Triết lý phát triển Thủ đô Hà Nội: Văn hóa, văn hiến, văn minh là những trụ cột xuyên suốt

Định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là nhiệm vụ quan trọng, bởi đây sẽ là bản quy hoạch mang tính tổng thể, không chỉ liên quan đến những vấn đề thiết yếu của Hà Nội mà của cả nước, góp phần định hình Thủ đô cho giai đoạn 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (1930-2030) và diện mạo Thủ đô nửa đầu thế kỷ 21. Trong chuỗi các hội thảo, tọa đàm, Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội và Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Hà Nội chủ trì, phối hợp với Trường Đại học Kinh tế Quốc dân vừa tổ chức hội thảo khoa học về vấn đề này, với sự tham gia của hơn 350 đại biểu.

Phác thảo diện mạo Thủ đô nửa đầu thế kỷ 21

Hà Nội là trái tim của cả nước, đầu não chính trị-hành chính quốc gia, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa và nghìn năm văn hiến. Hà Nội cũng là trung tâm đi đầu trong nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ; có giáo dục, đào tạo và y tế tiên tiến, hiện đại, nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chiêu dụng và bồi dưỡng hiền tài. Hà Nội còn là thành phố kết nối toàn cầu, trung tâm giao lưu trong nhiều lĩnh vực... Với kỳ vọng đó, yêu cầu đặt ra với quy hoạch Thủ đô phải bảo đảm tính tổng thể đồng bộ, có kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người; bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ môi trường sinh thái...

Là cơ quan được UBND thành phố giao lập quy hoạch Thủ đô, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Hà Nội đã phối hợp với Liên danh tư vấn nghiên cứu (7 liên danh) hoàn thành dự thảo một bản quy hoạch. GS, TS Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, đại diện Liên danh tư vấn, cho biết: Các yếu tố văn hóa, văn hiến, văn minh Thăng Long-Hà Nội là những trụ cột xuyên suốt của triết lý phát triển Thủ đô Hà Nội. Quy hoạch Thủ đô có quan điểm mới là lấy sông Hồng làm trục cảnh quan trung tâm cho sự phát triển của Thủ đô thời gian tới. Ngoài ra, liên danh tư vấn đề xuất 5 quan điểm phát triển Thủ đô Hà Nội, trong đó quan điểm hàng đầu là phát triển Thủ đô nhanh, bền vững, sáng tạo, bao trùm.

 Một góc đô thị Tây Hồ, Hà Nội. Ảnh: TRỌNG HẢI

Một góc đô thị Tây Hồ, Hà Nội. Ảnh: TRỌNG HẢI

Cùng với đó là 3 kịch bản phát triển kinh tế, cơ cấu kinh tế Hà Nội trong tương lai vẫn xác định phát triển dịch vụ là chính. Đề án cũng đã nêu 5 khuyến nghị về các cơ chế, chính sách thực hiện quy hoạch. Trong đó đáng chú ý là khuyến khích người dân di dời chỗ ở, các trường đại học, bệnh viện, giảm tải cho khu vực nội đô; khuyến khích đầu tư tư nhân, đầu tư khoa học công nghệ...

Tồn tại một số điểm nghẽn

Kỳ vọng dành cho Hà Nội là rất lớn nhưng không thể phủ nhận thành phố vẫn còn những hạn chế. GS, TS Hoàng Văn Cường cho rằng: Hiện nay thành phố đang tồn tại 5 điểm nghẽn làm cản trở sự phát triển trong tương lai. Đó là: Chưa có một thể chế thực sự vượt trội; chưa có hạ tầng đồng bộ; môi trường bị ô nhiễm nặng nề; quy hoạch đô thị còn nhiều điểm chưa phù hợp với thực tế; bộ máy cán bộ chưa năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm.

Ngoài ra, GS, TS Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ-Địa chất lưu ý vấn đề về địa chất trong quy hoạch. Ông phân tích: Hà Nội thường được biết đến là trung tâm với nhiều giá trị văn hóa, lịch sử của cả nước. Chùa Hương, núi Tản và Sóc Sơn... không chỉ là địa điểm danh thắng, gắn liền với các truyền thuyết mà còn là những khu vực có đặc điểm địa chất và tự nhiên đặc biệt, có ý nghĩa khoa học, giáo dục và kinh tế-xã hội to lớn, có thể được coi là các di sản địa chất. Thế nhưng hiện nay, các yếu tố địa chất, địa mạo và mối quan hệ của chúng với các di sản lịch sử và văn hóa chưa được đề cập, chưa được điều tra, đánh giá, chưa có các giải pháp quy hoạch, khai thác và bảo vệ hợp lý. Ngoài ra, Hà Nội cũng cần lưu ý tới việc khai thác nước ngầm quá mạnh hay xây dựng dày đặc nhà cao tầng gần nguồn nước... Hậu quả là gây ô nhiễm các tầng nước ngầm và sự lan rộng của chúng theo thời gian, không gian và không thể kiểm soát.

Ưu tiên đặc biệt để có nguồn nhân lực vượt trội

Đây là nhận định chung của các chuyên gia, nhà khoa học khi cho ý kiến về Định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. GS, TS, Nhà giáo Nhân dân, bác sĩ Tạ Thành Văn, Chủ tịch hội đồng Trường Đại học Y Hà Nội cho rằng, hệ thống y tế còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, chưa đồng đều và chưa xứng tầm với vị thế của Thủ đô. Hà Nội cần có các chính sách, cơ chế sử dụng nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Còn theo GS, TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội: Lĩnh vực giáo dục và đào tạo cần được ưu tiên đặc biệt để có được nguồn nhân lực chất lượng cao, vượt trội bởi chương trình giáo dục đóng vai trò nền tảng, quyết định đến việc hình thành những thế hệ công dân Thủ đô phát triển toàn diện, có phẩm chất, năng lực ưu tú, có năng lực hội nhập quốc tế và giữ được bản sắc văn hóa Thăng Long-Hà Nội.

Bày tỏ mong muốn của mình, Phó bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho rằng: Hà Nội không đặt vấn đề cạnh tranh với các tỉnh, thành phố trong cả nước mà phải sánh tầm với các quốc gia trong khu vực, thế giới. Vì thế mục tiêu đến năm 2045 là Hà Nội phải trở thành thành phố kết nối toàn cầu, đại diện cho bộ mặt quốc gia. Nếu Hà Nội có được một quy hoạch đúng, trúng thì còn có một chức năng quan trọng là đầu tàu, động lực, góp phần lan tỏa, dẫn dắt phát triển kinh tế-xã hội khu vực phía Bắc, trong đó có khu vực Đồng bằng sông Hồng phát triển thời gian tới.

Dự kiến dự thảo Quy hoạch Thủ đô Hà Nội sẽ được trình Quốc hội phê duyệt vào cuối tháng 10-2023. Nhân dân kỳ vọng những đề xuất trong quy hoạch Thủ đô được thực hiện đầy đủ, đúng hạn định.

TIẾN LINH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/triet-ly-phat-trien-thu-do-ha-noi-van-hoa-van-hien-van-minh-la-nhung-tru-cot-xuyen-suot-745066