Triển vọng phục hồi kinh tế của Thái Lan, Malaysia và Trung Quốc
Nền kinh tế của Thái Lan, Malaysia và Trung Quốc được dự báo sẽ tăng trưởng nhanh hơn dự kiến trong năm 2023 nhờ chính sách mở cửa du lịch sau đại đại dịch Covid-19.
Các nền kinh tế châu Á ngày càng ổn định
Các nhà kinh tế dự đoán Thái Lan và Malaysia sẽ tăng trưởng mạnh hơn dự kiến trong năm nay nhờ du lịch phục hồi và việc nới lỏng chính sách nghiêm ngặt về Covid-19 của Trung Quốc, theo một cuộc khảo sát hàng quý do Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản và Nikkei thực hiện.
Nhưng cuộc khảo sát nhấn mạnh rằng, sự sụp đổ gần đây của các ngân hàng của Hoa Kỳ, bao gồm cả Ngân hàng Silicon Valley, đang nổi lên như một lo ngại mới đối với khu vực, vốn đã phải đối mặt với những rủi ro bắt nguồn từ lạm phát toàn cầu và các đợt tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương.
Viện Nghiên cứu Nhật Bản và Nikkei gần đây đã tiến hành khảo sát mang tên “The Consensus” về các nền kinh tế châu Á từ ngày 3 đến 24/3, và nhận được 42 phản hồi từ các nhà kinh tế và nhà phân tích tại 5 nền kinh tế lớn của ASEAN (gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan) và Ấn Độ.
Nhìn chung, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội năm nay dự kiến sẽ thấp hơn so với năm 2022, khi khu vực này chứng kiến sự phục hồi chậm sau đợt suy thoái do đại dịch. Tuy nhiên, cuộc khảo sát mới nhất cho thấy triển vọng của năm quốc gia ASEAN đã được nâng lên 4,4% từ 4,3% trong cuộc khảo sát trước đó, trong khi triển vọng của Ấn Độ cũng được điều chỉnh lên 6,0%, từ 5,6%.
JCER cho biết trong một báo cáo rằng, việc tăng các chỉ số phát triển kinh tế "báo hiệu một triển vọng ít bi quan hơn đối với nền kinh tế châu Á vào năm 2023".
"Kỳ vọng xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ sang Trung Quốc cũng tăng lên do chính sách “Zero-Covid” của Trung Quốc được dỡ bỏ vào tháng 12/2022, cùng với sự phục hồi của nhu cầu trong nước sau khi dỡ bỏ các hạn chế Covid ở mỗi quốc gia".
Dự báo tăng trưởng của Thái Lan đã được nâng lên mức 3,7% từ 3,5%.
Mở cửa du lịch, phục hồi kinh tế
Trưởng bộ phận nghiên cứu vĩ mô tại Trung tâm nghiên cứu Kasikorn Lalita Thienprasiddhi dự báo nền kinh tế Thái Lan sẽ tăng trưởng 3,7% vào năm 2023, chủ yếu nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch.
“Chúng tôi hy vọng rằng, tổng lượng khách du lịch trong năm nay có thể tăng lên khoảng 24 triệu đến 26 triệu, tương đương 60% - 65% so với con số năm 2019, do thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại”, vị chuyên gia này dự báo.
Thái Lan là nền kinh tế lớn thứ hai ở Đông Nam Á sau Indonesia. Du lịch chiếm khoảng 20% nền kinh tế Thái Lan trước đại dịch, với gần 40 triệu lượt du khách được ghi nhận vào năm 2019.
Trung Quốc đã dỡ bỏ chính sách "Zero-Covid" vào tháng 12/2022 và nối lại các tour du lịch nước ngoài từ tháng 2/2023, điều này có thể sẽ giúp phục hồi ngành du lịch nước này.
Ngài Ju Ye Lee, Phó chủ tịch, Chuyên gia Kinh tế Tập đoàn Ngân hàng Đầu tư Maybank nhận xét về nền kinh tế Thái Lan: "Tăng trưởng GDP dự kiến sẽ mạnh hơn trong những quý tới với sự trở lại của khách du lịch và việc Trung Quốc mở cửa trở lại, điều này cũng sẽ giúp hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa."
Tương tự như vậy, dự báo tăng trưởng năm 2023 của Malaysia đã được điều chỉnh tăng 0,2 điểm lên 4,4%.
Người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế của Ngân hàng Đầu tư Kenanga Wan Suhaimie Saidie cho biết nhu cầu trong nước dự kiến sẽ vẫn ổn định. "Nền kinh tế được hỗ trợ bởi các biện pháp tài khóa mở rộng có mục tiêu, tác động của quá trình bình thường hóa sau Covid-19 và việc Trung Quốc mở cửa trở lại, cũng như triển vọng suy thoái kinh tế toàn cầu có thể không nghiêm trọng như dự đoán."
Trong khi đó, dự báo tăng trưởng năm nay của Indonesia và Singapore không thay đổi so với cuộc khảo sát trước đó, lần lượt ở mức 5,0% và 2,1%, trong khi của Philippines được nâng từ 5,3% lên 5,6%.
“Tiêu dùng nội địa vẫn là động lực chính của nền kinh tế Philippines trong năm 2023 và những năm tới”, ông Ruben Carlo O. Asuncion, kinh tế gia trưởng tại Ngân hàng Union của Philippines, chỉ ra.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng, sự suy giảm kinh tế toàn cầu được dự đoán trước sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế của Philippines.
Trái ngược với sự tăng trưởng ổn định ở châu Á, nền kinh tế toàn cầu dường như ngày càng không chắc chắn. Do đó, các yếu tố liên quan đến nền kinh tế Hoa Kỳ được đặc biệt quan tâm trong các dự đoán rủi ro của các nhà kinh tế.