Triều Tiên được gì mất gì khi liên minh với Nga?
Giới quan sát đánh giá, khi Triều Tiên liên minh với Nga, họ thu được rất nhiều lợi ích nhưng cũng đối mặt không ít rủi ro.
Triều Tiên được cho là có bước đi ngoại giao táo bạo chưa từng có tiền lệ khi gửi quân và vũ khí sang Nga trong bối cảnh xung đột Ukraine đang diễn ra sục sôi. Chi viện kịp thời của Triều Tiên đã giúp đỡ Nga giành lại những lãnh thổ nhất định đã bị mất vào tay Ukraine tại tỉnh Kursk của Nga.
Viện trợ của Bình Nhưỡng gồm những gì?
Mặc dù bị phương Tây cô lập, Triều Tiên vẫn có ưu thế nổi trội về quân đông và vũ khí khí tài dồi dào. Triều Tiên được đánh giá là có đội quân chính quy đông hàng đầu thế giới (với khoảng 1,3 triệu quân nhân). Triều Tiên cũng sở hữu kho khổng lồ đạn pháo, rocket và những loại vũ khí thông thường khác. Bên cạnh đó, quốc gia Đông Á này còn có một số tên lửa đạn đạo mới được phát triển dưới thời nhà lãnh đạo Kim Jong Un.
Quan hệ thân thiện, gần gũi giữa Triều Tiên và Nga lên cao khi Triều Tiên mời Bộ trưởng Quốc phòng Nga (khi đó là ông Sergei Shoigu) tới dự một cuộc diễu binh quy mô lớn tại Bình Nhưỡng vào tháng 7/2023. Sau đó vũ khí Triều Tiên được cho là đã bắt đầu nhập vào Nga. Đến khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un dự thượng đỉnh ở Viễn Đông Nga vào tháng 9/2023 theo lời mời của Tổng thống Putin, phía Nga đã đưa ông Kim tham quan một cơ sở phóng tàu vũ trụ, một nhà máy máy bay và một cảng hải quân, với triển vọng hỗ trợ Triều Tiên về công nghệ trong những lĩnh vực này. Vào tháng 6/2024, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un ký một hiệp ước hợp tác và tương trợ quốc phòng ở Bình Nhưỡng. Sau đó, phía Triều Tiên được cho là đã gửi quân sang Nga.
Giới chức Hàn Quốc cho biết, Triều Tiên đã cung cấp cho Nga 20.000 container vũ khí, chứa hàng triệu quả đạn pháo, các tên lửa đạn đạo mới phát triển, bệ phóng pháo phản lực phóng loạt và lựu pháo tầm xa.
Ngày 29/11/2024, Chủ tịch Kim Jong Un gặp tân Bộ trưởng Quốc phòng Nga Andrei Belousov ở Bình Nhưỡng. Ông Kim khẳng định tiếp tục ủng hộ Nga và “mở rộng mạnh mẽ” quan hệ song phương.
Yang Moo-jin - Chủ tịch Đại học Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul, đánh giá rằng cuộc gặp nói trên dự báo Triều Tiên sẽ gửi thêm quân và vũ khí sang Nga.
Xuất khẩu vũ khí sang Nga đã thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp đạn dược Triều Tiên. Ông Kim Jong Un đã kêu gọi gia tăng sản xuất khi ông thăm các nhà máy vũ khí trong những tháng gần đây. Ông cũng kêu gọi sản xuất hàng loạt UAV tấn công. Theo các nhà nghiên cứu Mỹ, Triều Tiên còn mở rộng một nhà máy sản xuất tên lửa, có lẽ là nhằm sản xuất thêm tên lửa KN-23 mà nước này đã cung cấp cho Nga để đối đầu với Ukraine.
Nga cung cấp dầu mỏ, lương thực và hỗ trợ nâng cấp vũ khí
Olena Guseinova - nhà nghiên cứu tại Đại học Ngoại ngữ Hàn Quốc ở Seoul, cho biết Triều Tiên kiếm được 5,5 tỷ USD thông qua những thỏa thuận vũ khí với Nga. Trong một báo cáo đăng tải vào tháng 10/2024, bà ước tính rằng Triều Tiên còn thu thêm 572 triệu USD thông qua việc triển khai quân. Đây là những con số rất đáng kể với Triều Tiên vì xuất khẩu chính thức của nước này chỉ có giá trị 330 triệu USD vào năm ngoái (2023).
Ngoài ra trên thực địa mặt trận Kursk ở Nga, binh sĩ Triều Tiên được cho là đang thu được những kiến thức quý giá về chiến trường - lần đầu tiên họ thực chiến trong nhiều thập kỷ qua. Kiến thức này gồm cả tri thức về những đổi mới trong sử dụng thiết bị bay không người lái (UAV) cho tác chiến hiện đại.
Xung đột Nga - Ukraine cũng mang lại cho Triều Tiên cơ hội thử nghiệm các tên lửa đạn đạo mới của họ là KN-23 và KN-24 để chống lại các hệ thống phòng không phương Tây trong thực chiến. Giới chức Hàn Quốc cho hay, các kỹ thuật viên của Triều Tiên đã đi sát các quả tên lửa này để nhận diện các khiếm khuyết và thu thập dữ liệu gửi về nước.
Jang Seho - nhà phân tích tại Viện Chiến lược an ninh quốc gia có trụ sở ở Seoul (Hàn Quốc), lo ngại rằng trong tương lai, ông Kim Jong Un có thể đề nghị Nga giúp Triều Tiên làm chủ công nghệ cần thiết cho tên lửa mang đầu đạn hạt nhân, với tầm bắn khắp Thái Bình Dương.
Rủi ro nào cho Triều Tiên?
Các quan chức tình báo Hàn Quốc cho biết, lực lượng đặc nhiệm Triều Tiên đã chiến đấu sát cánh bên lính dù và thủy quân lục chiến Nga ở Kursk. Lực lượng này được huấn luyện để tiềm nhập bằng đường biển, sông và trên các vùng đất nhiều đồi như ở bán đảo Triều Tiên. Giới chuyên gia quân sự lo ngại liệu lực lượng này đã được chuẩn bị kỹ cho một cuộc chiến tiêu hao dọc theo các chiến hào và trên những vùng đất bằng phẳng với sự tham gia của trọng pháo và UAV hay chưa.
Doo Jin-ho - nhà phân tích cấp cao tại Viện Phân tích quốc phòng Hàn Quốc ở Seoul, nhận định: Triều Tiên đã gửi rất nhiều đạn dược và vũ khí thông thường sang Nga nên họ sẽ khó đương đầu với đối phương ngay trên bán đảo Triều Tiên nếu chiến tranh nổ ra. Nhà phân tích này coi đây là điểm yếu lớn nhất của Triều Tiên vào lúc này.
Bên cạnh đó, một số nhà nghiên cứu của Hàn Quốc cũng nghi ngờ hợp tác Bình Nhưỡng - Moscow có thể duy trì được lâu dài. Viện Chính sách kinh tế quốc tế Hàn Quốc cho hay, hai nền kinh tế Nga - Triều Tiên có ít điểm tương trợ cho nhau, trong đó Nga chỉ chiếm chưa tới 2% thương mại quốc tế của Triều Tiên ngoài vũ khí, còn Trung Quốc chiếm tới hơn 90% thương mại quốc tế của Triều Tiên.