Triều Tiên phóng tên lửa nhiều kỷ lục có thể vì máy bay tàng hình Mỹ
Chỉ trong 24 giờ qua, Triều Tiên đã bắn nhiều tên lửa hơn cả năm 2017 - khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un thách thức lời đe dọa 'bão lửa và cuồng nộ' của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Trong bối cảnh vật lộn với cuộc khủng hoảng năng lượng, điều cuối cùng mà phương Tây muốn nghe là căng thẳng trở lại trên bán đảo Triều Tiên.
Thế nhưng, nó đã thành sự thật. Hôm 2/11, Bình Nhưỡng đã phóng ít nhất 23 tên lửa đạn đạo ra biển, mức cao kỷ lục trong một ngày. Trong đó, một tên lửa rơi xuống cách bờ biển Hàn Quốc chưa đầy 60 km.
Đây là lần đầu tiên kể từ khi hai bên ký thỏa thuận ngừng bắn năm 1953, một tên lửa của Triều Tiên rơi xuống gần lãnh hải của Hàn Quốc, Reuters đưa tin.
Ngày 3/11, nước này tiếp tục bắn 3 tên lửa ra biển phía đông, trong đó có một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) bị nghi bắn từ Bình Nhưỡng, khiến Nhật Bản phải phát cảnh báo yêu cầu người dân trú ẩn.
Nhiều người đặt câu hỏi điều gì đã khiến Triều Tiên phóng nhiều tên lửa đến vậy? Các nhà phân tích cho rằng các cuộc tập trận quân sự Mỹ - Hàn Quốc đang diễn ra là yếu tố then chốt, đồng thời cảnh báo rằng ông Kim có thể đang chuẩn bị cho một vụ thử hạt nhân khác.
E ngại máy bay tàng hình
Triều Tiên cho biết hàng loạt vụ phóng gần đây là để đáp trả các cuộc tập trận giữa Hàn Quốc và Mỹ, đồng thời tuyên bố “sự khiêu khích quân sự như vậy không thể dung thứ được nữa”.
Seoul và Washington đang tiến hành cuộc tập trận chung lớn nhất từ trước đến nay, có tên gọi là Vigilant Storm, với sự tham gia của hàng trăm máy bay chiến đấu.
Cụ thể, Hàn Quốc triển khai khoảng 140 máy bay chiến đấu tàng hình F-35A, phản lực F-15K và KF-16. Mỹ có khoảng 100 máy bay tàng hình F-35B, máy bay tác chiến điện tử EA-18, máy bay tiếp nhiên liệu KC-135 cùng máy bay trinh sát U-2.
Hai nước có kế hoạch thực hiện tổng cộng hơn 1.600 nhiệm vụ tấn công giả định với cường độ 24 giờ/ngày trong suốt thời gian tập trận chung. Đây là "con số lớn nhất từ trước đến nay" trong các cuộc tập trận phối hợp.
Theo các chuyên gia, một những yếu tố khiến ông Kim e ngại là sự tham gia của một số máy bay chiến đấu tiên tiến - F-35A và F-35B. Cả hai đều là máy bay tàng hình được thiết kế để ẩn mình trước sóng radar.
Các nhà phân tích cho biết Triều Tiên có thể có vũ khí hạt nhân - điều mà Hàn Quốc không có - nhưng không quân là mắt xích yếu nhất trong quân đội của họ, và có khả năng Bình Nhưỡng không thể chống lại công nghệ máy bay tàng hình.
“Hầu hết máy bay của Triều Tiên đã lỗi thời… Họ có rất ít máy bay chiến đấu tối tân”, Cheong Seong Chang, nhà nghiên cứu tại Viện Sejong, nói với AFP.
"Triều Tiên không có nhiều dầu cho máy bay, vì vậy việc huấn luyện cũng không được thực hiện đúng cách", ông nói thêm.
Vào mùa hè năm nay, một số báo cáo cho biết các biệt kích Mỹ và Hàn Quốc đang luyện tập trong một chiến dịch tác chiến nhanh.
“Cuộc tập trận Vigilant Storm bao gồm các máy bay chiến đấu tàng hình F-35”, Go Myong Hyun, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asan, cho biết.
Ông Go nói thêm Bình Nhưỡng tin rằng máy bay phản lực tàng hình sẽ "được sử dụng trong các hoạt động tác chiến đáng ngại".
Các chuyên gia cho rằng có những dấu hiệu cho thấy ông Kim lo ngại, chỉ ra việc sửa đổi luật hạt nhân của Triều Tiên vào tháng 9.
Luật mới cho phép Triều Tiên tấn công hạt nhân phủ đầu nếu phát hiện một cuộc tấn công sắp xảy ra bằng vũ khí hủy diệt hàng loạt hoặc nhằm vào các “mục tiêu chiến lược” của đất nước. Nó cũng đặt hạt nhân của Bình Nhưỡng dưới "toàn quyền chỉ huy" của ông Kim.
Theo ông Kim, nếu "hệ thống chỉ huy và kiểm soát" hạt nhân của Triều Tiên "rơi vào tình trạng nguy hiểm do bị các thế lực thù địch tấn công, thì một cuộc tấn công hạt nhân sẽ được thực hiện tự động và ngay lập tức".
Toan tính của Triều Tiên
Trong tuyên bố ngày 2/11, Pak Jong Chon, Bí thư Ủy ban Trung ương đảng Lao động cầm quyền của Triều Tiên, cho biết số lượng máy bay chiến đấu tham gia Vigilant Storm chứng tỏ cuộc tập trận có tính chất "gây hấn và khiêu khích", nhắm mục tiêu cụ thể vào Triều Tiên.
Ông cho biết ngay cả tên gọi của cuộc tập trận cũng mô phỏng chiến dịch Bão táp sa mạc (Desert Storm) do Mỹ dẫn đầu ở Iraq vào những năm 1990.
Quân đội Mỹ và Hàn Quốc đã huấn luyện cùng nhau trong nhiều năm, và các cuộc tập trận chung từ lâu đã khiến Bình Nhưỡng tức giận. Họ vốn coi đó là những cuộc diễn tập cho xung đột.
"Các động thái đối đầu quân sự của đối thủ đã tạo ra tình huống nghiêm trọng trên bán đảo Triều Tiên", hãng thông tấn nhà nước KCNA dẫn lời ông Pak.
Triều Tiên đã nhiều lần nói rằng các vụ phóng tên lửa là "biện pháp đối phó" cần thiết với chính sách "thù địch" của Mỹ.
Trên thực tế, dưới thời nhà lãnh đạo khó tính Kim Jong Un, Triều Tiên đã áp dụng học thuyết hạt nhân cứng rắn hơn, đưa ra lời đe dọa rõ ràng là sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cảm thấy nguy hiểm.
Trong những năm gần đây, các vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng đã trở thành thông lệ.
Nhưng loạt vụ phóng mới nhất đã khiến các nhà hoạch định chính sách ở Seoul và Tokyo cảm thấy lo lắng vì chúng liên quan đến nhiều loại tên lửa tầm ngắn mà Triều Tiên cho rằng khó bị đánh chặn hơn và có thể mang đầu đạn hạt nhân chiến thuật, theo New York Times.
Yang Moo Jin, giáo sư tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul, cho biết động thái của Bình Nhưỡng nhằm phản đối các cuộc tập trận quân sự chung gần đây giữa Washington và Seoul. Việc leo thang căng thẳng cũng có thể tạo cớ cho hành động khiêu khích lớn hơn, có khả năng là vụ thử hạt nhân tiếp theo.
“Một khi Hàn Quốc có biện pháp trả đũa đối với các hành động khiêu khích, Triều Tiên có thể sử dụng điều đó như một lời biện minh để thể hiện năng lực hạt nhân của mình”, Wall Street Journal dẫn lời ông Yang nói.
Trong những tuần gần đây, các quan chức Hàn Quốc đã cảnh báo rằng Triều Tiên có thể gây ra một cuộc tấn công bất ngờ, cục bộ và cho biết họ đang chuẩn bị để đáp trả.
Washington và Seoul cũng cảnh báo trong nhiều tháng rằng các vụ phóng tên lửa gần đây có thể dẫn đến vụ thử hạt thứ 7 của Bình Nhưỡng.
Trong bài phát biểu trước hội Quốc hội vào tháng 10, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol nhận định Triều Tiên "dường như đã hoàn tất việc chuẩn bị" cho vụ thử hạt nhân lần thứ 7. Vì vậy, chính quyền Seoul đang được đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ trước những hành động tiếp theo của Bình Nhưỡng.