Triều Tiên phóng tên lửa và mối lo về cuộc chạy đua vũ trang mới

Ngày 19/2021, Triều Tiên đã phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm (SLBM) và đây là động thái thị uy sức mạnh quân sự lần thứ 8 trong năm nay.

Ngày (21/10), Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã tiến hành họp khẩn về vấn đề Triều Tiên - chỉ một ngày sau Bình Nhưỡng thông báo đã thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm. Tuy nhiên, không có tuyên bố chung nào được đưa ra trong cuộc họp, cho thấy quan điểm vẫn khác biệt giữa các nước trong tiếp cận và xử lý điểm nóng này.

Trong khi đó, Triều Tiên dường như vẫn chưa có dấu hiệu muốn ngừng các vụ thử tên lửa kể từ khi bắt đầu nối lại hồi đầu tháng 9 vừa qua. Chưa hết, bán đảo Triều Tiên còn đang “tăng nhiệt” với các động thái tăng cường quân sự của Hàn Quốc, báo hiệu một cuộc chạy đua vũ trang nóng bỏng mới.

Bất đồng quan điểm về Triều Tiên

Nguyên nhân chính là do các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc chưa thống nhất được lập trường chung về Triều Tiên. Theo truyền thông thì Pháp mong muốn áp dụng “đầy đủ các biện pháp trừng phạt” đối với Triều Tiên sau hàng loạt vụ phóng tên lửa gần đây. Nga và Trung Quốc lại đề xuất “bãi bỏ từng phần lệnh cấm vận” và cho rằng cần có thêm thời gian để phân tích thêm tình hình.

Ảnh minh họa: KT.

Ảnh minh họa: KT.

Dưới thời Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã từng thông qua 3 biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Triều Tiên. Bước sang thời chính quyền Tổng thống Joe Biden, dù Mỹ luôn khẳng định, “không có ý thù địch với Triều Tiên”, nhưng chưa đưa ra biện pháp cụ thể nào cho tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, khiến Triều Tiên vừa sốt ruột, có “nghi ngờ” về những cái gọi là nỗ lực hợp tác song phương, đa phương liên quan đến vấn đề “sống còn” của họ.

Đầu tháng 10/2021, Thứ trưởng quốc phòng Hàn Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản có cuộc trao đổi qua điện đàm để thảo luận về hồ sơ Triều Tiên. Kết thúc cuộc họp, trong thông cáo chung, 3 bên cũng dừng lại ở mức thống nhất về việc tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong vấn đề Triều Tiên. Mới đây, Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân ba nước Hàn-Mỹ-Nhật gặp nhau tại Mỹ đã bày tỏ lập trường lo ngại về động thái mới của Triều Tiên và cùng cho rằng, việc nối lại đối thoại với Bình Nhưỡng là điều cấp thiết hiện nay. Nhưng cũng chưa đưa ra được biện pháp cụ thể nào để nối lại các cuộc đối thoại đó, trong khi Triều Tiên dường như đã mệt mỏi và mong muốn tự mình làm những điều cần làm.

Như vậy, ngoài bất đồng quan điểm liên quan đến trừng phạt Triều Tiên, dường như các bên có thiện chí đối thoại với Triều Tiên cũng chưa đưa ra được biện pháp cụ thể, hay những cam kết để Triều Tiên lấy đó làm cái cớ để đồng ý đối thoại.

Thông điệp từ Triều Tiên

Tháng 9/2021, Triều Tiên đã 4 lần phóng thử nghiệm tên lửa. Vào ngày 11 và 12, nước này phóng thử nghiệm tên lửa hành trình. Tới ngày 15/9 phóng hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn từ tàu hỏa. Ngày 28/9, phóng tên lửa bội siêu thanh "Hwasong-8" và ngày 30/9 phóng tiếp tên lửa đất đối không kiểu mới. Ngày 19 vừa qua, Triều Tiên đã phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm (SLBM), và đây là động thái thị uy sức mạnh quân sự lần thứ 8 trong năm nay.

Hình ảnh về vụ thử tên lửa từ tàu ngầm của Triều Tiên hôm 19/10.

Hình ảnh về vụ thử tên lửa từ tàu ngầm của Triều Tiên hôm 19/10.

Vậy tại sao Triều Tiên lại liên tục hành động như vậy? Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gần đây liên tục chỉ trích Mỹ vẫn duy trì chính sách thù địch với Triều Tiên và cho rằng lời đề nghị đối thoại chỉ là trò nhằm lừa cộng đồng quốc tế.

Một quan chức Bộ Ngoại giao Triều Tiên cũng chỉ trích việc Hội đồng Bảo an LHQ triệu tập họp về vấn đề Triều Tiên, đồng thời nhấn mạnh rằng các vụ thử tên lửa của Bình Những chỉ là "tự vệ" và "thực thi chủ quyền", không gây hại hay đe dọa nước nào.

Quan chức ngoại giao này còn cáo buộc Hội đồng Bảo an áp dụng "tiêu chuẩn kép" trong khi đưa ra bàn các vụ thử vũ khí của Triều Tiên lại không đề cập gì về các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn Quốc. Triều Tiên chưa bao giờ đồng ý với cái gọi là “Nghị quyết Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về Triều Tiên”.

Như vậy, có thể rằng Triều Tiên đang “bất bình” với tất cả những vấn đề liên quan đến họ từ lệnh trừng phạt cho đến những cam kết để có thể đối thoại, sự tin tưởng trong khuôn khổ để thực hiện biện pháp nào đó liên quan đến phát triển hạt nhân. Không loại trừ Triều Tiên đang muốn tự mình đi trên con đường của mình.

Chạy đua vũ trang?

Không chỉ Triều Tiên phóng thử tên lửa, tháng 9/2021, Hàn Quốc cũng đã thử tên lửa đạn đạo chỉ sau Bình Nhưỡng ít giờ, cùng đó là việc tích cực phát triển một hệ thống quân sự mới nhằm tăng tính tự chủ - tránh dựa nhiều vào Mỹ.

Hiện giờ, các cường quốc hạt nhân dường như vừa âm thầm, vừa công khai kế hoạch hoạt động phát triển hạt nhân và tên lửa. Chiều 21/10, Hàn Quốc đã chính thức phóng tên lửa đẩy tự phát triển Nuri (KSLV-II) tại Trung tâm vũ trụ Naro, nhưng chưa thực sự thành công. Chính Tổng thống Hàn Quốc Moon-Jae-in khẳng định rằng, sẽ tiếp tục rút kinh nghiệm để thực hiện thành công vụ phóng này trong thời gian tới.

Trước đó vào giữa tháng 9/2021, Hàn Quốc cũng đã phóng thử nghiệm tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm (SLBM). Theo đó, Hàn Quốc trở thành nước thứ 7 trên thế giới phóng thành công loại tên lửa này. Việc này có ý nghĩa tái khẳng định rằng Seoul phát triển thành công tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm (SLBM) sớm hơn Triều Tiên, nhấn mạnh trình độ tên lửa loại này của Triều Tiên vẫn còn "non nớt".

Trong khi đó, Mỹ cũng phóng thử nghiệm tên lửa siêu thanh. Tuy phủ nhận, nhưng theo truyền thông thì Trung Quốc cũng đã phóng thử nghiệm thành công tên lửa siêu thanh vào tháng 8 vừa qua.

Như vậy, các cường quốc hạt nhân đang chạy đua vũ trang kịch liệt nhằm ứng phó với những mối đe dọa bất chợt không lường trước. Theo các nhà phân tích, đây thực sự là một mối “đe dọa ngầm” đối với an ninh thế giới, trong khi không phải quốc gia nào cũng có tiềm lực để tiến hành nghiên cứu, phát triển các loại vũ khí nói chung. Và thiệt thòi vẫn là những quốc gia yếu thế, chưa đủ sức mạnh về quốc phòng./.

Bùi Hùng/VOV-Tokyo

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/trieu-tien-phong-ten-lua-va-moi-lo-ve-cuoc-chay-dua-vu-trang-moi-899675.vov