Trình Quốc hội dự án đường cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, sáng 22-5, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).
Thẩm tra dự án, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, dự án đáp ứng các tiêu chí thuộc thẩm quyền của Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư theo quy định tại Điều 12 của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, hồ sơ dự án cơ bản đáp ứng yêu cầu tại Điều 16 của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhất trí sự cần thiết đầu tư dự án với những lý do đã nêu tại Tờ trình số 112, nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và các nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Việc đầu tư dự án sẽ từng bước hoàn thành mạng lưới cao tốc theo quy hoạch, mở ra không gian phát triển mới cho các địa phương và tăng cường liên kết vùng nói chung và liên kết nội vùng nói riêng, tạo động lực, sức lan tỏa, thuận lợi kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành và cảng Cái Mép - Thị Vải, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, giúp tăng cường việc bảo đảm quốc phòng - an ninh.
Phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội
Dự án được lập phù hợp với Chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, phù hợp với các quy hoạch có liên quan và kế hoạch thực hiện Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Dự án có tổng chiều dài tuyến khoảng 128,8km. Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cơ bản nhất trí với quy mô đầu tư của dự án. Tuy nhiên một số ý kiến đề nghị cân nhắc mở rộng đầu tư đoạn kết nối 2km của dự án theo quy mô 4 làn xe tiêu chuẩn TCVN 5729:2012, để bảo đảm kết nối đồng bộ nhằm phát huy hiệu quả đầu tư đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Chơn Thành đang triển khai đầu tư.
Chính phủ kiến nghị đầu tư dự án theo phương thức đối tác công tư. Tuy nhiên, thực tế triển khai các dự án thời gian qua cho thấy việc thu hút các nhà đầu tư, tổ chức tín dụng tham gia đầu tư các dự án gặp nhiều khó khăn. Do đó, đề nghị bổ sung các cơ sở để bảo đảm tính khả thi cho dự án, tránh trường hợp phải chuyển đổi sang hình thức đầu tư công.
Cần chính sách đền bù thỏa đáng
Thực tế triển khai các dự án thời gian qua cho thấy tiến độ thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phụ thuộc vào sự chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền địa phương. Vì vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ có các giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đồng bộ để nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan thực hiện và có chế tài gắn trách nhiệm đối với các cấp chính quyền địa phương bảo đảm tiến độ hoàn thành dự án. Bên cạnh đó, số hộ dân bị ảnh hưởng lớn, vì vậy đề nghị cần quan tâm, ban hành chính sách hợp lý và đền bù thỏa đáng đối với người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dự án, đặc biệt đối với khu vực giáp ranh giữa 2 địa phương. Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị phân tích rõ hơn các chi phí thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đặc biệt chi phí liên quan đến việc chuyển mục đích sử dụng rừng và đất lúa của dự án.
Hiện nay, UBND 2 tỉnh Đắk Nông, Bình Phước đang hoàn chỉnh kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) để trình HĐND tỉnh phê duyệt, trong đó đã cập nhật nhu cầu sử dụng đất để thực hiện dự án cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) vào bản đồ kế hoạch sử dụng đất và có tên trong danh mục các công trình, dự án được thực hiện trong kỳ kế hoạch. Đồng thời, UBND cấp huyện đang hoàn chỉnh kế hoạch sử dụng đất năm 2024, trong đó có nhu cầu sử dụng đất để thực hiện dự án qua từng địa phương trình UBND 2 tỉnh Đắk Nông, Bình Phước xem xét phê duyệt khi kế hoạch sử dụng đất 5 năm được HĐND tỉnh thông qua.
Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thắng
Cần có giải pháp cụ thể về nguồn vốn
Đối với vốn ngân sách trung ương khoảng 10.536,5 tỷ đồng, có ý kiến cho rằng việc bố trí 1.500 tỷ đồng từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 là không khả thi. Theo quy định của Luật Đầu tư công năm 2019, số vốn Kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 chỉ được thực hiện đến ngày 31-1-2026. Dự án dự kiến đến hết năm 2026 mới hoàn thành, đề nghị Chính phủ giải trình làm rõ việc bố trí nguồn vốn để thực hiện dự án trong năm 2026.
Đối với vốn ngân sách địa phươngkhoảng 2.233,5 tỷ đồng, để bảo đảm tiến độ, chất lượng cho dự án, đề nghị các địa phương cam kết chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội về việc bố trí nguồn ngân sách địa phương cho dự án thực hiện bảo đảm tiến độ. Có ý kiến cho rằng, hai địa phương này hiện chưa tự cân đối được ngân sách, hằng năm vẫn nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương, do vậy việc cam kết bố trí vốn ngân sách địa phương như dự kiến sẽ rất khó khăn, đề nghị phải có giải pháp cụ thể hơn.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh
Đối với vốn do nhà đầu tư thu xếp khoảng 12.770 tỷ đồng, chiếm 50% sơ bộ tổng mức đầu tư dự án, chiếm 65% sơ bộ tổng mức đầu tư dự án thành phần 1 theo phương thức đối tác công tư, để bảo đảm tính khả thi cho dự án, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ thống nhất chặt chẽ với nhà đầu tư quan tâm trong việc thu xếp vốn cho dự án, tránh phải điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án từ đầu tư theo phương thức đối tác công tư sang đầu tư công.
Về kiến nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian giải ngân đến hết năm 2026 đối với số vốn bố trí từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách trung ương năm 2022 để thực hiện dự án:Theo quy định Luật Đầu tư công năm 2019, thời gian thực hiện và giải ngân vốn Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn trước đến hết ngày 31-1 năm đầu tiên của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau. Do đó, có ý kiến đề nghị thực hiện theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công tương tự như các dự án quan trọng quốc gia đã và đang triển khai thực hiện.
Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế đặc thù
Về kiến nghị các cơ chế chỉ định thầu:Để đẩy nhanh tiến độ dự án thì việc kiến nghị cho phép áp dụng các cơ chế chỉ định thầu là phù hợp, thực tế thời gian qua Quốc hội đã cho phép áp dụng cơ chế này đối với một số dự án. Tuy nhiên, đề nghị cần có các giải pháp trong quá trình tổ chức thực hiện bảo đảm công khai, minh bạch, không để trục lợi chính sách, thất thoát, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm.
Về kiến nghị khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường để thực hiện dự án:Ủy ban Kinh tế nhận thấy cơ chế, chính sách này đã được Quốc hội cho phép áp dụng tại Nghị quyết số 106/2023/QH15, ngày 28-11-2023 về thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ, trong bối cảnh nhiều dự án đường bộ cao tốc đang triển khai gặp khó khăn, thiếu nguồn vật liệu đắp nền đường thì đề xuất nêu trên là hợp lý.