Trình Quốc hội chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam
Sáng 13-11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ tám, Quốc hội nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Theo tờ trình, tuyến đường sắt tốc độ cao bắt đầu tại ga Ngọc Hồi (TP Hà Nội) và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (Thành phố Hồ Chí Minh), đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố; chiều dài tuyến khoảng 1.541km. Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án khoảng 67,34 tỷ USD.
Về tiến độ thực hiện, dự án dự kiến khởi công năm 2027; phấn đấu cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2035.
Theo phương án thiết kế sơ bộ, dự án có 23 ga hành khách, dự kiến mỗi vị trí ga quy hoạch không gian phát triển từ 200-500ha; 5 ga hàng, quy mô mỗi ga hàng hóa khoảng 24,5ha. Trong quá trình khai thác, khi địa phương hình thành và phát triển các đô thị có quy mô dân số và có nhu cầu vận tải đủ lớn, khoảng cách giữa các ga bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, Chính phủ sẽ giao cho địa phương chủ trì kêu gọi nhà đầu tư thực hiện.
Trên tuyến sử dụng 3 loại kết cấu chính (kết cấu cầu khoảng 60%, hầm khoảng 10% và nền đất khoảng 30% chiều dài tuyến); xây dựng 5 depot tàu khách và 4 depot phục vụ bảo dưỡng, sửa chữa tàu hàng; hệ thống thông tin, tín hiệu, điện và thẻ vé bảo đảm đồng bộ, hiện đại.
Theo đánh giá, tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam là công trình có tính biểu tượng, ý nghĩa chiến lược, đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế. Việc đầu tư dự án sẽ mang lại những lợi ích lớn cho nền kinh tế: Tạo tiền đề, động lực phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; đáp ứng nhu cầu vận tải, tái cơ cấu vận tải theo hướng phát huy tối đa lợi thế của từng phương thức; mở ra không gian phát triển kinh tế mới, nguồn lực mới thông qua khai thác hiệu quả quỹ đất; phát triển công nghiệp xây dựng, công nghiệp vật liệu xây dựng; phát triển du lịch, dịch vụ, đô thị; giảm ô nhiễm môi trường; giảm tai nạn giao thông; tạo ra hàng triệu việc làm; trong thời gian xây dựng, ước tính góp phần tăng GDP bình quân của cả nước khoảng 0,97 điểm phần trăm/năm.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, về phạm vi, quy mô đầu tư và phương án thiết kế sơ bộ, dự án cơ bản phù hợp với Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, do đó, Ủy ban Kinh tế cơ bản thống nhất với đề xuất của Chính phủ. Đề nghị trong bước nghiên cứu khả thi, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát kỹ lưỡng, lựa chọn phương án tối ưu kết nối tuyến đường sắt tốc độ cao với mạng lưới đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, hệ thống giao thông khác và với mạng lưới đường sắt trong khu vực và quốc tế. Bên cạnh đó, về nguồn vốn dành cho dự án, cần nghiên cứu, xem xét thận trọng, cụ thể về khả năng đáp ứng của nguồn lực ngân sách nhà nước và an toàn nợ công.