TRÌNH UBTVQH QUYẾT ĐỊNH CHỦ TRƯƠNG CHUYỂN MỤC ĐÍCH SỬ DỤNG RỪNG, ĐẤT RỪNG VÀ ĐẤT TRỒNG LÚA HAI VỤ TRỞ LÊN CỦA DỰ ÁN CAO TỐC BẮC – NAM PHÍA ĐÔNG

Theo dự kiến Chương trình Phiên họp thứ 13 (tháng 7/2022), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa từ hai vụ trở lên của Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 được Quốc hội quyết định đầu tư với chiều dài 729 km, chia thành 12 dự án thành phần

Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 được Quốc hội quyết định đầu tư với chiều dài 729 km, chia thành 12 dự án thành phần

Đề xuất chuyển đổi gần 2.592 ha đất rừng, lúa hai vụ để làm cao tốc Bắc – Nam

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết 44/2022/QH15. Dự án đi qua 12 tỉnh, thành phố, với nhu cầu sử dụng đất sơ bộ được xác định là 5.481ha, trong đó đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên khoảng 1.532ha, đất rừng phòng hộ khoảng 110 ha, đất rừng sản xuất khoảng 1.436ha. Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng đất tổng hợp từ các địa phương và sau khi thẩm định có chênh lệch so với sơ bộ diện tích chiếm dụng được quy định tại Nghị quyết 44/2022/QH15. Cụ thể, diện tích đất lâm nghiệp tăng thêm 317,94 ha; đất trồng lúa từ hai vụ trở lên tăng thêm 5,23 ha so với quy định tại Nghị quyết 44 của Quốc hội.

Để có cơ sở quyết định dự án đầu tư và triển khai các bước tiếp theo, Chính phủ kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa từ hai vụ trở lên của Dự án. Cụ thể, diện tích rừng đề nghị chủ trương chuyển mục đích sử dụng là 1.054,63 ha, bao gồm 111,84 ha rừng phòng hộ, 4,45 ha rừng đặc dụng và 802,91 ha rừng sản xuất.

Diện tích đất lâm nghiệp là 1.863,984 ha, gồm đất rừng phòng hộ 138,10 ha; đất rừng đặc dụng 4,61 ha và đất rừng sản xuất 1.721,23 ha. Diện tích đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên là 1.721.96 ha.

Làm rõ nguyên nhân của việc tăng diện tích

Trước đó, chiều 04/7, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Ủy ban đã họp Phiên toàn thể lần thứ 8, thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên của Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025.

Tại phiên họp, các đại biểu đề nghị, Chính phủ, các Bộ ngành giải trình rõ nguyên nhân của việc tăng diện tích đất trồng lúa nước hai vụ trở lên, đất rừng phòng hộ, rừng sản xuất so với diện tích đã báo cáo và được Quốc hội quyết nghị tại Nghị quyết 44/2022/QH15. Cùng với đó, cần đánh giá thêm về sự phù hợp của hướng tuyến Dự án này được xác định trong bước nghiên cứu khả thi so với các loại quy hoạch sử dụng đất quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, kế hoạch sử dụng đất 5 năm, quy hoạch đất lâm nghiệp quốc gia, quy hoạch cấp tỉnh, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, nhu cầu sử dụng đất thực hiện dự án trong kế hoạch sử dụng đất năm 2022.

Phiên họp thẩm tra của Ủy ban Kinh tế

Phiên họp thẩm tra của Ủy ban Kinh tế

Nhiều ý kiến cũng nhấn mạnh, cần đặc biệt quan tâm đến việc chủ đầu tư và các bên liên quan phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ, trách nhiệm quản lý với diện tích đất lúa hai vụ theo đúng quy định của pháp luật về đất đai nhằm đảm bảo an ninh lương thực; những giải pháp để hạn chế tối đa việc chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước hai vụ trở lên nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, an ninh năng lượng quốc gia, chống biến đổi khí hậu, gắn với phát triển bền vững, giải pháp tạo sinh kế, đảm bảo cuộc sống cho người dân sau khi thu hồi đất.

Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, Nghị quyết 44 của Quốc hội đã giao Chính phủ hoàn chỉnh hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất rừng, đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên của Dự án trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương trước khi quyết định đầu tư dự án. Do vậy, Tờ trình của Chính phủ về nội dung này được xây dựng đúng theo quy định tại Nghị quyết của Quốc hội. Hồ sơ trình của Chính phủ đáp ứng yêu cầu quy định pháp luật về lâm nghiệp; cơ bản phù hợp với các quy hoạch có liên quan.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng cho biết, các đại biểu cơ bản tán thành với nhiều nội dung trong dự thảo Nghị quyết. Tuy nhiên, các đại biểu nhất trí bỏ quy định tại khoản 1, Điều 2 dự thảo Nghị quyết về trường hợp thực hiện dự án có thay đổi về diện tích so với số liệu tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì UBND cấp tỉnh báo cáo HĐND cấp tỉnh quyết định, vì Nghị quyết này không quy định về số liệu diện tích của từng địa phương. Một số ý kiến đề nghị, cần quy định rõ giới hạn, phạm vi thay đổi số liệu này. Do đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế sẽ phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu xác định hướng quy định có tính khả thi nhất để báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Các đại biểu cũng đề nghị bỏ khoản 2, Điều 2 dự thảo Nghị quyết, Chính phủ đề xuất giao UBND cấp tỉnh báo cáo HĐND cấp tỉnh xem xét quyết định việc phát sinh diện tích chiếm dụng rừng để xây dựng khu tái định cư, khai thác mỏ… để thực hiện Dự án do đây là vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, phải thực hiện đầy đủ theo quy trình được các Luật Đầu tư, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Khoáng sản quy định./.

Lê Anh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=66325