Triển vọng tăng trưởng tươi sáng hơn, nhưng rủi ro vẫn còn
Được thúc đẩy bởi chi tiêu của người tiêu dùng và chính phủ, cũng như ngành du lịch, nền kinh tế khu vực Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) được ước tính tăng trưởng 3,5% vào năm 2023, và dự kiến sẽ duy trì tăng trưởng ở mức 3,2% trong năm 2024, cao hơn so với các ước tính trước đó, theo Đơn vị Hỗ trợ Chính sách APEC (PSU).
Báo cáo vừa được cập nhật của PSU dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ ở mức vừa phải vào năm 2025, ở mức 2,8% trong bối cảnh những bất ổn toàn cầu tiếp tục gây áp lực lên quá trình phục hồi kinh tế, bên cạnh những tác động chậm trễ của việc thắt chặt chính sách tiền tệ, cũng như các biện pháp hỗ trợ tài chính thu hẹp quy mô mà các nền kinh tế APEC phải đối mặt.
Trong đó, ông Carlos Kuriyama, Giám đốc PSU cảnh báo, chủ nghĩa bảo hộ vẫn tiếp tục là vấn đề, khi số lượng các biện pháp hạn chế và biện pháp khắc phục thương mại lại tăng lên trong năm 2023.
“Tuy nhiên, chúng tôi cũng đang chứng kiến sự gia tăng trong việc tạo thuận lợi thương mại, với số lượng các biện pháp có hiệu lực tăng từ 618 biện pháp vào năm 2022 lên 682 biện pháp trong năm 2023. Điều này thật đáng khích lệ”, ông Carlos Kuriyama nói thêm.
Ngoài ra, lạm phát trong khu vực đang sụt giảm, đạt mức 3% vào tháng 12/2023 so với 6,1% hồi tháng 12/2022. Báo cáo của PSU cũng lưu ý, mặc dù lạm phát đang giảm nhưng những điều chỉnh lãi suất trong năm qua đã phần nào ảnh hưởng đến diễn biến tỷ giá hối đoái. Đồng tiền của 17 nền kinh tế APEC mất giá trung bình 6% trong giai đoạn từ tháng 2/2023 - 2/2024, tạo áp lực tăng giá và có nguy cơ mất cân đối tiền tệ.
“Các cơ quan tiền tệ cần phải duy trì sự cảnh giác khi các sự cố ở Biển Đỏ và tình trạng hạn hán ở Kênh đào Panama đang ảnh hưởng đến các tuyến đường vận tải và chi phí vận tải hàng hóa, từ đó có thể gây ra áp lực lạm phát, khiến mọi thứ trở nên đắt đỏ hơn”, bà Rhea C. Hernando, một nhà phân tích của PSU nhận định.
Cũng theo nhà phân tích này, những vấn đề nói trên đã dẫn đến thời gian vận chuyển kéo dài thêm từ một đến hai tuần, gây ra tình trạng thiếu hụt container và tàu, cũng như nguy cơ tắc nghẽn tại cảng.
Dữ liệu vào giữa tháng 1/2024 tiết lộ, chi phí vận chuyển đã tăng gần gấp đôi, đạt mức cao nhất trong 12 tháng qua. Mặc dù dữ liệu mới nhất tính đến ngày 1/2 vừa qua đã cho thấy có sự sụt giảm, nhưng chi phí vẫn còn ở mức cao đáng kể so với một năm trước.
Bên khi đó, thương mại hàng hóa đã giảm trong 9 tháng đầu năm 2023 do nhu cầu toàn cầu suy yếu và giá các mặt hàng sản xuất và hàng hóa phi nhiên liệu thu hẹp. Giá trị xuất khẩu và nhập khẩu thương mại hàng hóa giảm lần lượt xuống còn -7,5% và -8%, trong khi khối lượng xuất khẩu và nhập khẩu thương mại hàng hóa giảm lần lượt xuống còn -2,1% và 4,7%.
“Tin tốt đến từ thương mại dịch vụ, với mức tăng 5,5% đối với xuất khẩu và 9,2% đối với nhập khẩu. Mặc dù tốc độ tăng trưởng đang giảm tốc so với năm 2022; chúng tôi nhận thấy lữ hành và du lịch, cũng như một số dịch vụ liên quan đến hàng hóa như dịch vụ dữ liệu đã hỗ trợ cho sự tăng trưởng này”, ông Glacer Ninõ A. Vasquez, một nhà nghiên cứu của PSU cho hay.
Giám đốc PSU Carlos Kuriyama kết luận: “Chúng ta cần sự kết hợp giữa các chính sách tài chính và tiền tệ cân bằng, đồng thời cần tăng cường hợp tác khu vực để giải quyết những thách thức hiện tại”.