Triển vọng tươi sáng của các sản phẩm OCOP Việt Nam
Chương trình mỗi xã mỗi làng một sản phẩm OCOP được phát động trong 4 năm qua, bắt đầu từ năm 2018.
Một chương trình mang tính nhân văn
Mục đích của chương trình này rất nhân văn và mang tính hiệu quả kinh tế cao. Phong trào này nhằm góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực, thúc đẩy và nâng cao giá trị các sản phẩm hàng hóa. Từ đó nâng cao thu nhập và đời sống vật chất tinh thần cho người dân ở khu vực nông thôn Việt Nam.
Phong trào OCOP cũng rất phù hợp với việc xây dựng nông thôn mới theo chủ trương của Đảng và chính phủ. Tổng kết chương trình phát triển các sản phẩm OCOP (2021-2025) thì tính đến tháng 8/2022 cả nước đã có 8.478 sản phẩm đạt 3 sao trở lên, trong đó cúa 65,4% sản phẩm 3 sao, 33,4% sản phẩm 4 sao, 0,2% sản phẩm 5 sao với 4.351 chủ thế OCOP. Có thể nói phong trào này có tác động lan tỏa hết sức rộng lớn và sâu sắc, nó phát triển ở hầu hết các địa phương, vùng miền trong cả nước. Từ khi phát động đến nay, nhiều sản vật hàng hóa sản xuất của Việt Nam đã định hình được chỗ đứng trên thị trường nội địa và bắt đầu vươn ra xuất khẩu.
Phong trào cũng tạo ra sức hút cho sự phát triển, đầu tư du lịch trong cả nước. Phong trào góp phần vào việc thúc đẩy sản xuất đạt chất lượng, an toàn thực phẩm, sản xuất xanh, phát triển bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Bà con ở nông thôn, nhất là các vùng miền núi đã yên tâm trồng trọt, chăn nuôi, chế biến các sản phẩm OCOP ngày càng hoàn thiện, từng bước xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường.
Theo đánh giá chung thì phong trào phát triển ngoài sự nỗ lực của cộng đồng bà con ở các vùng nông thôn, còn có sự chỉ đạo, giúp đỡ hiệu quả về các mặt của chính quyền địa phương, các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam, …
Tuy nhiên, nhìn lại quá trình phát triển chúng ta cũng thấy rõ những nhược điểm cần phải khắc phục: Phong trào chưa được rộng khắp và chưa đi vào chiều sâu. Số lượng các sản phẩm OCOP đạt 5 sao còn rất ít, số sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên còn chưa nhiều. Sản phẩm làm ra có lúc đúng thời vụ muốn tiêu thụ nhanh còn gặp khó khăn. Quy mô của một số sản phẩm đạt 4-5 sao vẫn còn nhỏ. Giá trị gia tăng trên mỗi đơn vị sản phẩm đem lại cho người nông dân còn thấp so với một số nước trong khu vực và thế giới. Bao bì, nhãn mác sản phẩm còn đơn điệu, chưa đẹp và chưa hấp dẫn. Cả nước có 5.300 cá nhân và 14.800 tổ chức bán hàng online, tuy nhiên số lượng các sản phẩm OCOP bán trên mạng chưa nhiều. Công tác xúc tiến thương mại tại các địa phương còn đơn giản và chất lượng hoạt động chưa cao.
Nâng cao hiệu quả của chương trình
Về phương hướng trong những năm tới: Văn phòng Điều phối nông thôn mới của Trung ương cho biết, phấn đấu đến năm 2025 ít nhất có 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên, trong đó có khoảng 400-500 sản phẩm đạt 5 sao. Củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm đã được đánh giá và phân hạng, ưu tiên phát triển sản phẩm gắn với thương hiệu và phát triển du lịch nông thôn.
Đặc biệt có ít nhất có 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định. Có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại, phấn đấu mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 1 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Đây là điều kiện để công tác xúc tiến thương mại mở rộng thị trường nội địa và vươn ra xuất khẩu đi các nước.
Muốn thực hiện được các chỉ tiêu cả về số lượng và chất lượng của các sản phẩm OCOP trong các năm tới, cần phải đặc biệt quan tâm đến các giải pháp cơ bản sau đây: Đa phần các đơn vị sản xuất và chế biến các sản phẩm đều là các hộ, các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ, họ không có đủ tiềm lực để phát triển và nâng hạng các sản phẩm OCOP. Chính vì vậy cần được sự hỗ trợ về chính sách, vốn sản xuất kinh doanh, đầu tư khoa học công nghệ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường.
Giảm bớt các chi phí trong hoạt động bao gồm chi phí sản xuất và gia nhập thị trường, vận chuyển dự trữ… Công tác liên doanh liên kết giữa các doanh nghiệp, địa phương phải ngày càng chặt chẽ hơn để phong trào ngày càng có chất lượng, luôn luôn đổi mới cả về tổ chức sản xuất và tiêu thụ hàng hóa trên các thị trường trong và ngoài nước. Phong trào OCOP phát triển luôn đi đôi với giữ gìn bản sắc các vùng miền, địa phương. Công tác bảo vệ môi trường luôn phải coi trọng để phát triển một cách bền vững. Mỗi một sản phẩm OCOP phải trở thành một câu chuyện đầy thú vị với các khách hàng gần xa.
Luôn luôn làm mới các sản phẩm đưa khoa học công nghệ vào sản xuất chế biến, tận dụng các ưu điểm của công nghệ thời đại 4.0 để nâng cao năng suất lao động trong chuỗi sản xuất, phân phối và tiêu thụ của từng sản phẩm. Sản xuất và kinh doanh chân chính đối với các sản phẩm OCOP nói riêng và hàng hóa sản xuất tại Việt Nam nói chung muốn phát triển vững chắc cũng cần được bảo vệ thông qua công tác kiểm soát thị trường chống buôn lậu, sản xuất và kinh doanh hàng giả, trốn lậu thuế một cách thường xuyên, liên tục, kỉ cương nghiêm minh phải được giữ vững.
Với một điều kiện tự nhiên khá thuận lợi về khí hậu, đất đai của Việt Nam cùng những con người nông dân cần cù, chịu khó, sáng tạo và luôn muốn vươn lên thoát nghèo để làm giàu cho bản thân và gia đình, góp phần vào tăng trưởng kinh tế tại địa phương. Vì lẽ đó chắc chắn phong trào OCOP trong một vài năm tới sẽ phát triển mạnh mẽ hơn, đạt được các mục tiêu đề ra.
Mặc dù còn một số khó khăn nhất định nhưng chúng ta tin tưởng rằng phong trào sẽ có những tiến bộ nhanh và vững chắc trong thời gian tới góp phần vào việc xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế tại các địa phương trên toàn bộ đất nước hình chữ S thân yêu của chúng ta.