Triển vọng từ mô hình trồng nấm ở Nam Giang

Trong những năm qua, tại huyện miền núi Nam Giang, tỉnh Quảng Nam, mô hình trồng nấm theo nhóm hộ mở ra hướng đi mới, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho lao động tại chỗ, giúp nhiều hộ gia đình nông dân thoát nghèo, ổn định đời sống.

Năm 2020, được sự hỗ trợ của Tổ chức Tầm nhìn thế giới tại Việt Nam, mô hình trồng nấm thôn Mực, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang ra mắt với 20 thành viên, chủ yếu là hội viên nông dân của thôn.

Chị Zơ Rum Ben, Nhóm trưởng nhóm trồng nấm thôn Mực, cho biết, chương trình hỗ trợ gần 200 triệu đồng đầu tư mua sắm các dụng cụ làm nấm như kệ, bột cưa, tấm bạt, phôi, lò hấp... Sau hơn 3 năm triển khai, mô hình trồng nấm đã mang lại thu nhập ổn định cho các hội viên: “Đa số chị em phụ nữ trong thôn không có việc làm ổn định. Có mô hình trồng nấm này chị em rất vui, mọi người có thêm thu nhập. Việc gì cũng khó khăn cả, nhưng mọi người luôn nỗ lực, trách nhiệm và đoàn kết trong công việc. Chúng tôi mong muốn mô hình được mở rộng hơn nữa”.

Triển vọng từ mô hình trồng nấm ở Nam Giang

Triển vọng từ mô hình trồng nấm ở Nam Giang

Phát huy hiệu quả từ mô hình, đầu năm nay, Tổ chức Tầm nhìn thế giới tiếp tục phối hợp với Hội Nông dân huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam mở rộng mô hình trồng nấm tại thôn Pà Dá, xã Cà Dy. Anh Doãn Phải, Nhóm trưởng nhóm trồng nấm thôn Pà Dá cho biết: Trồng nấm không đòi hỏi nhiều về kỹ thuật, công sức chăm sóc, chủ yếu tưới nước bằng hệ thống phun sương. Mô hình này không sử dụng chất bảo quản cũng như chất hóa học nên sản phẩm làm ra rất được thị trường ưa chuộng.

Hiện tại, mỗi ký nấm tươi trên thị trường có giá trung bình từ 40.000-60.000 đồng. Anh Doãn Phải, thôn Pà Dá, xã Cà Dy cho biết: “Ở đây trồng 3 loại nấm, gồm nấm sò tím, nấm linh chi và nấm mộc nhĩ. Trong đó, nấm sò hơn 3.000 bịch, nấm linh chi và nấm mộc nhĩ khoảng 1 nghìn, tổng cộng gần 5 nghìn bịch. Vừa qua chúng tôi thu hoạch đợt đầu được 1,2 tạ. Trung bình một tháng thu hoạch 2 lần, vào mùng 1 và ngày rằm bán có giá hơn. Nếu cố gắng làm thì mọi người cũng có thu nhập ổn định, đủ trang trải trong cuộc sống”.

Ông Ka Phu Hứ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cà Dy, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết: Mô hình trồng nấm là mô hình sinh kế mới tại địa phương, nhưng có nhiều triển vọng. Từ những hiệu quả ban đầu đã giúp người dân địa phương có cơ hội phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và góp phần giảm nghèo tại địa phương: “Tôi đánh giá mô hình trồng nấm này rất có triển vọng. Vừa qua thu hoạch đợt đầu khá hiệu quả, một ký nấm tươi bán với giá 60 ngàn đồng. Mô hình tạo được công ăn việc làm cho một số hội viên nông dân trên địa bàn xã, đây là tín hiệu rất đáng mừng. Chúng tôi mong muốn mô hình được mở rộng tại các thôn khác để bà con có công việc và thu nhập ổn định”.

Thời gian qua, phong trào khởi nghiệp trên địa bàn huyện miền núi Nam Giang mang lại tín hiệu tích cực. Theo ông Pơ Loong Diệu, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam: Mô hình trồng nấm tại thôn Mực và thôn Pà Dá là hai mô hình phát triển kinh tế mới tại địa phương. Đây là mô hình mang tính đột phá, mở ra hướng sản xuất mới cho nhiều hộ nông dân.

Ông Pơ Loong Diệu cho biết, thời gian tới, Hội sẽ nhân rộng mô hình nhằm tạo việc làm ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống cho các hội viên nông dân tại địa phương: “Thời gian qua, đối với Hội Nông dân huyện có nhiều mô hình mới rất triển vọng. Đặc biệt, hiện nay có mô hình trồng nấm tại thôn Pà Dá, xã Cà Dy và tại thôn Mực, thị trấn Thạnh Mỹ. Đây là 2 mô hình của Hội, đa số là hội viên nông dân tham gia. Chúng tôi đang triển khai thực hiện việc tập huấn thêm cho nhiều hội viên nông dân để mở rộng mô hình này tại các địa phương khác trên địa bàn. Trước mắt, thời gian tới Hội sẽ làm mô hình trồng nấm tại xã Zuôi. Mong các ban ngành, chức năng của huyện tiếp tục quan tâm, hỗ trợ nguồn giống để bà con tiếp tục duy trì mô hình này”.

Jumi Sĩ/VOV - Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/trien-vong-tu-mo-hinh-trong-nam-o-nam-giang-post1055653.vov