Triệu Trung Kiên và sự làm mới cải lương

Sinh ra, lớn lên trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, Triệu Trung Kiên đã đam mê và gắn bó sân khấu cải lương từ thuở nhỏ. Anh có vai diễn đầu tiên trên sân khấu khi mới 7 tuổi qua vai Trần Quốc Toản. Anh cũng từng là khách mời trong chương trình 'Sắc màu phương Nam' của Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước.

Những bước ngoặt

Triệu Trung Kiên sinh năm 1971 tại Hà Nội. Anh là con trai duy nhất của nhà giáo ưu tú Triệu Quang Vinh, nguyên Trưởng khoa Kịch hát dân tộc Trường đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội và nghệ sĩ Lê Mai Phương từng là diễn viên chính của Đoàn cải lương Trung ương (nay là Nhà hát Cải lương Việt Nam).

Thừa hưởng năng khiếu và niềm đam mê nghệ thuật từ cha mẹ, nên sau khi tốt nghiệp THPT, anh theo học lớp trung cấp diễn viên Khoa Kịch hát dân tộc tại Trường đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội. Năm 1991 tốt nghiệp, anh đầu quân về Nhà hát cải lương Trung ương (nay là Nhà hát Cải lương Việt Nam). Đam mê học hỏi, anh thể hiện bản thân qua những vai diễn trên sân khấu và được khán giả yêu thích. Những vai diễn ấn tượng có thể kể đến Hoàng Bá trong vở “Vì nghĩa quên mình”; vai Trương Viên trong vở cùng tên; Hùng trong “Ân ái với kẻ giết người”; Thành trong “Người mài ngọc”; Trịnh Giác Mật trong vở “Tình sử Lộ Đà Giang”…

“Tôi may mắn sinh trưởng trong môi trường nghệ thuật, được các thầy giỏi nghề và đầy tâm huyết truyền dạy, có những cộng sự đắc lực yêu nghề. Bản chất của cải lương là không ngừng cải cách theo tiến bộ, để kịp thời sánh với văn minh, thế nên tôi không ngừng đổi mới qua mỗi vở diễn và mong muốn đáp ứng thị hiếu khán giả trong thời hiện đại”.

Nghệ sĩ nhân dân Triệu Trung Kiên

Tại Liên hoan tài năng trẻ sân khấu trẻ toàn quốc năm 2003, lớp trích đoạn “Khát vọng Đát Kỷ” do Triệu Trung Kiên viết và dàn dựng đã đoạt giải cao nhất. Năm 2005, anh tốt nghiệp ngành đạo diễn sân khấu và vai trò đạo diễn, soạn giả đã cho anh những thành quả đáng kể.

Năm 2007, anh đoạt giải B trong cuộc thi “Tài năng đạo diễn trẻ toàn quốc lần thứ nhất” tại TP. Hồ Chí Minh, với vở diễn “Dấu ấn giao thời”. Đây cũng là vở diễn tốt nghiệp đạo diễn sân khấu của anh. Năm 2009, với “Đế đô sóng cả” do anh làm tác giả và đạo diễn đoạt huy chương bạc hội diễn sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc. Năm 2011, vở “Trời Nam” (tác giả Lê Duy Hạnh) do anh làm đạo diễn đã giành giải B, tác phẩm sân khấu xuất sắc năm 2011 của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Vở diễn “Mê cung” do anh làm đạo diễn đã đoạt huy chương vàng liên hoan sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc năm 2012.

Tiếp theo đó, anh cùng tập thể Nhà hát Cải lương Việt Nam đã thực hiện nhiều vở diễn với quy mô lớn, được đầu tư kỹ từ nội dung kịch bản, diễn viên, trang phục và cả sự sáng tạo mang tính thể nghiệm. Những vở diễn tạo được dấu ấn đối với giới chuyên môn và khán giả như “Chuyện tình Khau Vai”, “Hừng Đông”, “Vua Phật”, “Người đi tìm minh chủ”, “Linh khí trời Nam”, “Mai Hắc Đế”… đã góp phần làm nên sự thành công cho các nghệ sĩ khi họ vào những vai diễn hay. Năm 2015, với vở diễn “Mai Hắc Đế” do anh làm đạo diễn đã giành huy chương bạc cuộc thi nghệ thuật sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc. Tiếp đó, vở cải lương “Cuộc đời của mẹ” do anh đạo diễn đoạt huy chương vàng tại Liên hoan cải lương toàn quốc năm 2018.

Để có được những thành công này, Triệu Trung Kiên luôn khám phá, không ngừng đổi mới cải lương ở các đề tài khác nhau. Dù đề tài hiện đại hay lịch sử, anh không ngại đổi mới để có thể đưa các loại hình nghệ thuật khác vào trong vở diễn, cải tiến về âm nhạc, cách thiết kế sân khấu để đưa môn nghệ thuật này phát triển trong tương lai.

Người nghệ sĩ đa năng

Triệu Trung Kiên là một trong những người đã kết nối được các nghệ sĩ 2 miền Nam - Bắc chung một vở diễn. Vở “Chuyện tình Khau Vai” dàn dựng với sự kết hợp nghệ sĩ 2 miền và lưu diễn tại các tỉnh phía Nam được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Vở cải lương “Thầy Ba Đợi” được xem là công trình nghệ thuật rất ý nghĩa với lực lượng nghệ sĩ đến từ 3 miền Bắc - Trung - Nam nhân kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương.

Bên cạnh việc sáng tác, đạo diễn cho những kịch bản cải lương, Triệu Trung Kiên còn thể hiện sự đa tài của mình ở lĩnh vực khác. Năm 2016, anh dựng vở dân ca “Thai Xuyên Trần Quý Cáp” cho Đoàn ca kịch Quảng Nam. Vở diễn nhận được bằng khen tại cuộc thi nghệ thuật sân khấu tuồng và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc. Năm 2018, vở ca kịch bài chòi “Ký ức lửa” do anh đạo diễn đoạt huy chương vàng liên hoan ảo thuật - tuồng, bài chòi và dân ca; cá nhân anh nhận giải đạo diễn xuất sắc. Năm 2019, anh cùng nghệ sĩ nhân dân Thanh Ngoan dàn dựng vở kịch hát “Ngàn năm mây trắng” với sự kết hợp độc đáo của 4 loại hình: chèo, cải lương, hát xẩm và hát văn Huế. Vở này đã đoạt huy chương bạc tại Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ IV, năm 2019. Trong năm này, anh còn dàn dựng vở kịch “Huyền thoại gò Rồng ấp” đoạt huy chương vàng Liên hoan sân khấu Trung Quốc - ASEAN.

Năm 2019, anh được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân. Với anh, đây vừa là niềm vinh dự lớn cũng là trách nhiệm nên càng phải cố gắng, khám phá, sáng tạo không ngừng để đổi mới cải lương.

Lâm Hữu Tặng

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/253/122062/trieu-trung-kien-va-su-lam-moi-cai-luong