Thứ trưởng Bộ Y tế: Truy tận gốc cơ sở sản xuất thuốc giả

Lãnh đạo Bộ Y tế yêu cầu nâng mức xử phạt hành chính với các vi phạm về thực phẩm chức năng, đồng thời thu hồi giấy phép đối với doanh nghiệp không khắc phục được sai phạm. Phát hiện thuốc giả phải xử lý quyết liệt, truy tận gốc cơ sở sản xuất, không dừng lại ở mức lập biên bản.

Bộ Y tế vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc nhằm đánh giá thực trạng sản xuất, buôn bán thuốc và thực phẩm chức năng giả, đồng thời đưa ra các giải pháp siết chặt quản lý và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật trong lĩnh vực này.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, tình trạng thuốc giả, thực phẩm chức năng giả và sữa giả vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng và làm suy giảm niềm tin vào hệ thống y tế. Dù đã có đầy đủ quy định pháp luật, nhưng việc thực thi chưa đủ mạnh để răn đe các hành vi vi phạm.

Nói thêm về điều này, TS.Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho rằng mức phạt hiện nay đối với hành vi buôn bán thuốc giả còn thấp, chưa đủ sức ngăn chặn.

“Ví dụ, một cơ sở kinh doanh thuốc Clorocid TW3 giả, trị giá chỉ khoảng 30.000 đồng/lọ, nếu bị phát hiện chỉ bị phạt hành chính từ 2 đến 6 triệu đồng và tịch thu hàng hóa. Mức xử phạt như vậy là quá thấp để đủ sức răn đe”, TS.Hùng nói.

Từ đầu cầu Thanh Hóa, TS.Đỗ Thái Hòa, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh cũng cho biết chế tài xử lý thuốc giả hiện chủ yếu dựa trên giá trị hàng hóa thu giữ, trong khi tác hại đến sức khỏe người dân thì rất lớn. Ông đề xuất cần có quy định xử phạt riêng và đủ mạnh cho lĩnh vực y tế, thậm chí xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi nghiêm trọng.

Ông Lê Minh Hải, Phó giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM chỉ ra rằng, việc xử lý các cơ sở vi phạm còn gặp nhiều trở ngại do mô hình sản xuất và phân phối thuốc, thực phẩm chức năng hiện nay liên kết qua nhiều tỉnh thành. Thêm vào đó, hành vi quảng cáo sai sự thật trên môi trường số ngày càng phổ biến, nhưng việc xác minh và xử lý lại chậm do vướng mắc về thẩm quyền.

“Đã phát hiện thì xử lý lại lúng túng. Do đó, cần tổ chức lực lượng cán bộ hóa trang làm người dân để kiểm tra thực tế tại các hiệu thuốc, từ đó phát hiện thuốc giả và kịp thời chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra”, ông Hải kiến nghị.

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm Chỉ thị 17 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị của Ban Bí thư về bảo đảm an toàn thực phẩm. Ông nhấn mạnh việc chuyển từ kiểm tra định kỳ sang kiểm tra đột xuất để kịp thời phát hiện sai phạm.

“Cần nâng mức xử phạt hành chính với các vi phạm về thực phẩm chức năng, đồng thời thu hồi giấy phép đối với doanh nghiệp không khắc phục được sai phạm”, Thứ trưởng nói. Ông cũng yêu cầu mỗi quý phải tổ chức kiểm tra diện rộng, đồng thời triển khai đợt cao điểm kiểm tra trong tháng 5 này.

Riêng với thuốc giả, Thứ trưởng yêu cầu các địa phương thu hồi ngay sản phẩm vi phạm đã được công bố, tăng cường thanh kiểm tra các cơ sở bán buôn, bán lẻ để xác minh nguồn gốc thuốc. "Phát hiện thuốc giả phải xử lý quyết liệt, truy tận gốc cơ sở sản xuất, không dừng lại ở mức lập biên bản", ông nhấn mạnh.

Bộ Y tế cũng đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Công Thương, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia nhằm kiểm soát tình trạng thuốc và thực phẩm giả. Trong năm 2024, hàng trăm đoàn kiểm tra đã được triển khai trên cả nước, với nhiều vụ việc bị xử phạt nặng và chuyển cơ quan điều tra.

Cục An toàn thực phẩm cho biết đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc sản xuất và kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, chủ yếu tiêu thụ qua mạng xã hội. Đặc biệt, đầu năm 2025 ghi nhận nhiều vụ nghiêm trọng liên quan đến sữa giả, thuốc điều trị không rõ nguồn gốc, khiến người tiêu dùng hoang mang.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các nhà khoa học, chuyên gia y tế - kể cả đã nghỉ hưu không tham gia hoạt động quảng cáo sai sự thật, gây hiểu lầm cho người dân.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, việc nâng cao nhận thức cộng đồng là yếu tố then chốt. “Không chỉ cần chế tài mạnh, mà phải tuyên truyền để người dân nhận biết và cảnh giác với thuốc và thực phẩm chức năng giả”, ông khẳng định.

Việc siết chặt quản lý thuốc và thực phẩm chức năng giả không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành Y tế mà đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các bộ ngành, địa phương và toàn xã hội.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/thu-truong-bo-y-te-truy-tan-goc-co-so-san-xuat-thuoc-gia-d279650.html