Triển vọng mô hình nuôi chim trĩ
Cuối năm 2020, anh Hồ Tiến Đạt (thôn Nhơn Hà, xã Ia Tôr, huyện Chư Prông) bắt tay vào nuôi chim trĩ thương phẩm để phát triển kinh tế gia đình. Chưa đầy 2 năm sau, mô hình này đã mang về cho gia đình anh nguồn thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.
Dẫn chúng tôi tham quan mô hình, anh Đạt cho biết: “Tôi có thú nuôi chim từ nhỏ và cơ duyên đến với việc nuôi chim trĩ thương phẩm cũng vậy. Từ đam mê, tôi đi sâu vào tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng, tham gia các câu lạc bộ, hội những người nuôi chim trĩ trong nước để tìm hiểu và học hỏi kiến thức, kinh nghiệm chăm sóc loài chim này. Càng tìm hiểu, tôi nhận thấy ngoài làm cảnh thì chim trĩ còn là thực phẩm giàu giá trị dinh dưỡng. Hiện ở Gia Lai có rất ít người xây dựng mô hình này. Vì vậy, tôi đặt mua 10 con giống về nuôi thử nghiệm. Thật bất ngờ là loài chim này sinh trưởng rất tốt, chỉ sau 6 tháng đã bắt đầu sinh sản”.
Sau đó, anh Đạt đến các trang trại giống tại tỉnh Đồng Nai để tham quan, học hỏi kỹ thuật và mua 100 con giống chim trĩ về nuôi. Anh xây dựng khu chuồng nuôi khá rộng, được rào bằng lưới thép, phía trên lợp mái tôn để chim không bay ra ngoài, gác cành cây ngang cho chim đậu. Phía dưới chuồng nuôi, anh trải đệm lót sinh học để dễ thu gom chất thải, đảm bảo chuồng trại luôn sạch sẽ và hạn chế dịch bệnh. Theo anh Đạt, nuôi chim trĩ cũng giống như nuôi gà và các loài chim khác, phải tuân thủ nghiêm ngặt việc phòng trừ các loại bệnh. Anh cho chim ăn thức ăn của gà, uống nước, bổ sung thêm rau cỏ, thân cây chuối.
Đàn chim trĩ phát triển khá nhanh. Thời gian nuôi để lấy thịt từ 6 đến 7 tháng, chim trĩ sẽ đạt trọng lượng 1,5-2 kg/con. Đầu năm 2022, anh Đạt xuất bán ra thị trường khoảng 100 con chim thương phẩm với giá dao động 200-220 ngàn đồng/kg. Mặt khác, với 50 cặp chim bố mẹ, anh Đạt nuôi lấy trứng và nhân giống. Trứng chim trĩ một phần được cho vào máy ấp để sàng lọc và nhân giống, một phần đem bán ra thị trường. Đặc biệt, những con chim trĩ có bộ lông đẹp, hoa văn sặc sỡ còn được tách ra nuôi riêng và bán cho khách mua về nuôi làm cảnh.
Anh Đạt cho biết, khi chim trĩ được khoảng 3 tháng, anh tách con mái nuôi riêng để lấy trứng. Từ tháng thứ 3 trở đi, anh cho chim ăn hạt bắp, thóc, rau xanh. Khi chim chuẩn bị bước vào thời kỳ sinh sản thì thức ăn cho chúng chủ yếu là bắp, thóc và cám. Chim trĩ đẻ trứng theo mùa, kéo dài khoảng 6 tháng. Mỗi năm, một con chim mái có thể đẻ khoảng 50-60 trứng. Hiện nay, ngoài việc cung cấp chim trĩ thương phẩm ra thị trường, anh Đạt còn bán một lượng chim giống khá lớn cho người dân trên địa bàn huyện.
Ông Nguyễn Văn Trọng (xã Ia Tôr) chia sẻ: “Chim trĩ là giống vật nuôi mới nên người dân chúng tôi còn rất bỡ ngỡ. Đầu năm 2022, sau khi được anh Đạt hướng dẫn kỹ thuật, tôi đã mua 10 con chim trĩ giống để nuôi. Hiện đàn chim trĩ của tôi phát triển rất tốt và chuẩn bị vào mùa sinh sản. Nuôi chim trĩ thương phẩm là mô hình kinh tế hiệu quả”.
Với anh Đạt, thành quả đó chỉ là khởi đầu để anh từng bước mở rộng mô hình, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Anh cho hay: “Sắp tới, tôi tiếp tục mở rộng quy mô trang trại nhằm đáp ứng nhu cầu chim trĩ thương phẩm khá rộng mở của thị trường. Tôi cũng dự định tăng số lượng chim bố mẹ để cung cấp con giống phục vụ bà con, đặc biệt là các bạn đoàn viên, thanh niên muốn khởi nghiệp”.
Nhận xét về mô hình nuôi chim trĩ của anh Đạt, Bí thư Huyện Đoàn Chư Prông Lê Thế Đô cho rằng: “Với vai trò là Bí thư Đoàn xã Ia Tôr, ngoài việc tham gia tích cực các hoạt động Đoàn, anh Đạt còn là gương thanh niên phát triển kinh tế tiêu biểu. Mô hình nuôi chim trĩ thương phẩm và sinh sản còn mới mẻ tại địa phương nhưng bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao, có thể nhân rộng. Vừa qua, Dự án “Nuôi chim trĩ sinh sản và thương phẩm” của anh Đạt đã đạt giải khuyến khích trong cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp” lần thứ V-2021 do Tỉnh Đoàn tổ chức. Dự án đã góp phần lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên”.
TRẦN DUNG