Triển vọng kinh tế Việt Nam 2024

Kết thúc năm 2023, mặc dù có những mục tiêu không đạt được như kế hoạch nhưng với nhiều tín hiệu tích cực trong những tháng cuối năm, đặc biệt trong bối cảnh quốc tế, khu vực còn khó khăn, tăng trưởng kinh tế (GDP) năm 2023 của Việt Nam được đánh giá là rất tích cực, tạo đà cho nền kinh tế phục hồi và bứt phá trong năm 2024…

Nhiều động lực cho tăng trưởng GDP 2024. (Ảnh minh họa/Nguồn ảnh: VGP)

Nhiều động lực cho tăng trưởng GDP 2024. (Ảnh minh họa/Nguồn ảnh: VGP)

Năm 2023: Những điểm sáng

Nhiều dự báo cho thấy tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 chỉ đạt trên 5%. Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) dự báo GDP năm 2023 của Việt Nam khoảng 5,19%. Mới đây, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra mức 5,2%, giảm đáng kể so với dự báo trước đó là 5,8%. Đáng lưu ý, mức dự báo 5,2% này của Việt Nam tương đương với dự báo tăng trưởng trong năm nay của Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Năm 2023 được nhận định là một năm cực kỳ khó khăn, song nhiều “điểm sáng” của nền kinh tế được ghi nhận. Theo đánh giá của CIEM, một số chỉ báo kinh tế vĩ mô đang theo chiều hướng tích cực, tăng trưởng GDP có xu hướng tốt lên, quý sau cao hơn quý trước. Tăng trưởng GDP quý IV/2023 ước đạt 7,72%, quý III/2023 là 5,23%, quý II/2023 là 4,05% và quý I/2023 là 3,28%.

Theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, Việt Nam không thể tránh được những tác động từ tình hình khó khăn của kinh tế thế giới, nhưng những tín hiệu phục hồi của nền kinh tế hiện khá rõ nét. Nền kinh tế có nhiều động lực cho tăng trưởng cả năm 2023 và 2024, như: Sự dịch chuyển chuỗi cung ứng và dòng vốn đầu tư toàn cầu; Thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại; Dịch vụ, tiêu dùng tăng khá; Đầu tư công được đẩy mạnh, rủi ro tài khóa ở mức trung bình, dư địa chính sách vẫn còn; Lạm phát và lãi suất đang giảm, tỷ giá cơ bản ổn định, rủi ro nợ xấu trong tầm kiểm soát…

TS. Cấn Văn Lực chia sẻ, tăng trưởng GDP của Việt Nam 2023 dù thấp hơn so với chỉ tiêu 6 - 6,5% nhưng vẫn ở mức tăng trưởng gần như cao nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt từ tháng 6 kinh tế đã có những dấu hiệu phục hồi rõ nét. Phân tích những chỉ số cụ thể của nền kinh tế như xuất khẩu, chỉ số sản xuất công nghiệp..., TS. Cấn Văn Lực nhận định kinh tế đang tốt lên. “Rõ ràng chúng ta đã phục hồi và đang lấy lại đà tăng trưởng tích cực” - ông quả quyết.

Đặc biệt, trong ba dòng vốn đầu tư chính của nền kinh tế, tuy đầu tư tư nhân chưa như kỳ vọng, nhưng đầu tư công đang triển khai rất tốt, giải ngân vốn đầu tư nước ngoài cũng tăng trưởng. Cùng với đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản tuy chưa được như mong muốn nhưng đang chuyển biến tích cực.

Ngoài ra, một “điểm sáng” quan trọng là thể chế đang có nhiều thay đổi tích cực, rất nhiều luật quan trọng đã được Quốc hội thông qua và chuẩn bị thông qua, như: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Giao dịch điện tử, Luật Các tổ chức tín dụng…

Bên cạnh đó, toàn bộ các chính sách (giãn, hoãn, giảm thuế, phí…) mà Chính phủ ban hành trong thời gian vừa qua nhằm hỗ trợ cho các thị trường, như thị trường vốn, đất đai, bất động sản, du lịch…, có thể nói là chưa từng có. Đáng chú ý, hầu hết các chính sách áp dụng từ thời kỳ dịch COVID-19 đến nay được giữ nguyên.

Đặc biệt, TS. Lực nhấn mạnh công tác ngoại giao nói chung và ngoại giao kinh tế nói riêng năm vừa qua đã rất thành công.

Kịch bản nào cho năm 2024?

Tại Diễn đàn Nhịp đập Kinh tế Việt Nam 2023 do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và CIEM phối hợp tổ chức mới đây, CIEM đã công bố cập nhật 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024. Theo đó, kịch bản thấp GDP tăng trưởng 5,5%, kịch bản cơ sở GDP tăng 6% và kịch bản cao GDP tăng trưởng 6,5%.

Dự báo này tương đối sát với dự báo gần nhất của một số định chế tài chính quốc tế như WB dự báo 5,5% (tháng 8/2023); IMF dự báo 5,8% (tháng 10/2023); ADB dự báo 6% (tháng 9 và tháng 12/2023).

Mới đây, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 103/2023/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, với chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 là 6 - 6,5%.

Năm 2024 được nhận định vẫn là năm không dễ dàng với kinh tế Việt Nam, bởi những khó khăn trong nội tại nền kinh tế của năm 2023 vẫn còn kéo dài đến năm 2024. Trong khi đó, tình hình địa chính trị thế giới vẫn diễn biến phức tạp và khó lường, tăng trưởng kinh tế thế giới vẫn được dự báo giảm nhẹ, trong đó có nhiều nước đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Cùng với đó, lạm phát được dự báo vẫn ở mức cao, thậm chí có thể cao hơn năm 2023, do đó việc điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam sẽ khó khăn, và đòi hỏi sự linh hoạt hơn…

Tuy nhiên, điểm tích cực là kinh tế tăng trưởng ổn định trong thời gian dài tạo đà và lực cho phục hồi thuận lợi hơn. Vị thế chính trị và thương mại của Việt Nam ngày càng được quốc tế chú trọng hơn (nâng cấp quan hệ với Mỹ, Nhật; một số hiệp định thương mại tự do mới phát huy hiệu lực…). Nhà nước chú trọng hỗ trợ phục hồi kinh tế, một số chính sách hỗ trợ đã được Quốc hội đồng ý kéo dài sang 2024.

Trong các kịch bản kinh tế, CIEM dự báo, GDP năm 2024 có thể tăng trưởng tương ứng với kịch bản cơ sở nhất (6%). Để đạt được mức tăng trưởng đó, nhóm nghiên cứu của CIEM đề xuất tập trung vào một số giải pháp, gồm: Tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, trong đó đặc biệt tập trung nhiều hơn cho các động lực tăng trưởng kinh tế; Tiếp tục cải thiện thể chế và môi trường kinh doanh; Hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất; Tăng cường hỗ trợ cho các chủ thể sản xuất kinh doanh và thúc đẩy phát triển thị trường hàng hóa dịch vụ…

Đâu là động lực tăng trưởng?

Theo Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, bà Ramla Khalidi, để nền kinh tế Việt Nam có thể hồi phục mạnh mẽ trong năm 2024, Việt Nam cần phải linh hoạt các giải pháp để giải quyết được những khó khăn, thách thức hiện hữu.

“Trên thực tế, quá trình đổi mới, sáng tạo, chuyển dịch năng lượng... đang mang đến những cơ hội mới để Việt Nam có thể thâm nhập vào những thị trường mới, gia tăng giá trị và hàm lượng hàng hóa, thúc đẩy xuất khẩu… Ngoài ra, Việt Nam cũng có thể tăng cường thu hút đầu tư, tận dụng những công nghệ tiên tiến như công nghệ bán dẫn, trí tuệ nhân tạo... nhằm mục đích khai thác hiệu quả các cơ hội này để phát triển ở mức cao hơn, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình” - Chuyên gia UNDP gợi ý.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành - giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, động lực đầu tiên để nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng trong tháng cuối năm 2023 và năm 2024 chính là xuất khẩu. Cũng theo ông, Việt Nam có thể đạt được mức tăng trưởng xuất khẩu từ 5 - 7% nhờ vào việc xuất khẩu sang thị trường Mỹ hồi phục.

TS. Cấn Văn Lực nhận định, tăng trưởng kinh tế năm 2024, thế giới có thể đi ngang hoặc giảm nhẹ nhưng Việt Nam dự kiến phục hồi ở mức 6 - 6,5%, lạm phát hoàn toàn trong tầm kiểm soát khoảng 3,5 - 4%. “Để bảo đảm mức tăng trưởng này, những cơ chế, chính sách về tài khóa từ năm 2023 nên tiếp tục áp dụng. Các chính sách tiền tệ, như giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ cũng cần kéo dài thực hiện đến hết năm…Với các doanh nghiệp, phải đẩy mạnh cơ cấu lại, đa dạng hóa nguồn vốn, nâng cao tính thích ứng và nhất là nhanh chóng chuyển đổi theo hướng xanh hóa và số hóa” - Chuyên gia đề xuất.

“Mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5% trong năm 2024 là tương đối thách thức trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, nhiều điều kiện và chuyển biến trong những tháng cuối năm 2023 ủng hộ cho triển vọng tăng trưởng trong năm 2024” - TS. Lê Duy Bình - Giám đốc Economica Việt Nam khẳng định.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương: “Năm 2024, mục tiêu ưu tiên là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”

“Nhóm giải pháp đầu tiên của Nghị quyết 103/2023/QH15 của Quốc hội chính là để thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6 - 6,5%. Trước đây, chúng ta thường đặt mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô lên trước, sau đó mới đến các mục tiêu, giải pháp khác. Nhưng năm 2024, Quốc hội đưa “ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế” trước nội dung “giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô”. Điều này cho thấy quyết tâm của toàn hệ thống cũng như Chính phủ về việc thúc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, phục hồi và bù đắp lại những giảm sút trước đây do tác động của dịch COVID-19 và khó khăn trong năm 2023.

Như chúng ta đã biết, các kết quả cuối năm 2023 rất tích cực. Mặc dù không đạt được mục tiêu cao như kỳ vọng hay kế hoạch ban đầu nhưng trong bối cảnh quốc tế, khu vực như hiện nay, kết quả như vậy rất tích cực, tạo đà tốt cho việc triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Qua rà soát các động lực tăng trưởng kinh tế cho thấy về cả 3 mặt: đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng đều có cơ hội tăng trưởng tốt trong năm 2024. Đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài, do các kết quả của ngoại giao kinh tế năm 2023 đem lại, nhất là trong các lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo, chip, bán dẫn, các ngành nghề khác... Hay đầu tư tư nhân, qua đánh giá sơ bộ cho thấy trong năm 2024 sự trở lại của các thị trường này là khá tốt, kích thích đầu tư trong nước, gắn với thị trường đầu tư xuất khẩu…

Thanh Thanh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/trien-vong-kinh-te-viet-nam-2024-post500480.html