Triển vọng kinh tế toàn cầu đang được cải thiện

Mới đây, Liên hợp quốc đã công bố 'Báo cáo tình hình và triển vọng kinh tế thế giới', trong đó đưa ra đánh giá lạc quan thận trọng về triển vọng kinh tế toàn cầu trong năm 2024.

Kinh tế toàn cầu được dự báo tăng trưởng nhẹ so với báo cáo mà Liên hợp quốc đưa ra hồi tháng 1. Ảnh: VnEconomy

Kinh tế toàn cầu được dự báo tăng trưởng nhẹ so với báo cáo mà Liên hợp quốc đưa ra hồi tháng 1. Ảnh: VnEconomy

Liên hợp quốc hôm 16/5 (giờ địa phương) cho biết, triển vọng kinh tế toàn cầu hiện đã được cải thiện so với dự báo mà tổ chức này đưa ra hồi tháng 1, theo đó, các nền kinh tế lớn đã tránh được suy thoái nghiêm trọng, giảm lạm phát dù vẫn đối mặt với một số thách thức.

Cụ thể, kinh tế toàn cầu được Liên hợp quốc dự báo sẽ tăng trưởng 2,7% trong năm 2024 và 2,8% trong năm 2025, tăng nhẹ so với dự báo hồi đầu năm là 2,4% cho năm 2024 và 2,7% đối với năm 2025.

Báo cáo nêu rõ, việc nâng mức dự báo có được là nhờ triển vọng kinh tế lạc quan hơn tại Mỹ, quốc gia có thể đạt mức tăng trưởng 2,3% trong 2024. Một số nền kinh tế mới nổi hàng đầu như Brazil, Ấn Độ và Nga. Ngoài ra, kinh tế Trung Quốc được dự báo sẽ tăng trưởng 4,8% trong năm 2024, tăng nhẹ so với mức 4,7% trong dự báo trước đó.

Trong khi đó, Liên hợp quốc đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế tại Liên minh châu Âu (EU) từ 1,2% xuống còn 1%.

Ở khu vực Đông Á, báo cáo cập nhật của Liên hợp quốc dự báo các nền kinh tế tại đây nhìn chung sẽ đạt mức tăng trưởng 4,6% trong năm 2024 và 4,5% trong năm 2025, không thay đổi so với dự báo hồi tháng 1. Kết quả này được củng cố bởi nhu cầu nội địa mạnh, ngành du lịch tiếp tục phục hồi và xuất khẩu hàng hóa có dấu hiệu cải thiện.

Các nền kinh tế như Malaysia, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc) và Việt Nam đã có tín hiệu phục hồi thương mại kể từ cuối năm 2023, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu các sản phẩm điện tử.

Đánh giá chung, Liên hợp quốc nâng mức dự báo tăng trưởng toàn cầu, song cũng cho rằng triển vọng kinh tế chỉ lạc quan một cách thận trọng, do tình hình lãi suất cao kéo dài, nợ xấu và rủi ro địa chính trị leo thang.

Kim Khánh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/the-gioi-24h/trien-vong-kinh-te-toan-cau-dang-da-duoc-cai-thien--i731442/