Triển vọng từ mô hình trồng dứa liên kết ở huyện Kỳ Anh
Sau gần nửa năm xuống giống, mô hình trồng dứa liên kết ở huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đang cho kết quả tích cực, hứa hẹn nhiều triển vọng.
Tham gia mô hình trồng dứa liên kết với Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Ninh Bình) tháng 4/2024, gia đình anh Nguyễn Văn Cường ở thị xã Kỳ Anh đã nhận 5 ha đất đồi ở thôn Tấn Sơn, xã Kỳ Tân (huyện Kỳ Anh) để cải tạo và ký kết trồng dứa thương phẩm giống Queen.
Theo hợp đồng liên kết, trong quá trình sản xuất, Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao sẽ trực tiếp cung ứng giống, hỗ trợ về kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người trồng.
Anh Cường cho biết: "Nhờ có nguồn giống tốt, phân bón phù hợp, thời tiết khá thuận lợi và được sự theo dõi, hỗ trợ kỹ thuật thường xuyên của công ty nên sau 6 tháng xuống giống, cây dứa sinh trưởng và phát triển tốt.
Lần đầu tiên tham gia phát triển thí điểm một loại cây trồng mới như cây dứa, với quy mô diện tích khá lớn, tôi cũng có phần lo lắng. Tuy nhiên, bước đầu, tôi thấy cây dứa đã thích nghi với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng ở đây, mặt khác nhờ sản xuất liên kết, có sự đồng hành thường xuyên của chính quyền, doanh nghiệp, đặc biệt được bao tiêu sản phẩm nên tôi khá yên tâm”.
Dù chưa đến kỳ thu hoạch, nhưng mô hình trồng dứa của anh Cường cũng đã tạo việc làm cho 5 lao động trên địa bàn với mức thu nhập bình quân 300.000 đồng/ngày.
Để phát triển loại cây trồng mới này, ngoài các hộ cá thể, nhiều người dân còn thành lập tổ hợp tác để cùng liên kết sản xuất. Anh Trương Xuân Hà - Tổ trưởng Tổ hợp tác Ngân Hà (xã Kỳ Tân) cho hay: "Sau khi huyện có chủ trương phát triển cây dứa trên địa bàn, tôi cùng 12 người nữa thành lập tổ hợp tác và liên kết để cùng trồng.
Đầu tháng 4/2024, chúng tôi bắt đầu xuống giống, đến nay đã trồng được gần 9 ha, cây dứa phát triển rất tốt. Theo kế hoạch, năm tới chúng tôi sẽ tiếp tục trồng thêm 20-30 ha sau khi đã chủ động được nguồn giống từ thu hoạch vụ dứa năm nay".
Được biết, mô hình trồng dứa được triển khai là quá trình trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế phù hợp với tiềm năng, lợi thế của lãnh đạo huyện Kỳ Anh, đặc biệt trong điều kiện diện tích đồi, rừng trên địa bàn còn bỏ hoang nhiều hoặc đang trồng các loại cây cho hiệu quả kinh tế thấp.
Đầu năm 2024, huyện Kỳ Anh đã thành lập đoàn khảo sát gồm lãnh đạo huyện, các phòng, đơn vị liên quan, lãnh đạo UBND xã, doanh nghiệp, hợp tác xã và một số hộ dân đi học tập kinh nghiệm sản xuất dứa tại các vùng trồng tập trung của Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao ở Ninh Bình. Tháng 2/2024, việc ký kết biên bản ghi nhớ liên kết sản xuất giữa các hộ dân với công ty đã được thực hiện.
Bắt đầu xuống giống lô đầu tiên vào ngày 19/4/2024, đến nay, huyện Kỳ Anh đã trồng được hơn 60 ha tại: khu vực Bà Lầy, Cơn Tria thuộc thôn Tấn Sơn, xã Kỳ Tân; thôn Minh Châu, xã Lâm Hợp. Trong đó, Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao đã trồng được 45 ha giống dứa Cayen và Queen; Tổ hợp tác sản xuất dứa Ngân Hà trồng gần 9 ha; hộ anh Nguyễn Văn Cường trồng 5 ha; hộ bà Nguyễn Thị Nguyệt (xã Kỳ Tân) 2 ha.
Qua đánh giá bước đầu, cây dứa phát triển rất tốt. Tại cuộc hội thảo đầu bờ về mô hình trồng dứa tại xã Kỳ Tân và tập huấn quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc cây dứa cho các hộ dân vừa được huyện Kỳ Anh tổ chức vào ngày 3/10 mới đây, các đại biểu và đại diện các hộ dân đều đánh giá cao và kỳ vọng vào mô hình sản xuất mới đầy triển vọng này.
Hy vọng rằng, với sự liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp, cây dứa sẽ đem lại những tín hiệu tích cực trong phát triển kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân huyện Kỳ Anh.
Cây dứa được huyện Kỳ Anh mạnh dạn lựa chọn để đầu tư sản xuất thí điểm trên quy mô lớn một mặt là do đã được nghiên cứu đầy đủ các điều kiện về đất đai, khí hậu và các yếu tố tác động khác trong sản xuất ở trên địa bàn; mặt khác, ở Kỳ Anh trước đây cũng từng đã trồng dứa nguyên liệu cho nhà máy dứa Kỳ Anh (giống dứa Cayen) cho năng suất rất cao.
Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động Nhân dân bố trí các diện tích đất phù hợp để phát triển cây dứa nguyên liệu; tăng cường công tác tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc; triển khai áp dụng quy trình sản xuất theo các quy chuẩn (VietGAP, hữu cơ) để tạo ra sản phẩm chất lượng, nâng cao hiệu quả sản xuất trên đơn vị diện tích.