuy nhiên, theo ông Vũ Ðình Khoa thì sự phát triển ngành chế biến mắc ca không đồng đều, nên gây khó khăn cho những vùng sản xuất nguyên liệu xa các khu chế biến lớn. Ðiều kiện giao thông đi lại khó khăn, chi phí vận chuyển cao làm giảm giá bán sản phẩm của người sản xuất trực tiếp. Ðể khắc phục khó khăn này, Công ty đã liên kết chặt chẽ với thành viên Hiệp hội Mắc ca Việt Nam trong chế biến sản phẩm. Công ty luôn nắm bắt thông tin đầy đủ về biến động giá các mặt hàng mắc ca, thị hiếu người tiêu dùng và thị trường tiêu thụ để kịp thời điều chỉnh sản xuất kinh doanh hợp lý và đạt hiệu quả cao.

Mai Phương

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/178575/trien-vong-%E2%80%9Choang-hau-qua-kho%E2%80%9D