Trịnh Sảng thành tội đồ của LGBT Trung Quốc
Bê bối đẻ thuê của nữ diễn viên khiến các cặp LGBT Trung Quốc gặp nhiều trở ngại khi hiện thực hóa ước mơ có con nhờ mang thai hộ.
"Có một đứa con nhờ mang thai hộ là ước mơ của nhiều cặp LGBT, nhất là người đồng tính nam", Hanson Qin (31 tuổi) nói với VICE.
Anh hiện sống tại Bắc Kinh (Trung Quốc) cùng người chồng họ Wu (44 tuổi) và một đứa con nhỏ.
3 năm trước, hai người quyết định tìm đến phương pháp mang thai hộ nhằm có em bé, hoàn thiện ước mơ xây dựng gia đình nhỏ của riêng mình.
Nhưng đầu tháng 1 vừa qua, gia đình Qin vô cùng bàng hoàng khi chứng kiến làn sóng tẩy chay nữ diễn viên Trịnh Sảng vì bê bối nhờ đẻ thuê và từ chối nhận con.
Chia sẻ với VICE, Qin cho biết quan niệm của dư luận xứ tỷ dân với chuyện mang thai hộ càng thêm tiêu cực sau bê bối trên.
Từ mạng xã hội tới các phương tiện truyền thông đại chúng, tất cả đều kịch liệt lên án việc thuê người sinh con, cho rằng đây là hành vi "bất hợp pháp, phi đạo đức".
Điều này khiến nhiều cặp tình nhân LGBT cảm thấy hoang mang, lo lắng rằng ước mơ có con cùng người yêu sẽ khó trở thành hiện thực.
Ước mơ bị lãng quên
Năm 2001, chính phủ Trung Quốc chính thức ban hành lệnh cấm hành vi mang thai hộ. Nhưng thực tế, hoạt động này vẫn tiếp tục diễn ra một cách âm thầm suốt 2 thập kỷ qua.
Các cặp vợ chồng xứ tỷ dân có thể tìm đến dịch vụ đẻ mướn qua thị trường "chợ đen" nội địa, hoặc liên hệ các bệnh viện ở nước ngoài nếu có điều kiện tài chính dư dả.
Tuy nhiên, bê bối đẻ thuê của Trịnh Sảng khiến công chúng Trung Quốc không thể làm ngơ tình trạng này nữa. Đa số ý kiến chỉ trích cho rằng việc mang thai hộ gây rối loạn trật tự xã hội, coi thường sinh mạng và hạ thấp quyền phụ nữ.
"Hành động vũ nhục nữ giới, mua bán mạng sống con người như vậy là vô nhân đạo", một dân mạng bình luận trên Weibo.
Daniel Hsu (31 tuổi), một người đồng tính nam sống ở Bắc Kinh, cho biết anh hiểu lý do công chúng phẫn nộ trước vụ việc trên.
"Thực tế, phụ nữ phải chịu nhiều định kiến trong xã hội. Song, người dân có thể đang bỏ mặc một nhóm thiểu số khác - cộng đồng LGBT", Hsu chia sẻ.
Định kiến xã hội
Phó giáo sư Lucetta Kam, chuyên gia nghiên cứu về xã hội Trung Quốc, nhận định cộng đồng LGBT ở xứ tỷ dân "vẫn vô hình với số đông".
Cô khẳng định các cá nhân, cặp tình nhân LGBT cũng có nhu cầu sinh con, xây dựng mái ấm tương tự người dị tính tại nước này.
"Người Trung rất coi trọng việc có con nối dõi. Họ xem đó như mục tiêu trong cuộc sống", Hsu lý giải.
Dù vậy, việc mang thai hộ vẫn chịu nhiều định kiến do phạm phải quan niệm đạo đức truyền thống ở xứ tỷ dân. Theo đó, nếu người phụ nữ sinh ra đứa trẻ không phải là mẹ hợp pháp, họ sẽ cảm thấy xấu hổ, nhục nhã.
Định kiến xã hội, kết hợp với vụ bê bối của nữ diễn viên Trịnh Sảng khiến việc mang thai hộ ngày càng tiêu cực với chính phủ và công chúng Trung Quốc, bỏ mặc những lợi ích và tính cấp thiết nó đem lại.
"Đẻ mướn và LGBT là hai chủ đề khác nhau, song cùng chịu chỉ trích vì không phải những yếu tố được nền văn hóa Trung Quốc khuyến khích", Alexi Hu, nhà nghiên cứu Xã hội học tại ĐH Victoria (Australia), nói với VICE.
Anthony Shen (24 tuổi), một người đồng tính nam sống ở Bắc Kinh, trả lời VICE rằng vụ việc thuê người sinh con và từ chối chịu trách nhiệm của nữ diễn viên họ Trịnh có thể khiến cái nhìn tích cực về cộng đồng LGBT ở xứ tỷ dân chuyển xấu.
"Sau những gì chúng tôi đã và đang làm để thay đổi định kiến xã hội, sự việc này có thể khiến nhiều người phủ nhận người LGBT vì chọn cách đẻ thuê để có con", anh nói.
Bất chấp tất cả, Shen cho biết anh sẽ tiếp tục tìm hiểu về dịch vụ mang thai hộ nhằm hiện thực hóa ước mơ xây dựng gia đình.
"Tôi nhiều lần cân nhắc đến chuyện tìm người đẻ thuê. Tôi sẽ thực hiện điều đó khi gặp được người đàn ông phù hợp để thiết lập quan hệ lâu dài, bền chặt, cùng nhau nuôi dưỡng con cái", chàng trai 24 tuổi bày tỏ.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/trinh-sang-thanh-toi-do-cua-lgbt-trung-quoc-post1195291.html