Trình Quốc hội chủ trương đầu tư dự án cao tốc Quy Nhơn - Pleiku
Sáng 19/5, Chính phủ đã trình Quốc hội chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku. Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh đã thay mặt Chính phủ trình bày tờ trình, nêu rõ sự cần thiết của dự án nhằm thúc đẩy phát triển vùng Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ.

Hiện hệ thống giao thông kết nối giữa tỉnh Gia Lai, Kon Tum với Bình Định chủ yếu thông qua các tuyến quốc lộ, chưa có đường cao tốc. Việc thiếu kết nối tốc độ cao khiến chi phí và thời gian vận chuyển lớn, chưa tạo được sức hút mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư. Trong khi đó, khu vực này có tiềm năng lớn về nông nghiệp, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo và du lịch nhưng chưa được khai thác hiệu quả.
Dự báo đến năm 2030, nhu cầu vận tải trên hành lang Gia Lai – Bình Định sẽ vào khoảng 16.000 - 23.000 xe quy đổi/ngày đêm, trong khi Quốc lộ 19 hiện chỉ đáp ứng khoảng 11.000 – 12.800 xe/ngày đêm. Do đó, việc đầu tư tuyến cao tốc Quy Nhơn – Pleiku là cần thiết để nâng cao năng lực thông hành, bảo đảm an toàn, rút ngắn thời gian vận chuyển, khai thác hiệu quả hệ thống cảng biển Bình Định và tăng cường liên kết vùng.
Tuyến cao tốc có chiều dài khoảng 125 km, điểm đầu tại Quốc lộ 19B (thuộc thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định), điểm cuối tại đường Hồ Chí Minh (khoảng lý trình Km1606+770/đường Hồ Chí Minh) thuộc địa phận thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai; đi qua địa phận tỉnh Bình Định khoảng 40 km và tỉnh Gia Lai khoảng 85 km. Tuyến được quy hoạch quy mô 4 làn xe, có làn dừng khẩn cấp liên tục, nền đường rộng 24,75m.
Tổng diện tích đất dự kiến sử dụng khoảng 942 ha, trong đó có gần 190 ha đất trồng lúa, hơn 257 ha đất lâm nghiệp (bao gồm khoảng 94 ha rừng phòng hộ đầu nguồn) và gần 495 ha các loại đất khác. Số hộ dân bị ảnh hưởng sơ bộ là khoảng 491 hộ. Kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tính toán sơ bộ gần 4.900 tỷ đồng.
Tổng vốn đầu tư dự kiến của dự án là 43.734 tỷ đồng. Kế hoạch bố trí vốn cụ thể như sau: năm 2025 là 300 tỷ đồng, năm 2026 là 8.527 tỷ đồng, năm 2027 và 2028 mỗi năm là 15.272 tỷ đồng, và năm 2029 là 4.363 tỷ đồng.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi khẳng định hồ sơ dự án cơ bản đáp ứng yêu cầu quy định, việc trình Quốc hội xem xét chủ trương đầu tư là phù hợp pháp luật. Ủy ban thống nhất sự cần thiết của dự án, đánh giá đây là công trình phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, cũng như các quy hoạch vùng và tỉnh đã được phê duyệt.
Dự kiến Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku vào ngày 27/6/2025.