Triển vọng kinh tế từ mô hình nuôi lươn theo chuỗi giá trị
Mạnh dạn áp dụng cách làm mới, anh Lê Văn Đông, ở thôn Hoàng Văn, xã Đông Phú (Đông Sơn) xây dựng hàng trăm mét vuông bể nuôi lươn không bùn và đầu tư xây dựng cơ sở chế biến, hình thành chuỗi cung ứng, bao tiêu sản phẩm lươn thương phẩm, đạt doanh thu hàng tỉ đồng/năm.
Mô hình nuôi lươn theo chuỗi giá trị của hộ gia đình anh Lê Văn Đông, xã Đông Phú (Đông Sơn) mang lại doanh thu hàng tỉ đồng/năm.
Sinh năm 1995 trong gia đình nghèo ở địa phương thuần nông, cuộc sống của anh Đông khá vất vả, bươn chải từ sớm. Khi còn nhỏ, sáng đi học, chiều anh thường đi bắt cua, lươn ngoài đồng cải thiện bữa ăn gia đình và đỡ bố mẹ tiền học phí. Lớn lên, anh Đông vất vả mưu sinh từ nghề khai thác đá. Song, cuộc sống, sinh hoạt thường ngày vẫn gắn bó với đồng ruộng. Anh Đông cho biết: Ngoài thời gian làm nghề khai thác đá, tôi vẫn cùng gia đình bắt cá, lươn trong tự nhiên để nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, hiện nay, nhu cầu của thị trường về sản phẩm lươn ngày càng nhiều hơn nhưng lươn tự nhiên lại hạn chế do ảnh hưởng của thuốc bảo vệ thực vật, ô nhiễm môi trường. Chính vì vậy, khi nắm bắt được ở một số tỉnh, thành phố phía Nam đã phát triển được mô hình nuôi lươn không bùn hiệu quả kinh tế cao nên tôi đã quyết định đi học tập, mong muốn phát triển tại địa phương.
Nghĩ là làm, năm 2020, anh Đông đã đi thăm, học tập kinh nghiệm nuôi lươn không bùn ở các tỉnh Vĩnh Long, Cần Thơ, Tiền Giang... Tháng 4-2020 với những đồng vốn ít ỏi tích cóp, anh Đông đã đầu tư khoảng 300 triệu đồng xây dựng 9 bể nuôi lươn tại xã Đồng Tiến (Triệu Sơn) để khởi nghiệp. Diện tích 10m2/bể, lòng bể được lót gạch men trơn để lươn không bị xước da khi va chạm, bể có lắp đặt hệ thống bơm nước và thoát nước bảo đảm thuận tiện khâu vệ sinh. Đặc biệt, để hạn chế ảnh hưởng tới môi trường, anh còn đầu tư đào một ao chứa nước, nuôi cá rô nhằm xử lý nước thải từ các bể nuôi lươn. Với 25.000 con giống được nhập từ Vĩnh Long và những kinh nghiệm góp nhặt được, sau 12 tháng nuôi, những bể lươn đã cho thu hoạch với sản lượng khoảng 4 tấn, doanh thu hơn 600 triệu đồng. Thành quả vượt ngoài mong đợi ban đầu nên anh Đông đã xác định đây là hướng phát triển kinh tế phù hợp với trình độ sản xuất của gia đình và xu hướng, nhu cầu của thị trường.
Anh Đông không giấu nổi xúc động khi nhớ về những thành quả đầu tiên: Sau 12 tháng cùng ăn, cùng ngủ tại khu nuôi thả lươn, tôi cẩn trọng trong từng chi tiết. Bởi, nuôi lươn trong bể không khó nhưng đòi hỏi phải có nguồn nước sạch, mỗi ngày phải thay nước đều đặn sau mỗi lần cho lươn ăn. Mặt khác, gia đình còn phải thường xuyên tắm cho lươn nuôi bằng nước muối pha loãng hoặc chất sát khuẩn iodine định kỳ 3 lần/tháng để phòng bệnh, thường xuyên thay và giặt chùm dây ni lông trong bể nuôi tránh cho lươn bị bệnh. Thành quả từ lứa nuôi lươn đầu tiên chính là bước đệm để tôi tiếp tục đầu tư, mở rộng diện tích nuôi lươn không bùn.
Không chỉ có thêm vốn tích lũy mà còn có thêm những đầu mối tiêu thụ sản phẩm lươn nên anh Đông đã tiếp tục mạnh dạn mở rộng thêm diện tích nuôi gồm 13 bể, diện tích 130m2 tại gia đình ở thôn Hoàng Văn, xã Đông Phú. Khu nuôi mới được bố trí khoa học thành các khu ương giống, nuôi thương phẩm. Ngoài ra, anh còn xây dựng nhà sơ chế, đầu tư tủ cấp đông, thuê nhân công để phát triển mảng lươn chế biến mang nhãn hiệu Đông Phát và phát triển mảng tư vấn, cung cấp vật tư để phát triển nuôi lươn không bùn.
Tuy không phải là người đầu tiên trên địa bàn tỉnh phát triển mô hình này, song anh Lê Văn Đông đã tìm tòi để có hướng phát triển đúng đắn. Không chỉ tìm kiếm, mở rộng hệ thống thương lái tiêu thụ lươn thương phẩm mà anh Đông còn nghiên cứu để phát triển lươn đã sơ chế: lươn cuộn thịt, lươn một nắng, lươn khô... Sau khi có được sản phẩm mẫu hoàn chỉnh, anh đem sản phẩm đó đến các cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị mini giới thiệu hay đăng trên page facebook cá nhân, chẳng mấy chốc sản phẩm đã được nhiều người biết tiếng, trở thành đầu mối tiêu thụ lớn. Hiện cơ sở chế biến lươn Đông Phát của gia đình anh Đông đã ký hợp đồng với một cơ sở tại tỉnh Quảng Trị tiêu thụ khoảng 1 tấn lươn/tháng. Đồng thời, tìm hiểu, nghiên cứu để phát triển sản phẩm lươn cuộn, lươn một nắng trở thành sản phẩm OCOP.
Theo tính toán của anh Đông, mỗi tháng, các đầu mối tiêu thụ đã liên kết có nhu cầu thu mua khoảng 2,2 tấn lươn thương phẩm và các loại sản phẩm sơ chế từ cơ sở của gia đình. Tuy nhiên, khả năng cung ứng của gia đình không đủ nên anh đã phát triển thêm 4 cơ sở vệ tinh tại huyện Hậu Lộc, Quảng Xương. Nhờ đó doanh thu hằng năm đạt hơn 1 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng/năm.
Chủ tịch Hội Làm vườn và Trang trại huyện Đông Sơn Nguyễn Chí Cường cho biết: Mô hình nuôi lươn không bùn của anh Lê Văn Đông là mô hình sản xuất bền vững, hiệu quả kinh tế cao. Với sự quyết tâm, linh hoạt, đổi mới, anh Đông đã từng bước đổi mới, phát triển thành chuỗi sản xuất khép kín (từ nuôi, từ chế biến thô đến chế biến tinh ướp gia vị, đóng gói, tiêu thụ) mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, hội đã liên kết cho cơ sở của anh Đông được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư, mở rộng sản xuất. Đồng thời, lựa chọn làm mô hình điểm để tuyên truyền, giới thiệu cho hội viên học tập, nhân rộng tại địa phương.