Triển vọng kinh doanh ngân hàng trước vận hội mới
Năm 2025 được kỳ vọng tạo bước ngoặt đánh dấu kỷ nguyên mới của Việt Nam với những nỗ lực cải cách mạnh mẽ trong nước để chuẩn bị cho chu kỳ phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, nền kinh tế, đặc biệt là ngành Ngân hàng sẽ đối mặt với không ít thử thách từ những biến động khó lường của kinh tế toàn cầu. Vậy triển vọng và chiến lược kinh doanh của các ngân hàng trong năm 2025 ra sao? Làm thế nào để vượt qua thử thách và tận dụng cơ hội tạo đột phá trong kinh doanh? Phóng viên Thời báo Ngân hàng trích dẫn ý kiến các ngân hàng để có cái nhìn sâu sắc hơn.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch HĐQT Vietcombank
Đồng bộ chính sách - nền tảng vững chắc để đất nước bước vào kỷ nguyên mới
Bước sang năm 2025, bối cảnh quốc tế có thể sẽ có những thay đổi quan trọng. Căng thẳng thương mại quốc tế có xu hướng gia tăng và áp lực lạm phát tại Mỹ có thể quay trở lại sẽ làm ảnh hưởng đến lộ trình giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), qua đó tác động trực tiếp đến tỷ giá và lãi suất trong nước. Để tiếp tục phát huy tác động tích cực của chính sách tiền tệ (CSTT), thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ hơn, tạo lập nền tảng vững chắc để đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, ở góc độ ngân hàng, Vietcombank có một số kiến nghị. Cụ thể, NHNN tiếp tục điều hành CSTT thận trọng, song linh hoạt để thích nghi với bối cảnh có nhiều thay đổi nhằm duy trì được sự cân bằng tối ưu giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát, giữa tỷ giá và lãi suất.
Vietcombank kiến nghị NHNN có chính sách, chương trình lãi suất ưu đãi cho các lĩnh vực ưu tiên mới như công nghệ cao, năng lượng tái tạo, các dự án nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu; thiết lập quỹ tài chính hoặc hỗ trợ các NHTM tiếp cận nguồn vốn quốc tế với chi phí hợp lý từ các tổ chức như WB, IMF, các quỹ tài trợ trong khuôn khổ JETP... nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng bền vững và giảm phát thải; Đồng thời áp dụng các công cụ phù hợp để giảm thiểu dòng vốn đi vào các lĩnh vực có nguy cơ tạo ra bong bóng tài sản và rủi ro nợ xấu. Để cải thiện các hệ số an toàn và khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế, Vietcombank đề xuất Chính phủ ban hành cơ chế cho phép các NHTM Nhà nước được chủ động tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận để lại hàng năm.
Hiện nay hệ thống ngân hàng vẫn là nguồn cung ứng vốn chính của nền kinh tế, với tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam lên đến 133% và thuộc nhóm cao nhất thế giới. Trong khi đó, một kênh dẫn vốn quan trọng khác là thị trường vốn còn đối mặt với nhiều điểm nghẽn, bất cập về quy định, cơ cấu thị trường. Để giảm thiểu áp lực và rủi ro cho hệ thống ngân hàng, Chính phủ và các bộ ngành có liên quan đẩy nhanh việc hoàn thiện quy định pháp lý và cơ chế vận hành thị trường vốn phù hợp với thông lệ quốc tế tiên tiến; thúc đẩy đa dạng các chủ thể tham gia thị trường, khuyến khích sự tham gia của nhà đầu tư tổ chức, bao gồm cả các nhà đầu tư nước ngoài…
Vietcombank kiến nghị Chính phủ cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng cơ sở trọng yếu để củng cố các nền tảng cho tăng trưởng trong dài hạn cũng như kích cầu trong ngắn hạn. Với kinh nghiệm dày dặn và tiềm lực sẵn có, Vietcombank luôn sẵn sàng tham gia tài trợ vốn và tư vấn quản lý tài chính cho dự án.
Trên cơ sở khuôn khổ pháp lý đã có những hoàn thiện đáng kể trong năm 2024 như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản đã được Quốc hội thông qua cũng như quy hoạch của 6 vùng kinh tế - xã hội và đại đa số các tỉnh đã được phê duyệt, Vietcombank rất mong Chính phủ và các cơ quan liên quan thực thi hiệu quả các luật này nhằm nhanh chóng tháo gỡ triệt để các khó khăn, vướng mắc về pháp lý cho các dự án bất động sản, giải phóng nguồn cung cho thị trường, đặc biệt ở các phân khúc tiềm năng, mở ra dư địa cho tăng trưởng tín dụng mới.
Ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch HĐQT MB
Tiếp tục tăng trưởng nhờ số hóa và đa dạng hệ sinh thái tập đoàn
Tính đến cuối năm 2024, MB đã đạt được số lượng khách hàng là 30 triệu người dùng. Dự báo trong 5 năm tới số lượng khách hàng sẽ cán mốc 40 triệu người. Tăng trưởng doanh thu bình quân sẽ vẫn duy trì ở mức 25-30%/năm; lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) giữ ở mức 22-24%.
Bước sang năm 2025, MB sẽ tiếp tục thực hiện chiến lược giai đoạn 2022-2026 với mục tiêu trở thành “doanh nghiệp số, tập đoàn tài chính dẫn đầu”. Trong đó, tiếp tục tập trung phát triển, hoàn thiện nền tảng dịch vụ tài chính - ngân hàng số thông minh, bao gồm các nền tảng ứng dụng số như App MBBank (dành cho khách hàng cá nhân), BIZ MBBank (dành cho khách hàng doanh nghiệp) và Banking-as-a-Service (BAAS) - cung cấp sản phẩm dịch vụ MB trên các nền tảng của đối tác.
Về chiến lược, MB sẽ bám sát các định hướng chiến lược chính giai đoạn 2022-2026 như tạo ra giá trị cho khách hàng; áp dụng công nghệ vượt trội; quyết định dựa trên khách hàng và dữ liệu; đầu tư cho kinh doanh và nền tảng; dám thử nghiệm có kiểm soát và có phương pháp làm việc khoa học…
Trong năm 2025, MB có nhiều yếu tố hỗ trợ tăng trưởng tín dụng. Trong đó, hoạt động kinh doanh của ngân hàng sẽ có sự cải thiện đáng kể khi hệ sinh thái MB Group được hoàn thiện và mở rộng; tín dụng bán lẻ tiếp tục phục hồi cũng sẽ là cơ hội cho ngân hàng phát triển cho vay, nhất là cho vay khách hàng cá nhân vốn là điểm mạnh của MB. Ngoài ra, việc MB được giao nhiệm vụ chuyển giao TCTD bắt buộc cũng sẽ giúp ngân hàng có dư địa phân bổ tín dụng tốt hơn và tranh thủ được các ưu đãi, hỗ trợ từ NHNN.
Vì thế, trong năm 2025 và những năm tới các mục tiêu tăng trưởng kinh doanh, tăng trưởng tài sản và tăng trưởng tín dụng khách hàng ở mức cao sẽ có nhiều kỳ vọng đạt được. Trong đó, các kế hoạch, dự án về chuyển đổi số, tăng trưởng khách hàng trên kênh số sẽ ngày càng tiệm cận mục tiêu mọi khách hàng của MB đều được phục vụ bằng các nền tảng số, 50-70% doanh thu được tạo ra từ các nền tảng.
Ngoài ra, MB sẽ tiếp tục chú trọng đầu tư vào lĩnh vực phát triển doanh nghiệp bền vững theo các tiêu chí ESG; tiếp tục mở rộng lĩnh vực tài trợ tín dụng xanh; phát triển thêm nhiều sản phẩm vay, gói tín dụng hỗ trợ vốn vì mục đích xã hội cho từng nhóm khách hàng, ngành nghề, bám sát theo các chỉ đạo của Chính phủ và NHNN liên quan đến chương trình NetZero, hỗ trợ khách hàng chuyển đổi xanh, giảm phát thải và sản xuất bền vững.
Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank
AI, bền vững và số hóa định hình kinh doanh ngân hàng năm 2025
Nếu phải chọn 3 từ khóa để nói về năm 2025 trong ngành tài chính - ngân hàng, tôi sẽ chọn Ngân hàng trí tuệ nhân tạo (AI), bền vững và cho vay trên nền tảng số. Đây sẽ là những yếu tố định hình ngành tài chính - ngân hàng trong năm 2025, tạo ra những cơ hội, cũng như thách thức lớn đối với các ngân hàng và các tổ chức tài chính. Đầu tiên là Ngân hàng AI. AI đã bắt đầu tạo ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành Ngân hàng. Đây là giải pháp giúp các ngân hàng phân tích, xử lý dữ liệu hiệu quả hơn, hỗ trợ việc khớp nối giữa các bên trong giao dịch và việc đưa ra quyết định cho các bên trong giao dịch. Năm 2025, AI giúp ngân hàng cải thiện thị phần, gia tăng doanh thu, và thêm trải nghiệm cho khách hàng trong thời đại công nghệ số. Ở chiều ngược lại, AI sẽ hỗ trợ khách hàng phân tích dữ liệu, phát hiện gian lận, tối ưu hóa chi phí và quản lý rủi ro, một trợ thủ đắc lực để tư vấn đầu tư.
Từ khóa tiếp theo là bền vững. Những năm gần đây, nhu cầu về tài chính bền vững đang gia tăng mạnh mẽ trên toàn cầu. Các ngân hàng ngày càng chú trọng vào việc cung cấp các sản phẩm tài chính gắn liền với phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và thúc đẩy các hoạt động kinh tế xanh. Các sản phẩm như trái phiếu xanh, tín dụng xanh và đầu tư bền vững sẽ là xu hướng chủ đạo trong năm 2025, đặc biệt khi các quy định quốc tế và áp lực từ xã hội về vấn đề môi trường ngày càng tăng.
Và từ khóa cuối cùng là cho vay trên nền tảng số. Với sự phát triển của công nghệ, cho vay trên nền tảng số không chỉ là một công cụ tài chính hiện đại mà còn là phần quan trọng của quá trình chuyển đổi số trong ngành tài chính - ngân hàng. Các nền tảng số giúp đơn giản hóa quy trình cho vay, tăng cường sự minh bạch và bảo mật, đồng thời mở rộng khả năng tiếp cận vốn cho nhiều đối tượng khách hàng.
Tôi kỳ vọng năm 2025 là một năm của những cơ hội mới, nơi chúng ta có thể tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong môi trường số hóa, tăng trưởng bền vững và đưa các giải pháp tài chính sáng tạo đến gần hơn với người dân và doanh nghiệp. Tôi hy vọng ngành Ngân hàng sẽ góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế quốc gia phát triển ổn định và thịnh vượng trong tương lai.
Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc OCB
OCB có những chiến lược phù hợp để tận dụng cơ hội kinh doanh
Về tổng thể kinh tế toàn cầu đang trong giai đoạn phục hồi nhờ CSTT nới lỏng hơn và các biện pháp kích thích tài chính dần ngấm vào nền kinh tế. Đây sẽ là bàn đạp cho nền kinh tế trong 2025. Theo đó nhu cầu tiêu dùng tăng trưởng tốt có thể sẽ hỗ trợ các đơn hàng xuất khẩu tại Việt Nam. Đặc biệt, khi Fed hạ lãi suất, dòng vốn có thể dịch chuyển khỏi các tài sản bằng USD vì lợi suất giảm, nhà đầu tư sẽ có xu hướng chuyển sang các thị trường mới nổi - nơi có lợi suất đầu tư cao hơn. Điều này có thể làm giảm giá trị đồng USD so với các đồng tiền khác bao gồm VND, từ đó tỷ giá sẽ hạ nhiệt trong thời gian tới…
Ở trong nước, mặc dù kinh tế thế giới chưa khởi sắc, nhưng Việt Nam được xem đã thành công khi linh hoạt điều hành CSTT để đạt được mục tiêu tăng trưởng và kiểm soát lạm phát trong năm 2024. Trong môi trường lạm phát thấp, tỷ giá ổn định, NHNN đủ điều kiện hạ lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế bằng cách khuyến khích đầu tư và tiêu dùng, từ đó thúc đẩy tín dụng và tăng trưởng GDP trong năm 2025. Các ngân hàng có cơ hội giảm lãi suất huy động và cho vay, giúp doanh nghiệp, cá nhân dễ dàng tiếp cận vốn hơn.
Xuất khẩu đã tăng trưởng mạnh trong vài tháng gần đây được kỳ vọng tạo thêm công ăn việc làm và thu nhập cho tầng lớp lao động dẫn đến sự gia tăng sức tiêu dùng và sẽ trở thành bàn đạp thúc đẩy nhu cầu vốn, tăng trưởng tín dụng trong ngành Ngân hàng tăng mạnh trở lại, đặc biệt trong các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, chi tiêu cá nhân. Khả năng cao để đảm bảo tăng trưởng GDP bền vững, NHNN sẽ đưa ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2025 là 15% hoặc cao hơn. Tuy nhiên, các ngân hàng sẽ phải cạnh tranh hơn trong việc thu hút khách hàng bằng cách cung cấp các sản phẩm và dịch vụ tốt hơn với mức phí hợp lý.
Trong thời gian tiếp theo, dù nhiều yếu tố hỗ trợ nhưng có một số rủi ro cần lưu ý. Cụ thể, về tình hình địa chính trị và đặc biệt khi ông Donald Trump chiến thắng trong cuộc đua vào nhà Trắng, điều này dấy lên lo ngại Tổng thống Trump sẽ tăng mạnh thuế quan khiến lạm phát quay trở lại và cản trở tốc độ nới lỏng tiền tệ như dự kiến.
Mặc dù nền kinh tế Việt Nam có những tín hiệu tích cực, nhưng ngành Ngân hàng cũng cần phải cẩn trọng với chất lượng tài sản và các vấn đề liên quan đến quản lý nợ xấu, đặc biệt trong bối cảnh không chắc chắn của nền kinh tế toàn cầu và thị trường bất động sản chưa thực sự khởi sắc.
Tựu chung lại, trong năm 2025 sẽ có những cơ hội và thách thức mới cho ngành Ngân hàng Việt Nam và OCB có thể có những chiến lược phù hợp để tận dụng những cơ hội này. Tại OCB, chúng tôi vẫn xem số hóa sẽ là chiến lược cần được ưu tiên để tạo sự khác biệt, bên cạnh các hành động mở rộng, tối ưu danh mục khách hàng hay cung cấp bộ giải pháp tài chính toàn diện cho doanh nghiệp. Và OCB cũng kỳ vọng Open Banking sẽ chính là điểm khác biệt lớn nhất của ngân hàng.
Có thể nói, OCB là một trong số ít các ngân hàng trên toàn hệ thống tiên phong triển khai Open API. Bởi trong bức tranh tổng thể của Open Banking tại OCB, Open API đóng vai trò như một cây cầu kết nối giữa ngân hàng và các đối tác cho phép họ truy cập, sử dụng dữ liệu, dịch vụ của ngân hàng một cách có kiểm soát, an toàn và bảo mật.
Trong chiến lược kinh doanh năm 2025, OCB lựa chọn hướng đến những ngành là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng cao và tiềm năng mở rộng như: năng lượng, FMCG, logistic, bất động sản nhà ở... OCB có nền tảng khách hàng doanh nghiệp mạnh, hệ sinh thái khách hàng đa dạng cũng là lợi thế để OCB tăng tốc trong năm 2025.
Ngoài ra, chúng tôi vẫn tiếp tục đẩy mạnh, tập trung tài trợ cho vay các lĩnh vực xanh, ít tiêu tốn năng lượng, thân thiện với môi trường, bên cạnh cho vay tệp khách hàng SMEs và các doanh nghiệp có quản lý là nữ giới. Đây được xem là chủ trương chung của Chính phủ cũng như xu hướng chung của ngành Ngân hàng trên toàn cầu.
Ông Trần Hoài Nam, Phó Tổng giám đốc HDBank
Quản trị rủi ro và tuân thủ để phát triển an toàn, bền vững
Năm 2025 được dự báo sẽ mang đến không ít thách thức khi những biến động kinh tế và địa chính trị toàn cầu tiếp tục gây áp lực lên lợi nhuận và mục tiêu phát triển bền vững. Trong nước, dù kinh tế Việt Nam có nhiều điểm sáng và triển vọng tăng trưởng cao, nhưng vẫn hiện diện những thách thức ở thị trường bất động sản, TPDN và xử lý nợ xấu. Bên cạnh đó, thị trường vốn vẫn trong quá trình phát triển, chưa thể hỗ trợ thực sự hiệu quả cho hệ thống ngân hàng đáp ứng nhu cầu vốn ngày càng lớn của nền kinh tế.
Về cơ hội, các bộ luật quan trọng liên quan đến nhiều lĩnh vực kinh tế đã được sửa đổi, bổ sung và đang dần đi vào thực tiễn, tạo nên môi trường pháp lý minh bạch, ổn định hơn. Cùng với triển vọng phục hồi của thị trường bất động sản, TPDN, tăng trưởng tiêu dùng và khả năng nâng hạng TTCK hứa hẹn thu hút dòng vốn quốc tế, gia tăng động lực phát triển kinh tế. Đặc biệt, xu hướng dịch chuyển vốn đầu tư toàn cầu về Việt Nam mở ra cơ hội lớn để mở rộng quy mô và thúc đẩy hợp tác quốc tế.
HDBank đã sẵn sàng cho các mục tiêu tăng trưởng mạnh mẽ với những nền tảng vững chắc. HDBank đã có mặt tại tất cả các tỉnh, thành giúp tiếp cận khách hàng hiệu quả và phát triển các dịch vụ tài chính mới. Những năm qua, HDBank cũng đã chủ động và tiên phong triển khai các giải pháp công nghệ, phát triển ngân hàng số tiên tiến, tối ưu quy trình, qua đó giảm thiểu chi phí, gia tăng lợi ích và nâng cao trải nghiệm cho khách hàng. Công nghệ và số hóa cũng chính là xu thế dự báo tiếp tục bùng nổ trong năm 2025, cùng với tăng cường thực thi ESG, chuyển đổi xanh cho phát triển bền vững. Trong đó, công nghệ và đổi mới sáng tạo, với AI và Big Data tiếp tục là yếu tố quyết định sự khác biệt giúp các ngân hàng cung cấp các dịch vụ đa dạng với các tiện ích vượt trội.
Trong bất kỳ bối cảnh nào, quản trị rủi ro và tuân thủ luôn là “chìa khóa” để các ngân hàng phát triển an toàn và bền vững. Việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế như Basel III, tuân thủ các thông lệ quốc tế tốt nhất như HDBank đã và đang kiên trì thực thi để tạo niềm tin cho khách hàng, cổ đông và nhà đầu tư. Đây cũng là cơ sở để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng tích cực và an toàn, bởi tín dụng luôn là yếu tố hàng đầu trong hoạt động ngân hàng và với nền kinh tế nói chung….
Với những “yếu tố chìa khóa” trên, chúng tôi tin rằng HDBank sẽ tiếp tục mở ra những cơ hội trong năm 2025 để củng cố vị thế, phát triển mạnh mẽ và đóng góp tích cực vào sự phát triển của hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/trien-vong-kinh-doanh-ngan-hang-truoc-van-hoi-moi-160025.html