Triển vọng và giải pháp thúc đẩy ngành Halal ở khu vực miền trung-Tây Nguyên
Ngày 5/4, tại tỉnh Gia Lai, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai phối hợp Trung tâm Chứng nhận phù hợp (QUACERT) thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội thảo ngành Halal khu vực miền trung-Tây Nguyên với chủ đề 'Triển vọng và giải pháp thúc đẩy ngành Halal ở khu vực miền trung-Tây Nguyên'.
Hội thảo nhằm phân tích, đánh giá về tiềm năng thúc đẩy ngành Halal của khu vực miền trung-Tây Nguyên, cũng như phổ biến yêu cầu pháp luật, tiêu chuẩn, chứng nhận trong ngành Halal của một số thị trường tiềm năng cho các sản phẩm chủ lực của địa phương.
Thị trường Halal được đánh giá là một thị trường tiềm năng với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng và là cơ hội cho Việt Nam trong việc phát triển ngành công nghiệp Halal. Theo phân tích của Trung tâm phát triển Halal Malaysia, thị trường Halal toàn cầu đạt 3.000 tỷ USD năm 2020 và ước tính đạt 5.000 tỷ USD năm 2030.
Với các nước trong khu vực, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành Halal với vị trí địa lý thuận lợi, có nhiều thế mạnh về nông nghiệp, thực phẩm, du lịch, dịch vụ… Tuy nhiên, trên thực tế, doanh nghiệp Việt Nam gặp phải một số khó khăn nhất định đối với sản xuất và xuất khẩu sản phẩm Halal.
Bên cạnh chi phí đầu tư dây chuyển sản xuất, trang thiết bị để sản xuất sản phẩm Halal, doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong việc tìm hiểu thông tin về văn hóa thị trường Halal, tiêu chuẩn Halal, quy trình chứng nhận Halal và đặc biệt là việc đạt chứng nhận Halal đa dạng, phù hợp yêu cầu riêng của từng thị trường.
Tại hội thảo, ông Hà Minh Hiệp, Quyền Tổng Cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cho biết, với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin chính xác về yêu cầu của tiêu chuẩn Halal ở các thị trường, cũng như yêu cầu về chứng nhận Halal, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, thừa ủy quyền của Bộ Khoa học và Công nghệ đã ký quyết định số 689/QĐ-TĐC ngày 29/3/2023 về việc thành lập Trung tâm chứng nhận Halal quốc gia (HALCERT), trực thuộc Trung tâm QUACERT.
Trung tâm cung cấp các dịch vụ chứng nhận sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ theo tiêu chuẩn Halal; tổ chức, đào tạo, tập huấn về các tiêu chuẩn, yêu cầu Halal cho các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam phù hợp thị trường xuất khẩu của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam và triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực Halal nhằm đối thoại chính sách, tăng cường cung cấp các thông tin thị trường cho hiệp hội, doanh nghiệp, đẩy mạnh kết nối doanh nghiệp.
Theo kế hoạch, trong năm nay, trung tâm sẽ tiến hành các thủ tục đăng ký để có thể triển khai hoạt động chứng nhận sản phẩm Halal, được thừa nhận tại các thị trường UAE, Saudi Arabia, Qatar và Malaysia.
Bên cạnh đó, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện bộ tiêu chuẩn quốc gia cho sản phẩm, dịch vụ Halal trên cơ sở hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, khu vực và nước nhập khẩu. Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia sẽ hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thông tin, hiểu yêu cầu quy định đối với thị trường và sản phẩm, dịch vụ Halal, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cho biết thêm.
Phát biểu tại sự kiện, Giám đốc Trung tâm QUACERT Trần Quốc Dũng khẳng định, với đặc điểm lợi thế về phát triển nông, lâm nghiệp, khu vực miền trung-Tây Nguyên đã và đang trở thành vùng sản xuất một số sản phẩm nông sản chủ lực quy mô lớn như cà-phê, cao-su, hồ tiêu, cây ăn quả,… Đây là những sản phẩm phù hợp nhu cầu của thị trường Hồi giáo. Chính vì vậy, doanh nghiệp hoàn toàn có cơ hội để tham gia hiệu quả vào thị trường Halal toàn cầu.
PGS.TS Đinh Công Hoàng, Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông (IAMES) nhấn mạnh, để thúc đẩy ngành Halal, các địa phương miền trung-Tây Nguyên cần nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp địa phương về tiềm năng của thị trường Halal, đẩy mạnh ngoại giao kinh tế với các nước Hồi giáo, thúc đẩy chuyển đổi số và thương mại điện tử, đồng thời đẩy mạnh hoạt động tiêu chuẩn và chứng nhận Halal nhằm tăng năng lực sản xuất và xuất khẩu sản phẩm chủ lực sang thị trường Halal.
Chia sẻ về yêu cầu sản phẩm, dịch vụ Halal của thị trường Hồi giáo cũng như định hướng phát triển về Halal ở Việt Nam, ông Tee Ramlan bày tỏ tin tưởng rằng, các doanh nghiệp miền trung-Tây Nguyên có thể nắm bắt được cơ hội tiếp cận thị trường Halal đầy tiềm năng, góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp địa phương phát triển nhanh và bền vững.
Tại hội thảo, các diễn giả, chuyên gia nghiên cứu đã thảo luận về các vấn đề liên quan về “Kinh tế - Văn hóa Halal và tiềm năng/cơ hội của cho xuất khẩu sản phẩm chủ lực của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ”, “Định hướng của địa phương về phát triển kinh tế Halal của các tỉnh trong khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ”, “Yêu cầu về sản phẩm, dịch vụ Halal của một số thị trường Hồi giáo”, “Hoạt động Chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn Halal phục vụ thúc đẩy sự tham gia của Việt Nam vào thị trường Halal toàn cầu”, kinh nghiệm sản xuất và xuất khẩu sản phẩm Halal của một số tổ chức, doanh nghiệp,…
Hội thảo cũng trao đổi, đánh giá thực trạng, triển vọng ngành Halal tại Việt Nam; xác định các biện pháp, cách thức mới về tăng cường hợp tác và tận dụng các nguồn lực quốc tế để nâng cao năng lực tham gia của doanh nghiệp Việt Nam vào các chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ Halal trên toàn cầu và xây dựng định hướng phát triển ngành Halal Việt Nam toàn diện, bền vững.