Triển vọng hợp tác Việt Nam - Australia trong lĩnh vực khai thác đất hiếm
Thăm dò và chế biến khoáng sản là một trong những lĩnh vực hợp tác quan trọng trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Australia. Mới đây tạp chí Diplomat đã đăng tải bài viết, trong đó đánh giá cao về tiềm năng khoáng sản của Việt Nam, đặc biệt là trữ lượng đất hiếm lớn thứ 2 thế giới.
Bài viết cho rằng sự hợp tác trong ngành khai khoáng giữa Việt Nam và Australia có thể thách thức vị thế độc tôn của Trung Quốc về đất hiếm.
Tác giả Nicholas Basan nhận xét Việt Nam giữ vị thế là một nền kinh tế đang phát triển, với tham vọng sẽ là một thành viên của nhóm các nền kinh tế lớn G-20 vào năm 2050. Nhờ tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, Việt Nam đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế. Sở hữu trữ lượng đất hiếm (REE) lớn thứ hai trên thế giới, cùng với lợi thế chi phí sản xuất thấp, Việt Nam có đủ nguồn lực để thiết lập một ngành công nghiệp chế biến hạ nguồn tích hợp. Đây chính là thời điểm thích hợp để Australia và Việt Nam cùng hợp tác để phát triển lợi ích chung. Theo đó, sự phát triển kinh tế nhanh chóng của Việt Nam là cơ hội cho các doanh nghiệp Australia xây dựng chuỗi cung ứng an toàn và đa dạng hơn, đồng thời tiếp cận các thị trường tiêu dùng mới.
Mặc dù hiện nay chưa có công ty khai thác đất hiếm (REE) nào của Australia đang hoạt động chính thứctại Việt Nam, nhưng Australia hiện đang nắm cơ hội để chuyển giao kỹ thuật, sản phẩm và cung cấp nguồn vốn cần thiết nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành khai thác đất hiếm tại Việt Nam. Australia có thiết bị hiện đại và chuyên môn kỹ thuật để nâng cao hiệu quả và tính bền vững tại Việt Nam. Các công nghệ của Australia có thể được tận dụng khai thác đất hiếm với chi phí hợp lý, đồng thời giải quyết các điểm nghẽn trong vận hành, cải thiện khung pháp lý xung quanh lĩnh vực này. Việt Nam có thể cung cấp cho Australia nguồn nhân lực để xử lý hạ nguồn đất hiếm. Đồng thời mở ra cơ hội tiếp cận thị trường Đông Nam Á trong bối cảnh nhiều nước đang tìm cách phát triển ngành công nghiệp pin nội địa nhưng không có đủ nguồn lực khoáng sản.
Thực hiện : Nhóm Phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam