Trình 6 cơ chế, chính sách mới cho TP.Thủ Đức

Các cơ chế, chính sách hướng tới mục tiêu đưa TP.Thủ Đức phát triển đúng định hướng là 'cực tăng trưởng mới' của TPHCM, là 'hạt nhân' liên kết, thúc đẩy kinh tế TP và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Phân quyền mạnh hơn

Trong hồ sơ xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM được Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) gửi Bộ Tư pháp thẩm định, cơ quan soạn thảo đã đề xuất nhiều chính sách liên quan đến tổ chức bộ máy TP.Thủ Đức.

Mục tiêu của các chính sách này, theo Bộ KH-ĐT, là để tạo điều kiện cho TP.Thủ Đức chủ động giải quyết các thủ tục hành chính, các nội dung công việc thuộc thẩm quyền của HĐND, UBND và Chủ tịch UBND TPHCM.

Các chính sách cũng hướng tới mục tiêu đưa TP.Thủ Đức phát triển đúng định hướng là "cực tăng trưởng mới" của TPHCM, là "hạt nhân" liên kết, thúc đẩy kinh tế TP và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Với mục tiêu trên, cơ quan soạn thảo đã đề xuất 6 cơ chế chính sách cho TP.Thủ Đức, trong đó có việc giao một số chức năng nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của HĐND, UBND, Chủ tịch UBND TPHCM cho HĐND, UBND, Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức; phân công một số nhiệm vụ theo quy định pháp luật thuộc chức năng của các sở, ngành chuyên môn cho UBND TP.Thủ Đức.

Cơ quan soạn thảo nhận định, nếu được áp dụng, cơ chế chính sách này sẽ tác động kinh tế mạnh mẽ, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, chủ động giải quyết được các vấn đề thuộc thẩm quyền của TPHCM.

Dự kiến, sau khi đươc giao thẩm quyền trong các lĩnh vực quản lý đầu tư, tài chính ngân sách, quản lý kinh tế, quản lý đô thị..., hoạt động đầu tư, kinh doanh, TP.Thủ Đức sẽ thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư, giúp thu ngân sách nhà nước tăng cao, đồng thời đóng góp vào tăng trưởng chung của TPHCM.

TP.Thủ Đức được đề xuất nhiều cơ chế chính sách mới

TP.Thủ Đức được đề xuất nhiều cơ chế chính sách mới

Đề xuất tiếp theo là cho phép thành lập, quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy của Thanh tra xây dựng, Trung tâm Phát triển quỹ đất và Văn phòng đăng ký đất đai trực thuộc UBND TP.Thủ Đức. Chính sách này nhằm thống nhất trong quản lý, điều hành, đáp ứng khối lượng công việc của TP trong TP trực thuộc Trung ương đầu tiên của cả nước, đáp ứng mục tiêu thành lập TP.Thủ Đức theo Nghị quyết số 1111/UBTVQH14.

Các đơn vị sau khi được TPHCM thành lập sẽ do TP.Thủ Đức quản lý toàn diện về tổ chức bộ máy, nhân sự lãnh đạo, số lượng biên chế, bảo đảm cơ sở vật chất... để thực hiện nhiệm vụ. Việc phối hợp công tác, liên thông dữ liệu của toàn hệ thống vẫn thực hiện theo quy định hiện hành.

Thành lập Ban đô thị thuộc Hội đồng nhân dân TP.Thủ Đức, điều chỉnh số lượng Phó Chủ tịch và đại biểu chuyên trách HĐND TP.Thủ Đức, điều chỉnh số lượng Phó Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức là đề xuất thứ ba được đưa ra.

Với khối lượng công việc rất lớn như hiện nay, Bộ KH-ĐT lập luận, việc tăng thêm 1 biên chế Phó Chủ tịch HĐND và việc thành lập Ban Đô thị HĐND TP.Thủ Đức sẽ phát huy vai trò giám sát của cơ quan quyền lực Nhà nước tại địa phương. Việc thành lập thêm đơn vị này là cần thiết để thực hiện công tác giám sát về lĩnh vực đô thị, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, chất vấn, phản biện chuyên sâu về các vấn đề khó khăn, bức xúc của cử tri, kịp thời báo cáo HĐND TP.Thủ Đức để xử lý, qua đó nâng cao vai trò, vị thế của cơ quan dân cử TP.Thủ Đức.

Bên cạnh đó, việc tăng thêm 1 biên chế Phó Chủ tịch UBND sẽ giúp công tác chỉ đạo, điều hành kịp thời hơn.

Đề xuất thứ tư, UBND, Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức được ủy quyền cho Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn, UBND các phường. Việc phân cấp, ủy quyền sẽ giúp nâng cao trách nhiệm quyền hạn của các phòng ban chuyên môn, UBND phường cũng như nâng cao tính chủ động của các cấp này trong thực hiện nhiệm vụ. Bộ máy quản lý hành chính của TP.Thủ Đức theo đó cũng vận hành tốt hơn trong phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Tăng phụ cấp các chức danh lãnh đạo

Vẫn trong các cơ chế chính sách mới cho TP.Thủ Đức, cơ quan soạn thảo đề xuất điều chỉnh theo hướng nâng cao chế độ công tác, phụ cấp chức vụ đối với các chức danh lãnh đạo HĐND, UBND, các Ban thuộc Hội đồng nhân dân, các cơ quan chuyên môn, các cơ quan hành chính khác thuộc UBND TP.Thủ Đức, phù hợp với quy mô, khối lượng công việc và yêu cầu về năng lực công tác.

Đề xuất này có cơ sở từ thực tiễn địa phương, đồng thời nhằm khuyến khích, động viên cán bộ, công chức trong thực hiện công vụ, đáp ứng khối lượng công việc của TP trong TP trực thuộc Trung ương đầu tiên.

Đề xuất nữa là HĐND TP.Thủ Đức được quyết định tổ chức bộ máy, vị trí việc làm, số lượng và chức năng, nhiệm vụ các phòng ban chuyên môn trực thuộc TP; cơ cấu số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách tại các phường.

Phản ánh bất cập hiện nay, Bộ KH-ĐT cho biết, sau khi sáp nhập từ 3 quận, khối lượng công việc của chính quyền TP.Thủ Đức tăng gấp 3 so với các quận, huyện khác. Thế nhưng, chủ trương tinh giản biên chế đã khiến cho địa phương bị quá tải, gây ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý Nhà nước, làm giảm hiệu quả hoạt động của bộ máy.

Tương tự, đội ngũ cán bộ, công chức cấp phường trên địa bàn TP.Thủ Đức cũng gặp khó khăn khi số lượng dân cư ngày càng tăng. "Hiện TP.Thủ Đức có 2 phường có dân số trên 100.000 dân và nhiều phường có dân số trên 80.000 dân" - Bộ KH-ĐT nêu và cho rằng thực tế này đang đặt ra nhiều thách thức cho TP.Thủ Đức trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh...

Liên quan đến nội dung này, mới đây Bộ Nội vụ đã đề xuất bổ sung một số điều của Nghị định số 33/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Nghị quyết 131/2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM. Theo đó, cơ quan này đề xuất số lượng biên chế công chức làm việc tại UBND phường ở TPHCM được xác định theo quy mô dân số của phường. Cụ thể, số lượng biên chế công chức làm việc tại UBND phường ở TPHCM được xác định theo hướng: Phường thuộc quận có từ 15.000 dân trở xuống được tính 15 biên chế công chức; có trên 15.000 dân, cứ thêm 5.000 dân được tăng thêm 1 biên chế công chức; Phường thuộc thành phố có từ 7.000 dân trở xuống được tính 15 biên chế công chức; có trên 7.000 dân, cứ thêm 3.500 dân được tăng thêm 1 biên chế công chức.

Số lượng người hoạt động không chuyên trách ở phường, theo đề xuất của Bộ Nội vụ, được xác định theo phân loại đơn vị hành chính của phường và dân số tăng thêm so với tiêu chuẩn về quy mô dân số của phường.

Theo đó, số lượng người hoạt động không chuyên trách ở phường tính theo phân loại đơn vị hành chính của phường, gồm loại 1 có không quá 14 người, loại 2 có không quá 12 người, loại 3 có không quá 10 người.

Tính theo dân số tăng thêm thì phường thuộc quận có trên 15.000 dân, cứ thêm 5.000 dân được tăng 1 người hoạt động không chuyên trách. Phường thuộc thành phố có trên 7.000 dân, cứ thêm 3.500 dân được tăng 1 người hoạt động không chuyên trách.

Dự thảo Nghị định cũng đề xuất người hoạt động không chuyên trách ở tổ dân phố không quá 3 người được hưởng phụ cấp hằng tháng từ ngân sách.

Hải Triều

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/trinh-6-co-che-chinh-sach-moi-cho-tpthu-duc_144708.html