Triển vọng từ cây lạc áp dụng mô hình CSA ở Hợp tác xã Duy Viên

Mô hình 'Hỗ trợ thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu' (CSA) thuộc Dự án Cải thiện nông nghiệp có tưới (WB7) được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) Quảng Trị tổ chức thực hiện trên cây lạc tại Hợp tác xã (HTX) Duy Viên, xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh vụ đông xuân 2019-2020, đến nay sắp cho thu hoạch.

 Giám đốc HTX Duy Viên Lê Đức Tuyến cùng người dân tham gia mô hình nghiệm thu năng suất lạc vụ đông xuân. Ảnh: TL

Giám đốc HTX Duy Viên Lê Đức Tuyến cùng người dân tham gia mô hình nghiệm thu năng suất lạc vụ đông xuân. Ảnh: TL

Ông Lê Đức Bảy ở Đội 4, HTX Duy Viên cho biết, vụ đông xuân này gia đình ông trồng 2 sào lạc theo mô hình CSA. Nhờ áp dụng đúng quy trình làm đất, bón phân, vôi bột, gieo hạt, phủ màng ni lông mà dự án hướng dẫn nên tỉ lệ hạt nảy mầm cao. Theo ông Bảy, khâu làm đất trước khi gieo lạc rất quan trọng. Đất cần được cày, bừa kỹ để tơi xốp, hạt dễ nảy mầm, cây lạc sinh trưởng tốt. Sau khi làm xong đất, lên luống, rạch hàng sâu 10-15 cm, bón phân lót, phủ đất lấp kín phân để tránh hạt tiếp xúc với phân dẫn đến bị thối. Hạt gieo ở độ sâu 3-5 cm xong cần lấp đất phủ kín hạt, đồng thời làm phẳng mặt luống. Màng ni lông che phủ rộng 120 cm nên mặt luống cần rộng 100 cm, làm rãnh sâu 30 cm, lên luống cao 15-20 cm. Mặt luống được chia thành 4 hàng chạy dọc theo chiều dài luống, khoảng cách hàng cách hàng, cây cách cây theo đúng quy định, đảm bảo mật độ 45 cây/m2, khi lạc lên mầm thì rạch màng ni lông cho cây phát triển. Phương pháp trồng lạc phủ màng ni lông giúp người dân tiết kiệm được khá nhiều công làm cỏ và nước tưới vì đất luôn giữ được độ ẩm.

Ông Lê Văn Vui ở Đội 2, HTX Duy Viên trồng gần 2 sào lạc mô hình cho biết, nhờ tham gia mô hình ông nắm bắt được các kỹ thuật mới như sử dụng chế phẩm Trichoderma nhằm gia tăng lượng vi sinh vật có ích trong đất, cải tạo đất; sử dụng đạm nhả chậm thay thế Urea thông thường nhằm giảm thất thoát phân bón và tăng hiệu quả sử dụng phân cho cây lạc. Vì vậy diện tích lạc của ông vụ này phát triển rất tốt, qua nghiệm thu ban đầu cho năng suất khá cao.

Theo Giám đốc HTX Duy Viên Lê Đức Tuyến, mô hình CSA trên cây lạc vụ này được triển khai với diện tích 5 ha tại vùng đất phù sa bồi của sông Sa Lung trên địa bàn xã Vĩnh Lâm cho 145 hộ dân tham gia. Các hộ trồng lạc được hỗ trợ 70% giống lạc L14, 30% đạm nhả chậm, 100% màng ni lông che phủ và chế phẩm sinh học. Ngoài ra, nông dân đã đầu tư thêm các loại phân bón khác như lân super, kali clorua, phân hữu cơ vi sinh, phân bón lá và vôi cho ruộng lạc. Giống lạc L14 có đặc điểm thời gian sinh trưởng ngắn, chỉ 95-110 ngày, chiều cao cây 45-50cm, khả năng phân cành mạnh, tán gọn, cây cứng, chống đổ tốt. Năm nay lạc mô hình của HTX được gieo vào cuối tháng 1/2020 đang phát triển tốt, dự kiến khoảng đầu tháng 5/2020 cho thu hoạch. Qua nghiệm thu ban đầu dự kiến cho năng suất bình quân đạt gần 28 tạ lạc khô/ha, cao hơn sản xuất đại trà 7- 8 tạ/ha. Lợi nhuận thu được từ ruộng mô hình dự kiến tương đương với 56 triệu đồng/ha, cao hơn ruộng đại trà trung bình gần 10 triệu đồng/ha. Theo ông Tuyến, đây là năm thứ 3 người dân ở HTX Duy Viên được hưởng lợi mô hình trồng lạc CSA của dự án.

Ông Lê Văn Tùng, Trưởng Phòng Trồng trọt, Chi cục TT&BVTV tỉnh cho biết, những ngày nắng nóng, khi kiểm tra tình hình sinh trưởng của cây lạc, chân ruộng nào có màng phủ ni lông thì cây lạc sinh trưởng tốt hơn so với những ruộng không có màng phủ. Khác với ruộng đại trà, ruộng mô hình gieo với mật độ dày, tận dụng triệt để dinh dưỡng trong đất, đồng thời ruộng mô hình bón phân đầy đủ và cân đối tỉ lệ NPK, kết hợp chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, nên cây phát triển nhanh và khỏe hơn ruộng đại trà. Sử dụng phân bón vi sinh đã giúp làm tăng độ phì và độ tơi xốp cho đất trồng. Ngoài ra bón phân tập trung giai đoạn đầu đã làm tăng hiệu quả sử dụng phân bón, cây trồng hấp thu hết và không lãng phí ra môi trường xung quanh, hạn chế bay hơi, rửa trôi, lượng phân được cân đối giữa lượng hữu cơ và vô cơ. Vụ đông xuân này toàn tỉnh có 5 HTX sản xuất lạc mô hình CSA trên diện tích gần 37 ha.

Ông Nguyễn Hữu Tâm, Phó Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV tỉnh cho biết, ngoài việc được chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc cây lạc, người dân còn được hướng dẫn xử lý các phụ phẩm như thân, lá cây lạc bằng nhiều biện pháp phù hợp và nâng cao nhận thức về thực hành nông nghiệp thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu. Từ đó giúp nông dân thay đổi cách sản xuất cũ để tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nhằm tăng năng suất, giảm chi phí đầu tư. Việc thu gom xử lý ni lông sau thu hoạch được tập kết về nơi đúng quy định giúp môi trường đồng ruộng không bị ô nhiễm chất thải khó phân hủy và hạn chế tối đa được nguồn bệnh lây lan cho vụ sau.

Theo ông Tâm, mục tiêu quan trọng mà dự án WB7 hướng đến là thực hành nhân rộng mô hình trong sản xuất, giúp nông dân nắm vững hơn phương thức sản xuất thích ứng với sự biến đổi khí hậu, mang lại giá trị cao trên một đơn vị diện tích. Sau khi dự án kết thúc, mong muốn nông dân tiếp tục sản xuất lạc theo mô hình trên để phát triển kinh tế ngày càng bền vững hơn.

Tú Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=147468