Triết lý 'hãy luôn để rảnh một tay' là gì?

Khi cơ hội kinh doanh xuất hiện trước mắt, nếu tay phải của bạn bận rộn làm nhân viên công ty, tay trái là trụ cột gia đình thì cơ hội sẽ vuột mất.

Đó là điều tôi muốn nhấn mạnh nhất trong chương này. Khi cơ hội kinh doanh xuất hiện trước mắt, nếu tay phải của bạn bận rộn với vai trò nhân viên công ty, tay trái lại là trụ cột nuôi sống cả gia đình thì chắc chắn cơ hội đó sẽ vuột mất.

Danh thủ bóng đá Honda Keisuke từng nói thế này: “Mọi người toàn tập sút bóng. Nhưng để dẫn tới cú sút thì việc luồn lách qua cầu thủ đối phương, dẫn bóng tới vị trí tốt mới quan trọng. Thuần thục những động tác đó rồi thì các bài tập luyện sút mới có ý nghĩa”. Chuyện nắm bắt cơ hội cũng tương tự vậy. Thay vì luyện tập nắm bắt lấy cơ hội, hãy làm sao để mình luôn ở trong trạng thái có thể nắm bắt được cơ hội.

 Ảnh minh họa. Nguồn: lil artsy/Pexels.

Ảnh minh họa. Nguồn: lil artsy/Pexels.

Bản thân tôi thường đầu tư vốn vào những lĩnh vực mình thấy hay ho. Gần đây nhất, tôi đã thử thực hiện một dự án tuyển các chuyên viên sáng tạo, cho họ thiết kế đoạn phim theo yêu cầu của các đại lý quảng cáo. Đây không phải lĩnh vực mới mẻ gì, chỉ là tôi thấy những con người đó có vẻ thú vị. Tôi có thể quan sát mọi thứ với tư cách người trong cuộc, lỡ dự án có thất bại thì tôi cũng chỉ cười xòa mà thừa nhận: “Phi vụ này không thành rồi”.

Khi đầu tư như thế, tất nhiên tôi vẫn lập công ty, mua cổ phiếu... nhưng không đặt nặng mục tiêu kiếm lời. Tôi chỉ xem đó như một trò chơi dành cho người lớn, mình bỏ tiền mua vé vào cổng để được gia nhập vào một giới nào đó thôi.

Tôi không khuyến khích kiểu bỏ những đồng tiền ít ỏi ra để khởi nghiệp rồi tự dồn mình vào đường cùng. Trên thế giới có nhiều câu chuyện nổi tiếng về các nhà khởi nghiệp ngành công nghệ thông tin thành công từ thời sinh viên nhưng tôi chắc chắn họ không bỏ học đại học giữa chừng trong tình trạng tay trắng để làm khó bản thân. Họ bắt tay vào kinh doanh do rảnh rỗi và thấy thích, dần dà chuyện làm ăn phát đạt, quy mô ngày càng mở rộng khiến họ không còn thì giờ lên lớp. Thế nên, họ chọn cách bảo lưu rồi sau đó đành phải bỏ học.

Nếu vì hiểu không thấu đáo mà bạn đảo ngược thứ tự thì bi kịch sẽ xảy ra.

Người được cho tiền tiêu vặt không biết điều này

Còn một kiểu suy nghĩ khác cũng tương tự với “giải quyết bằng nỗ lực”. Đó là “giải quyết bằng tiền”.

Bạn có hay nghĩ: “Nếu lỡ chuyến tàu cuối thì về bằng taxi cũng được không?”. Để kiếm được số tiền đi taxi đó, bạn đã bỏ ra bao nhiêu thời gian? Chắc chắn mỗi ngày bạn đều đang tiêu xài lãng phí mà không nghĩ tới điều đó rồi.

Có ý kiến cho rằng những người hồi nhỏ được cha mẹ cho tiền tiêu vặt thường khó tiết kiệm tiền. Đến tận lúc lên cấp 3, tôi mới được cho tiền tiêu vặt nên trước đó tôi hoàn toàn không có tiền. Bản thân tôi cũng thuộc dạng tự ái trẻ con nên ghét mở miệng xin tiền cha mẹ. Với học sinh cấp 1, cấp 2 thì không có tiền vẫn sống khỏe và chúng vẫn còn ý thức được rằng: “Tiền mà tiêu là sẽ hết”.

Nishimura Hiroyuki/NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/triet-ly-hay-luon-de-ranh-mot-tay-la-gi-post1458488.html