Triển vọng thương mại toàn cầu – Bài cuối: Nỗ lực đa dạng hóa thương mại toàn cầu

Trong bối cảnh bất ổn, các quốc gia gấp rút đa dạng hóa quan hệ thương mại để giảm phụ thuộc vào Mỹ. Từ Đông Nam Á đến châu Âu, nỗ lực này tăng tốc sau thông báo thuế quan ngày 2/4 của Mỹ.

Trụ sở Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ở Washington DC., Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Trụ sở Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ở Washington DC., Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Thương mại toàn cầu đang trải qua giai đoạn bất ổn, vượt xa thời kỳ đại dịch COVID-19, do các chính sách thuế quan khó đoán định của Tổng thống Donald Trump và căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc.

Theo bài viết trên trang mạng The Conversation (Australia), tại Hội nghị Kinh tế mùa Xuân 2025 tổ chức ở Washington (Mỹ), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu tăng 2,8% trong năm 2025 và 3,0% vào năm 2026, giảm 0,5% so với dự báo tháng 1/2025. Sự điều chỉnh này phản ánh bất ổn gia tăng, chủ yếu do chính sách thuế quan của Mỹ.

Chỉ số bất định thương mại toàn cầu của IMF hiện cao gấp 7 lần so với tháng 10/2024, vượt mức thời đại dịch. Sự khó lường này gây tổn hại lớn hơn một mức thuế cố định. Với thuế rõ ràng, doanh nghiệp có thể tái tổ chức chuỗi cung ứng, người tiêu dùng tìm sản phẩm thay thế. Nhưng hiện nay, không ai biết thuế sẽ thay đổi ra sao. Một công ty Mỹ nhập hàng từ châu Âu với thuế suất 10% có thể đối mặt với mức thuế mới là 100% khi hàng đến cảng, do quyết định bất ngờ không dự đoán được của Nhà Trắng. Doanh nghiệp và người tiêu dùng vì thế chọn cách “án binh bất động”. Thị trường tài chính cũng chịu ảnh hưởng nặng. Trái phiếu Chính phủ Mỹ, từng là “nơi trú ẩn an toàn”, nay bị bán ra, làm giảm niềm tin vào USD và tạo nguy cơ bất ổn tài chính lâu dài.

Chuỗi cung ứng toàn cầu, vốn đứt gãy trong đại dịch, tiếp tục bị gián đoạn do thuế quan. Khác với đại dịch COVID-19, khi vaccine hứa hẹn giúp hệ thống thương mại sớm trở lại bình thường hóa, bất ổn hiện nay đến từ các chính sách khó dự đoán của Mỹ. Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung càng làm tình hình thêm phức tạp.

Trong bối cảnh bất ổn, các quốc gia gấp rút đa dạng hóa quan hệ thương mại để giảm phụ thuộc vào Mỹ. Từ Đông Nam Á đến châu Âu, nỗ lực này tăng tốc sau thông báo thuế quan ngày 2/4 của Mỹ.

Liên minh châu Âu (EU), với mạng lưới 74 hiệp định thương mại, tích cực giảm rủi ro phụ thuộc vào Mỹ. Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Ursula von der Leyen, đã thúc đẩy khối này ký kết hiệp định với Mercosur và dự kiến nối lại đàm phán với Australia. Lịch sử gần đây cho thấy EU đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc ký kết các hiệp định thương mại, do những nhạy cảm từ 27 quốc gia thành viên, đặc biệt là về sản phẩm nông nghiệp. Ông Sunil Kaushal, đồng Giám đốc Standard Chartered, nhận định: “Trước nguy cơ rào cản thương mại tăng, sẽ có nhiều hiệp định song phương được ký nhanh hơn”.

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung tạo hiệu ứng dây chuyền tiêu cực. Nhà kinh tế trưởng của Oxford Economics Felipe Camargo dự báo xuất khẩu sang Mỹ sẽ giảm, kéo theo nhập khẩu giảm. Tình huống này sẽ khuếch đại cú sốc thuế quan. Thặng dư thương mại 1.000 tỷ USD của Trung Quốc trong năm 2024 là nguồn căng thẳng toàn cầu. Nếu Mỹ đóng cửa thị trường và Trung Quốc tìm đầu ra mới, thương mại toàn cầu sẽ đối mặt tình huống khó khăn.

Dù vậy, thị trường Mỹ vẫn khó thay thế. Năm 2019, Mỹ chiếm 15,4% nhập khẩu hàng hóa toàn cầu và 17,5% nhu cầu cuối, vượt xa Trung Quốc (9,7%) và EU (11,3%). Thâm hụt thương mại 918,4 tỷ USD năm 2024 củng cố sức hút của Mỹ.

Nguyễn Linh – Đào Dũng (TTXVN tại Sydney, Paris)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/trien-vong-thuong-mai-toan-cau-bai-cuoi-no-luc-da-dang-hoa-thuong-mai-toan-cau/371888.html