Triệu tập nhiều cộng sự thân cận của cựu Tổng thống D.Trump

Ngày 23/9, ủy ban mới được thành lập của Hạ viện Mỹ để điều tra vụ bạo loạn tại trụ sở Quốc hội Mỹ vào ngày 6/1 vừa qua, đã gửi yêu cầu 4 cộng sự thân cận của cựu Tổng thống Donald Trump trình diện để cung cấp lời khai liên quan tới vụ việc trên.

Người biểu tình tập trung tại khu vực tòa nhà Quốc hội Mỹ ở Washington, DC ngày 6/1/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Người biểu tình tập trung tại khu vực tòa nhà Quốc hội Mỹ ở Washington, DC ngày 6/1/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Bốn nhân vật này bao gồm cựu Chánh Văn phòng và Phó Chánh Văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows và Dan Scavino, ông Steve Bannon - cựu cố vấn hàng đầu của ông Trump - và cựu quan chức Bộ Quốc phòng Kash Patel.

Trong thư yêu cầu trình diện gửi ông Meadows, Chủ tịch ủy ban trên, Hạ nghị sĩ Bennie Thompson, cho rằng ông này dường như đã ở cùng với cựu Tổng thống Trump vào ngày 6/1, có các cuộc trao đổi với ông Trump và những người khác vào ngày này liên quan tới vụ bạo loạn tại Đồi Capitol và "là nhân chứng liên quan tới các hoạt động xảy ra vào ngày hôm đó". Theo ông Thompson, cựu Chánh Văn phòng Nhà Trắng được cho đã liên lạc với các quan chức bang và liên bang nhằm lật ngược kết quả bầu cử tổng thống năm 2020 với chiến thắng thuộc về ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden. Trong khi đó, cựu Phó Chánh Văn phòng Nhà Trắng Scavino cũng được cho đã ở cùng ông Trump vào ngày 5/1, thảo luận về việc thuyết phục các nghị sĩ không công nhận việc ông Biden giành chiến thắng.

Trong thư gửi cựu chiến lược gia Bannon, Chủ tịch Thompson lưu ý rằng ông này đã có các cuộc trao đổi khác nhau về việc thuyết phục các nghị sĩ vì mục đích tương tự. Ông Thompson cho biết hai ông Bannon và Patel được yêu cầu trình diện tại ủy ban trên vào ngày 14/10, trong khi hai ông Meadows và Scavino là vào ngày 15/10.

Vụ bạo loạn xảy ra ngày 6/1/2021 vào thời điểm Thượng viện Mỹ tiến hành chứng thực chiến thắng của ông Biden, khi đó là ứng cử viên đảng Dân chủ, trong cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 11/2020. Ngày 30/6 vừa qua, Hạ viện Mỹ đã thông qua nghị quyết thành lập ủy ban điều tra vụ việc. Chủ tịch ủy ban Thompson nhận định đây là vụ việc bạo lực nhất nhằm vào cơ quan lập pháp Mỹ kể từ năm 1814. Vụ việc đã khiến 5 người thiệt mạng và hơn 100 cảnh sát bị thương. Lực lượng chức năng đã bắt giữ gần 600 người để phục vụ điều tra.

Phương Oanh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/trieu-tap-nhieu-cong-su-than-can-cua-cuu-tong-thong-dtrump-20210924122713815.htm