Các cộng đồng kéo co của Việt Nam có sự tham gia của gần 500 nghệ nhân và người thực hành nghi lễ và trò chơi kéo co gồm: Kéo co ngồi ở đền Trấn Vũ (quận Long Biên, Hà Nội); kéo mỏ ở thôn Xuân Lai (huyện Sóc Sơn, Hà Nội); kéo mỏ ở thôn Ngải Khê (huyện Phú Xuyên, Hà Nội); kéo co ở thôn Hữu Chấp (thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh); kéo song ở thị trấn Hương Canh (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc); kéo co ở thôn Hòa Loan (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc); kéo co của cộng đồng người Tày (huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) và kéo co của thành phố Dangjin (tỉnh Chungcheongnam, Hàn Quốc).
Trước khi đến với phần trình diễn kéo co, các cộng đồng kéo co tham gia tiến hành làm lễ dâng hương tại đền Trấn Vũ (Thạch Bàn, Long Biên).
Các đội trưởng tiến hành nghi lễ nâng bó song mây dùng để kéo co với mục đích nâng cao khí thế và tinh thần của người tham gia.
Nghi lễ diễn ra từ ngày 17 đến 18/11/2023 với sự tham gia của gần 500 nghệ nhân và người thực hành Nghi lễ và trò chơi Kéo co đến từ các tỉnh Bắc Ninh, Lào Cai, Vĩnh Phúc, thành phố Hà Nội và thành phố Dangjin (tỉnh Chungcheongnam, Hàn Quốc).
Cộng đồng kéo co ngồi ở đền Trấn Vũ chuẩn bị trình diễn. Những người tham gia là các thanh niên, học sinh, sinh viên sống tại địa phương với độ tuổi từ 18-35 tuổi.
Người đánh trống điều khiển trận đấu kéo co ngồi được gọi là ông Tiên thứ chỉ.
Trò chơi kéo co ngồi ở đền Trấn Vũ (Thạch Bàn, Long Biên) đòi hỏi tinh thần đồng đội cao để dành chiến thắng.
Cộng đồng Kéo mỏ ở thôn Xuân Lai (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) chào khán giả trước khi trình diễn.
Trò chơi kéo co của người Tày là một nghi thức dân gian gắn liền với tín ngưỡng cầu cho mưa thuận, gió hòa và cầu cho vụ mùa bội thu.Trong quan niệm của đồng bào Tày, Giáy, kéo co còn được ví là kéo mưa xuống đồng ruộng cày cấy, cho con người, vạn vật sinh sôi...
Cộng đồng Kéo song ở thị trấn Hương Canh (Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc).
Tham gia trò chơi kéo song, người đứng đầu hàng sẽ phải đạp chân vào cột gỗ để làm điểm tựa và giữ thăng bằng.
Đoàn kéo co Hữu Chấp, thành phố Bắc Ninh trình diễn.
Trước khi bước ra sân, người ta dùng rượu để vẩy, vỗ và phun lên trai làng tham gia đội kéo co, hành động này mang ý nghĩa thanh lọc và có thể được liên tưởng như một nghi thức cầu mưa có tính “ma thuật” của người nông dân.
Những tiếng trống, những chiếc cờ bay phấp phới và những tiếng hò reo của khán giả như tiếp thêm sức mạnh cho các đội tham gia.
Các vị khách đến từ Hàn Quốc chuẩn bị dây kéo co bện bằng rơm hình con bạch tuộc. Dây kéo co Hàn Quốc chủ yếu được làm từ rơm/rạ và được gia cố bằng các loại nguyên liệu khác như tre, vỏ cây, hay cả sợi nilon...
Đại diện hai đội kéo co của Việt Nam và Hàn Quốc cùng tham gia thực hành di sản và kéo co, đây là sợi dây tượng trưng cho sự kết nối văn hóa và đoàn kết của 2 nước Việt Nam và Hàn Quốc.
Hội Kéo co Gijisi (thành phố Dangjin, Hàn Quốc) tặng chiếc dây kéo co cho làng Trấn Vũ, kết thúc tốt đẹp buổi giao lưu văn hóa kéo co giữa hai nước Việt Nam-Hàn Quốc.