Triệt phá hàng giả: Không để thông tin 'độc' dẫn dắt dư luận
Tình trạng hàng giả, nhái, kém chất lượng trong hầu hết mọi lĩnh vực xuất hiện trôi nổi trên thị trường và diễn biến phức tạp là mối nguy hại nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng và sự minh bạch trong kinh doanh. Nếu các ngành chức năng liên tiếp phát hiện và triệt phá các đường dây sản xuất, tiêu thụ và xử lý một cách quyết liệt thì các thế lực xấu bên ngoài lại lợi dụng để xuyên tạc với nhiều thủ đoạn tinh vi.

Phân bón giả được phát hiện tại địa bàn huyện Thống Nhất. Ảnh: tư liệu
Sữa giả, thuốc giả, thực phẩm chức năng giả… là những từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất thời gian gần đây khi các cơ quan chức năng đã liên tiếp triệt phá, bắt giữ các vụ sản xuất, buôn bán hàng giả với quy mô lớn. Lợi dụng tâm lý hoang mang và phẫn nộ của người dân trước “ma trận” hàng giả trên thị trường, một số đối tượng đã bóp méo sự thật, xuyên tạc tình hình, gieo rắc sự hoài nghi trong xã hội.
Cần khẳng định các vụ việc vi phạm về sản xuất hàng giả, kém chất lượng, đặc biệt là các sản phẩm chăm sóc sức khỏe là hành vi không thể dung thứ. Bởi mục tiêu cuối cùng của các đối tượng không gì khác ngoài trục lợi trên sức khỏe và sinh mạng của đồng bào mình.
Ngay khi phát hiện dấu hiệu nghi vấn, các lực lượng chức năng từ Trung ương đến địa phương đã nhanh chóng phối hợp, xác minh, điều tra và tiến hành các biện pháp nghiệp vụ một cách đồng bộ, bài bản. Vụ quảng cáo sai sự thật về sản phẩm kẹo rau củ Kera tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đắk Lắk vừa bị xử lý thì ngay sau đó đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả với quy mô lớn nhất từ trước tới nay tại địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận bị triệt phá. Công an Thanh Hóa tiếp tục triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả quy mô lớn, hoạt động từ năm 2021, thu lợi khoảng 200 tỷ đồng… Tất cả là minh chứng cho quyết tâm không khoan nhượng của Nhà nước ta trước tội phạm. Mọi cá nhân, tổ chức liên quan đến các vụ việc nêu trên sẽ bị xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật, không có ngoại lệ.
Khi cả hệ thống chính trị đang nỗ lực làm sạch thị trường, truy quét hàng giả, hàng nhái để bảo vệ sức khỏe nhân dân, thì cũng là lúc những giọng điệu xuyên tạc, bịa đặt lại “thừa nước đục thả câu”. Bằng hình ảnh cắt xén, thông tin gán ghép vụ việc cũ mới lẫn lộn được tung ra như: phát hiện hàng trăm tấn sữa giả, thuốc giả… Ngay sau đó là những nhận định phiến diện, một chiều rằng: “Việt Nam là thiên đường hàng giả” “Chính quyền bao che, làm ngơ cho tội phạm”, “Hệ thống pháp luật yếu kém, không bảo vệ được người dân”…
Thực tế cần phải nhìn nhận rõ ràng, toàn diện và chính xác về bản chất của sự việc. Hàng giả tồn tại ở mọi quốc gia và ở đâu cũng bị coi là tội phạm. Việc các cơ quan chức năng Việt Nam phát hiện, triệt phá và công bố công khai thông tin đã khẳng định: đằng sau vỏ bọc “người yêu nước” là những kẻ chống phá khi cố tình bỏ qua những nỗ lực trong hoàn thiện hành lang pháp lý và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước để xử lý hàng giả, kém chất lượng.
Chúng ta không né tránh sự thật rằng: hàng giả, thuốc giả là vấn nạn cần bị xử lý triệt để. Vụ việc phát hiện hàng trăm tấn sữa giả, thuốc giả và xử lý theo quy định pháp luật là lời cảnh tỉnh đối với toàn xã hội. Từ đó, đặt ra yêu cầu cấp bách trong việc tăng cường giám sát, nâng cao ý thức tiêu dùng, cũng như sự cảnh giác của người dân trước hàng hóa kém chất lượng. Nhưng hơn hết, cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước và lực lượng chức năng trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân.
Việc bóp méo thông tin, xuyên tạc sự thật gieo rắc tâm lý hoang mang trong dư luận xã hội là thêm một lần tổn hại sức khỏe nhân dân. Phê phán hàng giả là cần thiết, nhưng xuyên tạc là tội ác. Điều này rõ ràng không vì lợi ích của Nhân dân mà chỉ phục vụ cho ý đồ chống phá đất nước.