Triển vọng hợp tác báo chí truyền thông Việt Nam - Lào
Trong khuôn khổ Chương trình 'Ngày hội thắm tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào năm 2023', chiều 11/11 diễn ra buổi Tọa đàm khoa học 'Triển vọng hợp tác báo chí truyền thông Việt Nam - Lào: Thách thức và giải pháp'.
Tham dự về phía Việt Nam có Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Thanh Lâm; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, cùng đại diện Ban Tuyên Giáo, Ban Đối ngoại Trung ương; các sở, ban, ngành trong tỉnh. Về phía Lào có lãnh đạo Bộ TT&TT, Đại sứ quán Lào; Tổng Lãnh sự quán Lào tại Đà Nẵng…
Chuyển đổi số báo chí ở Việt Nam
Trình bày tham luận tại tọa đàm, Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ TT&TT Đặng Khắc Lợi cho biết, CĐS báo chí ở Việt Nam nhằm mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước.
“Báo chí cách mạng Việt Nam đang đứng trước các khó khăn, thách thức mới. Thực hiện CĐS, các cơ quan báo chí truyền thông chính là sự thay đổi về tổng thể và toàn diện kể cả phương thức, cách làm việc, mô hình tổ chức, hoạt động sáng tạo các tác phẩm báo chí, là sự thay đổi quan trọng về nhận thức và thái độ của lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí”, ông Lợi nói.
Phó Cục trưởng Cục Báo chí Đặng Khắc Lợi cho biết, mục tiêu CĐS báo chí Việt Nam đến năm 2025: 70% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước); 50% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động; 80% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số. Đồng thời, các cơ quan báo chí tối ưu hóa nguồn thu, trong đó 30% cơ quan báo chí tăng doanh thu tối thiểu 20%. 100% cơ quan báo chí điện tử có giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh hệ thống thông tin cấp độ 3 trở lên…
Đến năm 2030, 100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước); 90% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động; 100% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ và các mô hình phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số. Đồng thời, các cơ quan báo chí tối ưu hóa nguồn thu, trong đó 50% cơ quan báo chí tăng doanh thu tối thiểu 20%.
Để CĐS báo chí đạt được các mục tiêu trên, Phó Cục trưởng Cục Báo chí cho rằng, cần các triển khai nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm gồm: Nâng cao nhận thức, tăng cường tuyên truyền; rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật; phát triển các sản phẩm báo chí; phát triển nền tảng số; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tăng cường hợp tác quốc tế.
Hợp tác Việt - Lào trong thông tin, truyền thông
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ TT&TT, hiện nhiều người xem không gian mạng là cuộc sống thứ hai, sáng tạo ra các nội dung có ảnh hưởng đến cộng đồng. Song song đó, các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới đang ngày càng phát triển ở Việt Nam, cho phép người dùng đăng tải nội dung miễn phí và khai thác quảng cáo. Điều này cũng góp phần gia tăng tình trạng tin giả, sai sự thật. Các nền tảng trực tuyến xuyên biên giới là nơi thông tin sai lệch truyền tải rất nhanh.
Tham luận về “Kết quả hợp tác Việt Nam - Lào trong đào tạo báo chí, truyền thông”, Vụ Truyền thông đại chúng, Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào Phongsa Somsava, cho biết về tình hình phát triển báo chí Lào hiện nay: Lào có 113 ấn phẩm; Khu vực tư nhân có 13 số, khu vực công có 99 số, trong đó có 11 số là nhật báo; Có tổng cộng 168 đài phát thanh, trong đó có 9 đài ở trung tâm (7 đài FM, 2 đài AM), 75 đài địa phương và 77 đài mạng. Ngoài ra, Đài Phát thanh Quốc gia còn phát sóng các chương trình bằng tiếng Việt.
Lào có tổng cộng 49 đài truyền hình, ở cấp Trung ương có 4 đài, 3 đài tư nhân, 3 đài quốc tế, 4 đài mạng trung ương và 29 đài địa phương, trong đó 3 đài vẫn phát sóng trên mặt đất, up-link qua vệ tinh, một số tỉnh đang phát sóng qua truyền hình cáp, truyền hình kỹ thuật số và 6 đài kỹ thuật số; Ngoài ra còn có văn phòng đại diện báo chí của Việt Nam tại Lào như VTV, TTXVN, VOV…
Ông Duangkeo Kongkham, Trưởng phòng Công nghệ thông tin - Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào đã chia sẻ, hiện nay, các phương tiện truyền thông là cơ quan truyền thông chính dưới sự quản lý của chính phủ bao gồm: Đài phát thanh quốc gia Lào, Đài truyền hình quốc gia Lào, Kênh 1 và Kênh 3. Tin tức Lào, Báo Nhân dân và báo nước ngoài. Ngoài ra còn có đài quân đội, quân đội truyền hình, truyền hình bảo vệ hòa bình, báo quân đội, báo bảo vệ hòa bình. Còn truyền thông tư nhân thì có Laostra TV, Memv Lao.
Trao đổi tại tọa đàm, ông Khamvo VATSANGA, Giám đốc Sở Ngoại giao tỉnh Sê Kông đã chia sẻ về chủ đề “Triển vọng hợp tác Lào-Việt về thông tin và truyền thông” của tỉnh Sê Kông. Theo ông Khamvo VATSANGA, hiện nay, các công nghệ trên thế giới phát triển nhanh chóng nhảy vọt và các quốc gia cũng sẵn sàng bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trọng tâm của sự phát triển này là phát triển công nghệ số được ứng dụng trên mọi lĩnh vực, dẫn đến hội nhập, kết nối, dịch vụ mới và trao đổi thương mại không biên giới.
Tọa đàm khoa học triển vọng hợp tác báo chí truyền thông Việt Nam - Lào: Thách thức và giải pháp, với mong muốn thông qua những góc nhìn của các chuyên gia, các nhà quản lý của hai nước và việc trao đổi với các đại biểu, khách mời và các diễn giả sẽ phần nào cung cấp thêm thông tin hữu ích, hé mở những giải pháp thiết thực để tăng cường khả năng tiếp cận thông tin cho bà con vùng biên giới, để TT&TT ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong việc đẩy mạnh đầu tư thương mại, phát triển du lịch, kinh tế đường biên giữa các tỉnh biên giới giữa Việt Nam và Lào.