Triển vọng mới từ thương mại điện tử
Sự đa dạng về mô hình, đối tượng tham gia, quy trình hoạt động và chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ với sự hỗ trợ của hạ tầng internet và ứng dụng công nghệ hiện đại được kỳ vọng đưa thương mại điện tử của Bình Dương trở thành trụ cột quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế số.
Theo báo cáo của Bộ Công thương, thương mại điện tử (TMĐT) của Việt Nam đã vượt mốc 25 tỷ đô la Mỹ trong năm 2024, tăng 20% so với năm 2023. Điều này khẳng định vai trò quan trọng của ngành TMĐT nói riêng, kinh tế số nói chung trong nền kinh tế quốc gia.
Các doanh nghiệp tận dụng cơ hội phát triển thương mại điện tử thông qua các hội chợ, triển lãm
Anh Nguyễn Thành Tín, Chủ tịch Chi hội Doanh nhân trẻ TP.Thủ Dầu Một, cho biết TMĐT không chỉ là xu hướng mà đã trở thành kênh bán hàng thiết yếu, giúp doanh nghiệp (DN) tiếp cận thị trường rộng lớn hơn và giảm chi phí vận hành. Một trong những xu hướng nổi bật trong TMĐT hiện nay là sự phát triển mạnh mẽ của việc mua sắm qua mạng xã hội. Các nền tảng như Instagram, Facebook, TikTok không chỉ là nơi kết nối bạn bè mà còn trở thành các kênh bán hàng của nhiều DN, cơ sở, cá nhân kinh doanh. Việc mua hàng trên các nền tảng này giúp tiết kiệm thời gian, mang đến trải nghiệm mua sắm liền mạch.
BÁO CÁO CHỈ SỐ TMĐT VIỆT NAM NĂM 2024 VỪA ĐƯỢC HIỆP HỘI TMĐT VIỆT NAM (VECOM) CÔNG BỐ, CHO THẤY BÌNH DƯƠNG XẾP THỨ BA TRONG CẢ NƯỚC VỀ TMĐT.
“Chúng tôi luôn cố gắng hỗ trợ các DN thành viên Chi hội Doanh nhân trẻ TP.Thủ Dầu Một phát triển kỹ năng ứng dụng công nghệ Trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn. Kênh TMĐT hiện nay có khả năng phân tích hành vi và sở thích của người tiêu dùng để cung cấp các sản phẩm phù hợp. Cá nhân hóa giúp người tiêu dùng tìm kiếm và mua sản phẩm nhanh chóng, đồng thời tăng khả năng chuyển đổi cho DN. Các website và ứng dụng mua sắm không còn đơn giản là nơi cung cấp sản phẩm, mà đã trở thành những công cụ giúp cải thiện trải nghiệm mua sắm của người tiêu dùng”, anh Nguyễn Thành Tín cho biết.
Thạc sĩ Nguyễn Minh Quân, giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh, nhận định năm 2025 TMĐT không chỉ dừng lại ở những thay đổi trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng mà sẽ có sự bùng nổ những xu hướng mới, tạo ra bước ngoặt lớn cho toàn ngành. Cụ thể, sẽ có sự gia tăng nhanh chóng của điện thoại thông minh, biến thiết bị này thành kênh mua sắm chính; dự báo 85% các giao dịch TMĐT sẽ diễn ra trên nền tảng di động, tại thị trường lớn như TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương tỷ lệ này có thể còn cao hơn do dân số trẻ và mức độ phổ cập internet rộng rãi.
Cần hoàn thiện chính sách
Theo ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Chính sách, Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công thương), thời gian qua Bình Dương đã triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển TMĐT, hỗ trợ DN bắt kịp xu hướng kinh doanh mới, đặc biệt là DN vừa và nhỏ, hợp tác xã, cơ sở sản xuất. Đây là nền tảng quan trọng để TMĐT của tỉnh bứt phá trong thời gian tới.
Bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết bám sát chỉ đạo của UBND tỉnh, cùng với đó là sự hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ từ các sở, ban, ngành liên quan, trong năm 2025 Sở Công thương tiếp tục tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo để tạo điều kiện cho DN , hợp tác xã, hộ kinh doanh phát triển các kỹ năng bán hàng qua kênh TMĐT. Thông qua các hội nghị, hội thảo này, chủ thể kinh doanh được chia sẻ, giới thiệu và hướng dẫn kỹ năng phân phối sản phẩm, giải pháp quản lý bán hàng đa kênh, xây dựng năng lực số, chiến lược kinh doanh đổi mới sáng tạo, phòng chống hàng gi ả…
Ông Đỗ Mạnh Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ DN tỉnh, cho biết vừa qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức lớp đào tạo quản trị cho DN chuyên đề về marketing và bán hàng thời đại số, với sự tham gia của 35 học viên đến từ các DN trên địa bàn tỉnh. Với những kiến thức thiết thực, lớp học này tạo cơ hội cho học viên học tập, chia sẻ kinh nghiệm thực tế, đặc biệt là phát triển những sáng kiến có thể áp dụng ngay vào thực tiễn công việc tại DN sau khi hoàn thành khóa học. Qua lớp học giúp DN hiểu và áp dụng hiệu quả các công cụ marketing số để nâng cao năng lực cạnh tranh và mở ra cơ hội phát triển mới.
Tuy vậy, ông Nguyễn Hữu Tuấn cho biết nền kinh tế số của Việt Nam nói chung, tỉnh Bình Dương nói riêng vẫn đang đối mặt với những thách thức. Cụ thể, các mô hình TMĐT ngày càng phức tạp và đa dạng, trong khi khuôn khổ pháp lý để quản lý còn thiếu; hoạt động bán hàng qua livestream hiện chịu sự quản lý của các quy định chung về TMĐT nhưng chưa có quy định cụ thể dành cho hình thức này. Bộ Công thương đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất hoàn thiện khung pháp lý để quản lý hiệu quả các hoạt động kinh doanh mới, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh. Bên cạnh đó, sự gia tăng của hàng giả, hàng kém chất lượng trên các nền tảng trực tuyến cũng là một vấn đề lớn. Việc quản lý các hoạt động xuyên biên giới gặp nhiều khó khăn do quy định chưa đầy đủ...
Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/trien-vong-moi-tu-thuong-mai-dien-tu-a340337.html