Triệt phá đường dây mỹ phẩm giả, bán cả trăm nghìn đơn trên Shopee, Tiktok, nguyên liệu sản xuất đều là hóa chất

Theo cơ quan công an, cơ sở làm giả đã phân phối hơn 100.000 đơn hàng qua các nền tảng thương mại điện tử như Shopee và TikTok.

Ngày 8/5, Công an tỉnh Bắc Giang cho biết, Phòng Cảnh sát kinh tế phối hợp với các đơn vị chức năng đã triệt phá một điểm sản xuất và kinh doanh mỹ phẩm giả tại xã Đại Lâm, huyện Lạng Giang. Cơ sở này đã cho ra lò hàng nghìn sản phẩm làm đẹp giả mạo và phân phối hơn 100.000 đơn hàng qua các nền tảng thương mại điện tử như Shopee và TikTok.

Cụ thể, vào khoảng 10h30 ngày 7/5, lực lượng chức năng đã kiểm tra căn nhà của Nguyễn Văn Khánh (SN 1996, trú tại thôn Lải, xã Đại Lâm), bắt quả tang Khánh cùng Nguyễn Thị Hiên (SN 2003, cùng địa chỉ) đang thực hiện hoạt động sản xuất và đóng gói mỹ phẩm không rõ nguồn gốc.

Tem nhãn giả các sản phẩm đang được bán chạy trên thị trường

Tem nhãn giả các sản phẩm đang được bán chạy trên thị trường

Tại hiện trường, lực lượng chức năng thu giữ 2.468 sản phẩm mỹ phẩm giả thuộc 13 dòng sản phẩm khác nhau như kem dưỡng da, serum trị mụn, lăn khử mùi… Ngoài ra, còn phát hiện khoảng 104.000 tem chống hàng giả, hàng triệu bao bì, gần 10.000 chai lọ và 300 kg nguyên liệu không rõ xuất xứ. Tang vật còn bao gồm nhiều thiết bị sản xuất như máy co màng, máy dập hạn sử dụng...

Trước đó, qua theo dõi các hoạt động trên không gian mạng, lực lượng công an phát hiện một số tài khoản bán hàng trên Shopee và TikTok như “Bn Store 2024”, “Bibo Comesticc”, “Sare Comesticc”, “Coca Beauty” có dấu hiệu kinh doanh mỹ phẩm giả. Qua điều tra, Nguyễn Văn Khánh được xác định là người đứng đầu đường dây sản xuất và phân phối các sản phẩm này. Theo kết quả điều tra ban đầu, từ cuối năm 2024, Khánh đã bắt đầu tự tìm hiểu cách làm giả mỹ phẩm, đặt in tem nhãn, bao bì giả các thương hiệu nổi tiếng, rồi mua thiết bị và nguyên liệu để tự sản xuất tại nhà.

Các dụng cụ và dung dịch để pha chế, sản xuất mỹ phẩm giả.

Các dụng cụ và dung dịch để pha chế, sản xuất mỹ phẩm giả.

Các sản phẩm sau đó được bán công khai trên nền tảng thương mại điện tử và giao cho khách qua hình thức COD. Tính đến thời điểm bị phát hiện, số đơn hàng Khánh đã bán ra lên tới hơn 100.000, với doanh thu ước tính trên 6 tỷ đồng. Toàn bộ nguyên liệu sản xuất đều là hóa chất, dung dịch không rõ nguồn gốc, tiềm ẩn nguy cơ gây hại nghiêm trọng cho người tiêu dùng.

Hiện vụ việc đang được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang tiếp tục điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định pháp luật.

Khánh Ngân

Nguồn Góc nhìn pháp lý: https://gocnhinphaply.nguoiduatin.vn/triet-pha-duong-day-my-pham-gia-ban-ca-tram-nghin-don-tren-shopee-tiktok-nguyen-lieu-san-xuat-deu-la-hoa-chat-15530.html