Trịnh Tốn và tấm bia mộ ở Hà Sơn

Nhắc đến xã Hà Sơn (Hà Trung) là nhắc đến vùng đất ngã ba Bông, thượng nguồn sông Lèn, nơi một con gà gáy năm huyện cùng nghe. Là vùng đất cổ, có quá trình hình thành và phát triển gắn liền với lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của quê hương.

Bia mộ Hoa Lâm hầu Trịnh Tốn đang được cất giữ ở nhà kho của Ban Chỉ huy Quân sự xã Hà Sơn.

Bia mộ Hoa Lâm hầu Trịnh Tốn đang được cất giữ ở nhà kho của Ban Chỉ huy Quân sự xã Hà Sơn.

Cũng như bao làng quê khác ở xứ Thanh, theo các vị cao niên ở Hà Sơn kể lại: Ở đây từ xưa đến nay, hình ảnh làng gắn liền với “cây đa, bến nước, sân đình”. Trong số 10 làng của xã Hà Sơn thì có tới 6 làng cổ.

Điều rất lạ là ở Hà Sơn, tất cả các nghè, miếu và các đình làng đều thờ chung Thành hoàng làng Sùng Quốc Công (tự là Phúc Nguyên). Ông là người được phân công phụ trách thi công Thành Nhà Hồ. Song, do những phản kháng và sự bất đồng, ông đã bị đưa đi chém đầu khi công trình sắp hoàn thiện. Khi đem ra xử chém, đầu chưa đứt hẳn, ông vẫn cưỡi ngựa chạy qua nhiều làng mạc, chạy đến đâu máu rơi đến đó. Thương ông và tiếc cho một tài năng, Nhân dân ở hầu khắp các làng thuộc xã Hà Sơn đều lập nghè, đình thờ phụng.

Sau này, khi Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa, mười năm nếm mật nằm gai, địa bàn Hà Sơn là một trong những nơi nghĩa quân Lam Sơn tập kết binh lực để tiến ra Bắc đánh đuổi giặc Minh, lập nên triều Hậu Lê - một triều đại tồn tại lâu nhất, phát triển rực rỡ nhất trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam: “Đời vua Thái Tổ, Thái Tông/ Thóc lúa đầy đồng, trâu chẳng thèm ăn”.

Cũng trong giai đoạn này, ở không xa Hà Sơn là xã Sáo Sơn, huyện Vĩnh Ninh (nay là Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Lộc) đã sinh ra Trịnh Khả với dung mạo khôi ngô, mày rồng, trán hổ, tai dày dính thịt, mắt nhỏ ẩn thần. Cũng chính ông là người mới chỉ nghe tin Lê Lợi đang náu mình ở Lam Sơn ngầm nuôi binh mã, liền vác gươm tới xin theo và là 1 trong 18 vị tướng lĩnh tham gia Hội thề Lũng Nhai do Lê Lợi tổ chức.

Theo “Trịnh tộc gia phả”, Trịnh Khả có 2 người vợ là Liệt Quốc phu nhân Lê Thị Ngọc Kỉ và Chính Tín phu nhân Bùi Thị Diệp (có văn bản ghi là Điệp) đã sinh ra cho ông 22 người con, gồm 13 con trai và 9 con gái. Trong các con trai thì có đến 10 người có chức vị cao trong xã hội.

Người con trai thứ 9 của Trịnh Khả là Trịnh Tốn trong tư liệu để lại khá ít ỏi. Vì thế, việc tìm thấy tấm bia mộ của ông ở xã Hà Sơn đã mở thêm hành trình tìm hiểu về thân thế sự nghiệp của con cháu Trịnh Khả.

Từ bài viết “Tìm hiểu về Hoa Lâm hầu Trịnh Tốn qua tấm bia mộ mới phát hiện tại Thanh Hóa” của TS Nguyễn Kim Măng, chúng tôi đã tìm về thôn Giang Sơn 10, xã Hà Sơn. Tiếp chúng tôi, ông Nguyễn Văn Ngọ, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Tháng 3/2020, trong khi cải tạo vườn, gia đình ông Cao Văn Sáu đã phát hiện có tấm bia hộp. Sau khi cùng chính quyền xã và các cơ quan ban, ngành khảo sát, dịch nghĩa, thì được biết đây là bia mộ về Hoa Lâm hầu Trịnh Tốn (con trai của Trịnh Khả), mang niên hiệu Cảnh Thống thứ 5 (1502).

Nói về nhân vật Trịnh Tốn, sách “Đại Việt sử ký toàn thư” (Nxb Văn học, Hà Nội, 2009, tr.740) chỉ ghi vài dòng ngắn về sự kiện năm Kỷ Mùi, niên hiệu Cảnh Thống thứ 2 (1499): “Ngày mồng 9, thi Điện, đầu bài văn sách hỏi về nhân tài và vương chính. Sai Bắc quân đô đốc phủ tả đô đốc Hoa Lâm hầu Trịnh Tốn và Lại bộ Thượng thư Trần Cận làm đề điệu".

Giới thiệu với chúng tôi về văn bia do TS Nguyễn Kim Măng dịch; hiệu duyệt GS.TS Đinh Khắc Thuân, ông Nguyễn Văn Ngọ, cho biết thêm: Văn bia thể hiện khá rõ lai lịch xuất thân của Trịnh Tốn. Đặc biệt có ghi rõ việc Trịnh Tốn thuở nhỏ rất ham học, đến khi trưởng thành được nhờ ơn trạch (của cha ông để lại) mà trở thành bậc đại phu. Ngoài ra, trên văn bia cũng ghi rõ Trịnh Tốn “ngày Giáp Tuất, mồng 3 tháng 4 Nhâm Tuất (1502) bỗng báo tin (ông) đã mất”. Như vậy, căn cứ vào năm sinh, năm mất ghi trên bia thì Trịnh Tốn chỉ thọ 59 tuổi (1443-1502).

Cũng trên bài viết của TS Nguyễn Kim Măng đã phân tích rõ hành trạng, sự nghiệp của Trịnh Tốn. Qua tấm bia được soạn bởi tiến sĩ Hoàng Bồi, đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân khoa Quý Mùi, sự nghiệp của Trịnh Tốn được tổng kết qua những dấu mốc thời gian rất quan trọng như: Vào niên hiệu Quang Thuận (1460-1469), đánh dẹp Minh uy Tướng quân, chinh phạt Bồn Man (tên một quốc gia cổ từng tồn tại ở khu vực tỉnh Xiêng Khoảng, nay thuộc nước Cộng hòa Nhân dân Lào) lập công lớn. Niên hiệu Hồng Đức (1470-1497), dẹp Sùng nghĩa tướng quân, chinh phạt Chiêm Thành, bắt sống hải tặc (cướp biển), nên được thăng là Minh dực tướng quân, rồi Tây chinh có nhiều công lao, nên được thăng là Anh liệt tướng quân. Sau đó ít lâu, triều thần luận bàn phong cho chức Thanh Hoa Đô tổng binh sứ, sau lại được điều đi Thái Nguyên và thăng chức Binh bộ thượng thư. Năm 1499, được vinh hạnh thăng là Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân tả đô đốc Hoa Lâm hầu.

17 tuổi đã tham gia quân ngũ, phục vụ dưới hai triều vua Lê Thánh Tông và Lê Hiến Tông, tổng thời gian cống hiến của Trịnh Tốn là trên 40 năm. Khi ông mất, vua Lê Hiến Tông vô cùng đau xót. “Ông là người có tấm lòng trung hiếu, cẩn trọng liêm khiết, khiêm nhường hòa nhã, có tài làm tướng, có nhiều mưu lược. Hoàng đế vô cùng đau xót, liền cho nghỉ thiết triều. Ban cho tiền của điếu viếng, mệnh cho quan của triều đình đến tế. Tặng cho là Đặc tiến phụ quốc Thượng tướng quân tả đô đốc Hoa Lâm hầu trụ quốc thụy Trang Mục, ban cho mai táng lễ theo nghi thức của nhà binh, thuyền bè đủ cả theo đúng nghi thức”.

Tấm bia mới, do gia đình ông Cao Văn Sáu dựng sau khi phát lộ.

Tấm bia mới, do gia đình ông Cao Văn Sáu dựng sau khi phát lộ.

Đã có những ý kiến về việc tại sao mộ của Trịnh Tốn lại tọa lạc trên sườn núi Phượng, mặt hướng ra sông Lèn nhìn xa xa có 2 ngọn núi như hình cái ngai, mà không phải ở quê nhà Vĩnh Lộc? Cũng cần phải nhắc lại rằng, năm 1451, Trịnh Khả đã bị hành quyết cùng con trai cả Trịnh Bá Quát do những tiểu nhân, xu nịnh, đố kỵ gièm pha. Hai năm sau khi ông mất, triều đình đã minh oan và ban cho con cháu ông 100 mẫu ruộng hương hỏa. Sự lo âu về thế sự xoay vần cũng là nguyên nhân mà mộ Trịnh Tốn đã được chôn cách quê nhà chừng 20km?.

Anh Cao Văn Linh, con trai của ông Cao Văn Sáu cho chúng tôi biết: Sau khi phát hiện tấm bia, gia đình đã xây khuôn viên của ngôi mộ và có đặt tấm bia ghi lại thời điểm phát hiện rất cẩn thận. Ngày mùng 3 tháng 5 âm lịch vừa qua, gia đình cùng dòng tộc họ Trịnh Hà Trung đã tổ chức giỗ cụ Trịnh Tốn.

Có thể khẳng định, tấm bia chính là một tư liệu lịch sử quan trọng về một nhân vật quyền lực của một giai đoạn lịch sử dân tộc. Ông Nguyễn Ngọc Khuyên, công chức văn hóa xã hội xã Hà Sơn, cho biết: Hiện tấm bia đang được cất giữ ở nhà kho của Ban chỉ huy quân sự xã.

Về xã Hà Sơn những ngày này, chúng tôi cảm nhận rõ niềm vui của cán bộ và Nhân dân trong xã bởi chỉ ít ngày nữa thôi, xã sẽ đón nhận vinh dự là xã đầu tiên đạt NTM kiểu mẫu của huyện Hà Trung. Chia sẻ niềm vui này, ông Nguyễn Minh Tấn, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Sự chuyển mình về kinh tế là điều có thể nhìn thấy và việc giữ gìn các giá trị văn hóa là những giá trị cốt lõi mà chương trình XDNTM kiểu mẫu mang lại cho người dân. Chúng tôi tự hào về quyết tâm chính trị cao, cách làm sáng tạo, sự đồng thuận từ ý Đảng, lòng dân và càng tự hào hơn về truyền thống vùng đất văn hóa - lịch sử.

Bài viết có sử dụng tư liệu sách Lịch sử Đảng bộ xã Hà Sơn, 1954-2008 (Nxb Văn hóa Thông tin) và bài “Tìm hiểu về Hoa Lâm hầu Trịnh Tốn qua tấm bia mộ mới phát hiện tại Thanh Hóa” của TS Nguyễn Kim Măng (Tạp chí Hán Nôm số 4 năm 2023).

Bài và ảnh: Kiều Huyền

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/trinh-ton-va-tam-bia-mo-o-ha-son-32181.htm