Triển vọng sinh kế bền vững từ cây quýt đường

Bén rễ trên vùng cao Long Môn (Minh Long) khoảng 10 năm nay, cây quýt đường đang dần khẳng định vị thế trở thành cây trồng mũi nhọn, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân nơi đây, góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.

Chúng tôi cùng Chủ tịch UBND xã Long Môn Đinh Trung Hiếu đến thăm vườn quýt đường của gia đình anh Đinh Văn Nhà ở thôn Làng Giữa. Trên diện tích vườn đồi hơn 1ha, hàng trăm quýt đường của anh Nhà đang trong thời kỳ cho quả. Từ xa, những cây quýt đường quả căng mọc được trồng ngay hàng thẳng lối phủ kín nửa quả đồi.

Gia đình anh Nhà là một trong những hộ trồng cây quýt đường nhiều nhất xã, với tổng diện tích hơn 2ha. Nhờ cây quýt đường, cuộc sống của gia đình anh Nhà ngày càng ổn định, kinh tế ngày càng phát triển.

Vườn quýt đường cua anh Đinh Văn Nhà đang trong giai đoạn ra quả.

Vườn quýt đường cua anh Đinh Văn Nhà đang trong giai đoạn ra quả.

Chủ tịch UBND xã Long Môn Đinh Trung Hiếu chia sẻ, cây quýt đường bén duyên ở địa phương từ năm 2016 cho đến nay. Hiện trên địa bàn xã có khoảng 10ha quýt đường. Cây quýt đường rất thích nghi với vùng đất Long Môn nên hầu như hộ nào trồng cũng đạt năng suất cao. Hàng năm, trung bình mỗi cây quýt đường cho thu nhập từ 300 đến 500 nghìn đồng.

Điều đặc biệt là quả quýt đường trồng ở vùng đất Long Môn khi chín rất mọng nước và ngọt thơm. Dường như bao tinh túy của núi rừng dồn vào, tạo cho quả quýt có một hương vị thơm ngon mà không một nơi nào có thể sánh được.

“Đến mùa thu hoạch, các thương lái đến tận nơi thu mua với giá 20 nghìn đồng/kg để mang về xuôi tiêu thụ nên đầu ra của quýt đường hiện đang rất thuận lợi”, Chủ tịch UBND xã Long Môn Đinh Trung Hiếu thông tin.

Phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nên cây quýt đường ở xã Long Môn cho năng suất cao.

Phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nên cây quýt đường ở xã Long Môn cho năng suất cao.

Theo chia sẻ của người dân, quýt đường là loại cây tương đối dễ trồng. Cây khoảng 3 - 4 năm tuổi là đã cho quả. Tuy nhiên, để trồng quýt đường phát triển tốt, đạt năng suất cao, đòi hỏi người trồng phải chịu khó chăm sóc, biết áp dụng theo đúng quy trình tổng hợp từ khâu làm đất, xuống giống, chăm sóc, phòng ngừa bệnh cho cây.

Đầu ra ổn định, năng suất và giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng cây keo, cây hoa màu nên chính quyền và người dân xã Long Môn đang đặt niềm tin lớn vào cây quýt đường trong hành trình xóa đói, giảm nghèo.

“Sắp tới, địa phương sẽ tuyên truyền, vận động người dân giảm diện tích cây keo để đầu tư mở rộng diện tích cây có múi, đặc biệt là cây quýt đường nhằm tạo sinh kế bền vững cho người dân”, Chủ tịch UBND xã Long Môn Đinh Trung Hiếu cho biết.

Xã Long Môn đang định hướng người dân giảm diện tích cây keo để đầu tư mở rộng diện tích cây có múi, đặc biệt là cây quýt đường

Xã Long Môn đang định hướng người dân giảm diện tích cây keo để đầu tư mở rộng diện tích cây có múi, đặc biệt là cây quýt đường

>> Xem Video: Chủ tịch UBND xã Long Môn nói về hiệu quả và định hướng của địa phương về cây quýt đường.

Theo ông Hiếu để phát triển bền vững và mở rộng diện tích cây quýt đường, trên cơ sở định hướng của địa phương và đăng ký của người dân, UBND xã sẽ phối hợp với các cấp, ngành hỗ trợ nguồn giống chất lượng; đồng thời tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc,… để nâng cao năng suất, chất lượng quả cây quýt đường.

Dù chỉ mới phát triển mạnh thời gian gần đây, nhưng với hiệu quả kinh tế bước đầu từ mô hình cây quýt đường mang lại, hy vọng rằng đây sẽ mô hình phù hợp, giúp người dân trên vùng cao Long Môn có thể thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng.

Thực hiện: LINH ĐAN

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/kinh-te/nong-nghiep/202409/trien-vong-sinh-ke-ben-vung-tu-cay-quyt-duong-1a76183/