Triệu Vân 2 lần cứu sống con trai Lưu Bị, vì sao hơn 30 năm sau khi qua đời mới được phong hầu?
Triệu Vân là danh tướng trong Tam Quốc. Vị tướng này từng hai lần liều chết để cứu sống Lưu Thiện, con trai của Lưu Bị. Vậy, vì sao sau khi ông qua đời hơn 30 năm mới được phong hầu?
Trong thời kỳ thiên hạ đại loạn vào cuối thời Đông Hán và thời Tam Quốc, Triệu Vân được đánh giá là một trong những vị tướng có võ nghệ dũng mãnh và mưu lược nhất lúc bấy giờ. Ông chính là công thần khai quốc của nhà Thục Hán. Tài năng, sự dũng cảm, khả năng chiến đấu tuyệt vời cùng sự tận trung vì nước của Triệu Vân khiến ông được binh sĩ Thục Hán ca ngợi là "Hổ uy tướng quân".
Triệu Vân (? – 229), tự Tử Long, sinh tại huyện Chính Định, thuộc quận Thường Sơn, nay là tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc). Ban đầu, Triệu Vân đi theo Công Tôn Toản chinh chiến, sau mới gặp gỡ và đi theo Lưu Bị.
Theo ghi chép trong lịch sử cùng nhận định của các sử gia, Triệu Vân được đánh giá là vị tướng có uy dũng, lập được rất nhiều công lao to lớn cho Lưu Bị và nhà Thục Hán. Ông được đánh giá là người có cung cách sống rất mẫu mực, có tư duy nhạy bén, suy nghĩ thấu đáo, một lòng vì nước và rất được lòng mọi người. Khi cầm quân, do biết dùng mưu kế để ứng biến nên Triệu Vân hiếm khi gặp thất bại.
Triệu Vân được người đương thời đánh giá là võ tướng hoàn mỹ nhất trong Tam Quốc khi không chỉ thiện chiến mà còn không hề có nhược điểm gì về tính cách, đồng thời là người văn võ song toàn.
Trong cuộc đời lẫy lừng của mình, Triệu Vân từng lập hai chiến tích vang danh Tam Quốc. Đó là hai lần ông liều chết xông pha cứu sống được Hậu chủ Lưu Thiện, con trai của Lưu Bị.
Lần thứ nhất, trong trận Trường Bản năm 208, Triệu Vân đơn thương độc mã đột kích vòng vây của đại quân Tào để giải cứu Lưu Thiện thoát ra ngoài. Theo Tam Quốc diễn nghĩa, chiến tích này của Triệu Vân được mô tả rất kịch tính và hấp dẫn. Triệu Vân uy dũng vô song, vừa ôm theo Lưu Thiện, vừa liều mình phá vòng vây đại quân Tào. Khả năng chiến đấu tuyệt vời cùng sự dũng mãnh của Triệu Vân khiến ngay cả Tào Tháo cũng phải khen ngợi.
Lần thứ hai,vào năm 213, khi Lưu Bị mang quân vào đánh Ích Châu, Tôn Quyền nghe tin liền phái một đội thuyền đi đón em gái về. Tôn phu nhân muốn tìm cách mang theo con trai của Lưu Bị là Lưu Thiện (lúc đó vẫn còn nhỏ) về Đông Ngô. Tuy nhiên, sau khi nghe tin, Triệu Vân đã mang quân ra chặn sông và khuyên Tôn phu nhân hãy ở lại nhưng bà không nghe. Đến lúc này, Triệu Vân đành để Tôn phu nhân ra đi, nhưng với điều kiện là phải để lại Lưu Thiện. Nếu không có sự nhanh trí và phát hiện kịp thời của Triệu Vân, chắc chắn Lưu Thiện sẽ bị bắt làm con tin ở Đông Ngô.
Sau 2 chiến tích này, Triệu Vân còn phò tá và giúp Lưu Bị trong nhiều trận đánh lớn nhỏ để góp phần xây dựng nhà Thục Hán. Sau khi Lưu Bị mất năm 223, Triệu Vân lại tiếp tục phục vụ Lưu Thiện. Ông được phong làm Trung hộ quân, Chinh nam tướng quân, Vĩnh Xương đình hầu và sau đó thăng lên Trấn đông tướng quân. Triệu Vân cũng tham gia chiến dịch Bắc phạt do thừa tướng Gia Cát Lượng khởi xướng.
Đến năm 229, Triệu Vân bị bệnh và mất ở Hán Trung. Sự ra đi của ông khiến quân sĩ Thục Hán vô cùng nuối tiếc. Đến năm 260, Lưu Thiện tiến hành truy phong cho các tướng quá cố. Bốn người trong "Ngũ hổ tướng" của nước Thục là Quan Vũ, Trương Phi, Mã Siêu và Hoàng Trung đều được truy tặng tước hầu. Nhưng chỉ có duy nhất Triệu Vân không có trong danh sách phong hầu.
Về việc này, đại tướng quân Khương Duy và một số tướng lĩnh khác tỏ ra bất bình và đề nghị Hậu chủ Lưu Thiện phải truy phong cho Triệu Vân. Do đó, đến năm 261, Lưu Thiện mới truy phong cho danh tướng này làm "Thuận Bình hầu".
Vậy, câu hỏi đặt ra rằng, Triệu Vân từng hai lần cứu sống Lưu Thiện, vì sao sau hơn 30 năm qua đời, ông lại là người được phong hầu muộn nhất?
Hóa ra việc này xuất phát từ 4 nguyên nhân sau đây:
Nguyên nhân Triệu Vân không được phong hầu sớm dù lập nhiều chiến công
Thứ nhất, sự khác biệt giữa Triệu Vân trong chính sử và diễn nghĩa.
Trong tác phẩm Tam Quốc diễn nghĩa, Triệu Vân được xếp vào hàng "Ngũ hổ tướng", cùng với các võ tướng nổi tiếng hàng đầu như Quan Vũ, Trương Phi, Hoàng Trung và Mã Siêu. Tuy nhiên, tình tiết này không có thật. Bởi trong chính sử, địa vị và cống hiến của Triệu Vân cũng không lớn như trong Tam Quốc diễn nghĩa mô tả, càng không có chức danh Ngũ hổ tướng vào thời điểm đó.
Theo ghi chép trong chính sử, Quan Vũ, Mã Siêu, Trương Phi, Hoàng Trung được Lưu Bị phong chức ngang nhau, lần lượt là Tiền, Tả, Hữu, Hậu tướng quân, còn Triệu Vân là Dực tướng quân. Đây là chức nhỏ hơn so với 4 người kia.
Sở dĩ chức vị "Ngũ hổ tướng" được hư cấu trong Tam Quốc diễn nghĩa là do xuất phát từ Tam Quốc chí của sử gia Trần Thọ. Theo đó, dựa theo những cống hiến của các tướng lĩnh với Thục Hán nên sử gia Trần Thọ đã đặt 5 vị tướng này ngang hàng và xếp vào cùng một quyển gọi là "Quan Trương Mã Hoàng Triệu truyện".
Thứ hai, xung đột gay gắt giữa các thế lực trong nhà Thục Hán.
Sau khi nhà Thục Hán thành lập, mẫu thuẫn nội bộ giữa các thế lực càng trở nên gay gắt, bao gồm nhóm theo Lưu Bị tiến vào Ích Châu, phe cánh quyền lực ban đầu từng theo Lưu Chương và phe phái ở Ba Thục. Ba phe phi này tranh giành quyền lực, cạnh tranh khốc liệt, đặc biệt là sau khi Lưu Bị qua đời. Một trong những mục đích khiến Gia Cát Lượng quyết tâm tiến hành Bắc phạt chính là nhằm giải quyết mâu thuẫn nội bộ giữa các phe cánh ở Thục Hán.
Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân, Hoàng Trung và Mã Siêu đều là những người đi theo Lưu Bị tiến vào Ích Châu. Cả 5 vị tướng này đã có những thành tích to lớn, hy sinh nhiều trong hành trình xây dựng Thục Hán. Tuy nhiên, nếu Lưu Bị hay sau này là Hậu chủ Lưu Thiện gấp rút công nhận, phong hầu cho Quan Vũ, Trương Phi hay Triệu Vân... sẽ gây ra xung đột giữa các thế lực khác trong và điều này dẫn đến bất ổn trong nội bộ triều đình Thục Hán.
Việc hoãn phong hầu cho các tướng lĩnh hàng đầu như Triệu Vân cũng là một cách vì cục diện chung của Thục Hán.
Thứ ba, Triệu Vân "thờ ơ" với danh lợi.
So với Quan Vũ và Trương Phi, Triệu Vân không có nhược điểm về tính cách, lâm trận vô cùng bình tĩnh. Theo ghi chép trong sử sách, Triệu Vân là võ tướng không màng tới danh lợi, không quan tâm tới lợi ích cá nhân. Dưới màn trướng, ông là vị tướng sẵn sàng chia sẻ công lao với cấp dưới. Câu chuyện dưới đây là một minh chứng.
Năm 228, Thừa tướng Gia Cát Lượng tiến hành Bắc phạt. Triệu Vân (lúc này tuổi đã cao) khi đó được cử đi cùng với Đặng Chi mang theo ít quân đến Tà Cốc. Trong lúc Nhai Đình bị thất thủ khiến Gia Cát Lượng phải lui quân về Hán Trung, Triệu Vân và Đặng Chi cũng còn rất ít quân.
Nhận thấy lực lượng của mình quá ít, không thể đọ lại đại quân Ngụy, nên Triệu Vân đã dùng kế nghi binh cố thủ. Quả nhiên, khi quân của Tào Chân kéo đến tấn công, quân Thục thành công lui về. Nhờ có Triệu Vân đi chặn hậu nên quân Thục rút lui có kỷ luật và không bị tổn hại nhiều.
Gia Cát Lượng thấy Triệu Vân không để tổn thất quân sĩ nên đã cho phép ông lấy vải vóc để thưởng cho quân. Tuy nhiên, Triệu Vân đã từ chối vì ông cho rằng đội quân của mình phải rút về nên không đáng nhận thưởng.
Thứ tư, cả Quan Vũ, Trương Phi và Triệu Vân đều được phong hầu sau khi qua đời.
Trên thực tế, không riêng Triệu Vân, ngay cả Quan Vũ, Trương Phi, hai võ tướng từng lập rất nhiều chiến công cho Thục Hán, cũng không được phong tước Hầu khi còn sống.
Sau khi hai người qua đời nhiều năm, đến năm 260, tình hình Thục Hán tương đối ổn định, Lưu Thiện khi đó hoàn toàn kiểm soát triều đình và cân bằng được mâu thuẫn giữa các phe phái, thì ông mới ra lệnh truy tặng tước hầu cho các tướng lĩnh quá cố. Những người được truy phong lần lượt là Quan Vũ, Trương Phi, Mã Siêu, Hoàng Trung. Sang đến năm 261, Triệu Vân cũng được truy phong làm Thuận Bình hầu.