Triển vọng kinh tế Việt Nam

Với triển vọng kinh tế Việt Nam tốt hơn vào những tháng cuối năm, các tổ chức tài chính quốc tế đã nâng mức dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024. Liệu Việt Nam có thể vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, trở thành nước có thu nhập trung bình cao, về đích sớm hơn mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra?

"Việt Nam là một câu chuyện phát triển thành công"

Đó là câu nhận định đầu tiên của Ngân hàng Thế giới (WB) trên chuyên trang về Việt Nam của tổ chức này. Cụ thể, WB cho rằng, những cải cách kinh tế từ năm 1986 kết hợp với các xu hướng toàn cầu thuận lợi đã nhanh chóng giúp Việt Nam phát triển từ một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới trở thành quốc gia thu nhập trung bình thấp. Với những diễn biến phát triển của Việt Nam, WB đánh giá: "Việt Nam hiện là một trong những quốc gia năng động nhất Đông Á Thái Bình Dương".

 Công nhân treo mình giữa khoảng không, nỗ lực thi công góp phần đưa dự án Đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch (Quảng Bình) - Phố Nối (Hưng Yên) hoàn thành tiến độ. Ảnh: NGUYỄN HUY

Công nhân treo mình giữa khoảng không, nỗ lực thi công góp phần đưa dự án Đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch (Quảng Bình) - Phố Nối (Hưng Yên) hoàn thành tiến độ. Ảnh: NGUYỄN HUY

Theo dữ liệu của WB, quy mô tổng sản phẩm trong nước (GDP) tính theo giá hiện hành năm 1986 của Việt Nam chỉ đạt 26,34 tỷ đô la Mỹ, đến năm 2023 đã tăng lên tới 429,72 tỷ đô la Mỹ, gấp 16,3 lần. GDP bình quân đầu người tính theo giá hiện hành năm 1986 đạt 430,2 đô la Mỹ, đến năm 2023 đã tăng lên 4.346,8 đô la Mỹ, gấp 10,34 lần. Thu nhập quốc gia (GNI) tính theo giá hiện hành năm 1989 đạt 14,15 tỷ đô la Mỹ, đến năm 2023 tăng lên 412,94 tỷ đô la Mỹ, gấp 29,2 lần. GNI bình quân đầu người tính theo giá hiện hành năm 1989 đạt 220 đô la Mỹ, đến năm 2023 đã tăng lên 4.180 đô la Mỹ, gấp 19 lần. Con số thống kê được đưa ra bởi WB chính là những minh chứng rõ ràng cho "câu chuyện phát triển thành công" của Việt Nam kể từ khi thực hiện công cuộc đổi mới đến nay.

Hiện nay, Liên hợp quốc cũng sử dụng phương pháp tính của WB để phân chia các nước thành các nhóm thu nhập khác nhau. Phân chia của Liên hợp quốc và các tổ chức tài chính uy tín trên thế giới là những kênh tham khảo để chúng ta đánh giá khả năng hoàn thành các mục tiêu mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đặt ra, trong đó có mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam sẽ vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, sẽ có mức thu nhập trung bình cao.

Theo tiêu chuẩn của Liên hợp quốc đưa ra vào năm 2020 thì nước có GNI bình quân đầu người thấp hơn 1.046 đô la Mỹ là nước có thu nhập thấp; từ 1.046 đến 4.095 đô la Mỹ là nước có thu nhập trung bình thấp; từ 4.096 đến 12.695 đô la Mỹ là nước có thu nhập trung bình cao; cao hơn 12.695 đô la Mỹ là nước có thu nhập cao.

Còn theo tiêu chuẩn của WB đưa ra vào năm 2023 thì nước có GNI bình quân đầu người thấp hơn hoặc bằng 1.145 đô la Mỹ là nước có thu nhập thấp; từ 1.146 đến 4.515 đô la Mỹ là nước có thu nhập trung bình thấp; từ 4.516 đến 14.005 đô la Mỹ là nước có thu nhập trung bình cao; cao hơn 14.005 đô la Mỹ là nước có thu nhập cao.

Như vậy, nếu tính theo chuẩn năm 2020 của Liên hợp quốc thì nước ta đã vượt qua ngưỡng thu nhập trung bình thấp, bước vào ngưỡng có thu nhập trung bình cao. Còn tính theo chuẩn năm 2023 của WB thì nước ta cũng đang hướng tới vượt qua ngưỡng thu nhập trung bình thấp, chuẩn bị bước vào ngưỡng thu nhập trung bình cao. Cần lưu ý thêm rằng tiêu chuẩn của Liên hợp quốc và WB cũng sẽ có biến động, thường là theo xu hướng tăng dần theo từng năm, điều này là hợp lý bởi đồng đô la Mỹ cũng bị biến động về giá trị, thường theo xu hướng mất giá theo từng năm. Tuy nhiên, với dự báo tăng trưởng kinh tế của nước ta do WB đưa ra, chúng ta hoàn toàn có thể đặt niềm tin vào việc sẽ hoàn thành mục tiêu mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra vào năm 2025, thậm chí chúng ta có thể về đích đầu tiên này sớm một năm, tức là vào năm 2024, nếu tăng trưởng kinh tế của nước ta năm nay đạt ở mức kỳ vọng cao. Điều này có khả năng trở thành hiện thực, bởi tăng trưởng quý II của nước ta đã đạt 6,93%, vượt mọi dự báo tích cực nhất được đưa ra trước đó.

Đồng loạt nâng mức dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2024

Điều đáng mừng là với những diễn biến thực tế của kinh tế nước ta từ đầu năm đến nay, mới đây, WB đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam lên 6,1% trong năm 2024 và dự báo đạt mức tăng trưởng 6,5% trong hai năm 2025, 2026; lạm phát ở mức 4,5% trong năm 2024 và sẽ giảm xuống còn 3,5% vào năm 2026. Trước đó, Ngân hàng HSBC, trong một báo cáo mang tên "Tổng quan Việt Nam-Lấy lại ánh hào quang" cũng đã nâng mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam lên mức 6,5% (mức dự báo trước đó là 6%) trong năm 2024. Nhiều tổ chức tài chính, ngân hàng quốc tế khác cũng đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2024 do những triển vọng tích cực gần đây, nhất là sức chống chịu tuyệt vời trước những biến động bất lợi của kinh tế thế giới.

Giải thích cho mức dự báo mới về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, các chuyên gia đến từ WB cho biết, dự báo đã xét đến hiệu ứng xuất phát điểm cao hơn kể từ nửa cuối năm 2023 với giả định tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng chế biến chế tạo chững lại trong nửa cuối năm 2024. Như vậy, trong trường hợp kinh tế toàn cầu tăng trưởng cao hơn dự kiến có thể thúc đẩy lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam phục hồi mạnh mẽ hơn; đồng thời khi chính sách tiền tệ tại các nền kinh tế lớn được nới lỏng thì tổng cầu của các nền kinh tế này sẽ được thúc đẩy, tạo đà cho tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam có thể đạt mức tốt hơn, kéo theo GDP của Việt Nam cũng sẽ đạt mức tăng trưởng cao hơn.

Bên cạnh yếu tố khó đoán định về sự phục hồi của kinh tế thế giới cũng như của các thị trường xuất khẩu trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị leo thang, Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro trong nước. Đó là thị trường bất động sản có thể cần thời gian lâu hơn dự kiến để phục hồi, thiên tai gây thiệt hại về kinh tế, thiếu hụt nguồn cung năng lượng có thể làm giảm tăng trưởng xuất khẩu...

Trong bối cảnh ấy, để đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra, các chuyên gia trong nước và quốc tế đưa ra nhiều khuyến nghị rất đáng chú ý. Đó là cần đẩy nhanh giải ngân đầu tư công để hỗ trợ tổng cầu trong ngắn hạn, thu hẹp thiếu hụt hạ tầng đang phát sinh; hối thúc các ngân hàng cải thiện tỷ lệ an toàn vốn, đồng thời tăng cường khung thể chế về giám sát an toàn, can thiệp sớm; đẩy nhanh cải cách để xanh hóa nền kinh tế, tạo dựng vốn nhân lực và cải thiện môi trường kinh doanh; hệ sinh thái tư nhân trong nước hội nhập hơn nữa vào các chuỗi cung ứng toàn cầu; tập trung phát triển thị trường vốn để phục vụ nhu cầu vốn cho các dự án dài hạn...

Một đánh giá khác của WB: Việt Nam-một trong những nền kinh tế tăng trưởng cao trên thế giới, đặt mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045. Để đạt mục tiêu này, Việt Nam cần đạt tăng trưởng GDP theo giá so sánh ở mức khoảng 6,5% mỗi năm trong 20 năm tới. Mục tiêu phấn đấu này vẫn nằm trong khả năng vì nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng ở mức trên 6,5% và đã phục hồi nhanh kể từ sau đại dịch Covid-19.

Như vậy, không chỉ là đích đến trước mắt vào năm 2025 và đích trung hạn vào năm 2030, chúng ta hoàn toàn có thể vững niềm tin chinh phục đích đến dài hạn hơn mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra!

CHIẾN THẮNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/trien-vong-kinh-te-viet-nam-792126