Trình UNESCO ghi danh nghề làm tranh dân gian Đông Hồ là Di sản văn hóa phi vật thể thế giới
Thủ tướng vừa có chỉ đạo, giao Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch (VHTT&DL) phối hợp, hướng dẫn UBND tỉnh Bắc Ninh hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO ghi danh nghề làm tranh dân gian Đông Hồ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Chiều ngày 30/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh để đánh giá tình hình, kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời gian qua và đề ra phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới; giải quyết một số kiến nghị của tỉnh.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng và các đại biểu dành nhiều thời gian phân tích về tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của Bắc Ninh.
Theo đánh giá, Bắc Ninh có tiềm năng phát triển du lịch lớn với nền văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc, chiều sâu giá trị văn hóa của ngàn năm lịch sử vun bồi, của những di tích lịch sử, đình đền chùa và các công trình kiến trúc nghệ thuật cổ.
Bắc Ninh là vùng đất địa linh nhân kiệt, vùng Kinh Bắc có 17 trạng nguyên và 622 tiến sĩ; giàu truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm, thời kỳ nào cũng có nhiều danh nhân có đóng góp lớn cho đất nước; tỉnh có kho tàng văn hóa dân gian - nổi tiếng với dân ca quan họ - trung tâm Kinh Bắc xưa (có hơn 300 lễ hội lớn nhỏ, 41 lễ hội được duy trì hàng năm, như hội chùa Dâu, hội Lim, hội Đền Đô, hội đền Bà Chúa Kho,...).
Bắc Ninh cũng có nhiều công trình văn hóa nghệ thuật đặc sắc, dân ca quan họ trữ tình đằm thắm, dòng nghệ thuật tạo hình, tranh dân gian Đông Hồ nổi tiếng... Nhiều làng nghề truyền thống (với 62 làng nghề như làng tranh Đông Hồ, làng gỗ mỹ nghệ Phù Khê, làng gốm Phù Lãng, làng gò đúc đồng Đại Bái,...).
Theo Thủ tướng, nhận diện và khai thác hiệu quả những tiềm năng khác biệt, lợi thế so sánh, cơ hội nổi trội, Bắc Ninh sẽ phát triển nhanh, bền vững, đáp ứng kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân, sớm trở thành một thành phố văn minh, hiện đại.
Cùng với đó, Bắc Ninh cần tận dụng, phát huy tối đa những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh. Thủ tướng gợi ý hai ưu tiên lựa chọn cho Bắc Ninh gồm: Thứ nhất, phát triển dựa chủ yếu vào nguồn lực con người, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tập trung cho những ngành mới nổi như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ… Thứ hai, phát triển trên cơ sở phát huy mạnh mẽ truyền thống văn hóa, lịch sử phong phú, hào hùng.
Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tỉnh tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; triển khai thực hiện hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Kế hoạch 5 năm, Chiến lược 10 năm và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX. Chủ động xây dựng các nghị quyết, đề án, quy hoạch phát triển để triển khai thực hiện Nghị quyết 30-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Thủ tướng cũng đề nghị tỉnh tập trung phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; giải quyết việc làm. Quan tâm công tác bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, nhất là với người nghèo, đặc biệt quan tâm việc xây dựng nhà ở xã hội, Bắc Ninh làm mô hình cho cả nước về vấn đề này.
Phát triển các dịch vụ y tế, giáo dục, phối hợp với các cơ quan thành lập trường đại học xứng tầm với thành phố Bắc Ninh trực thuộc Trung ương trong tương lai.
Đẩy mạnh quảng bá về du lịch lễ hội; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch (lễ hội, làng nghề, ẩm thực…); nâng cao chất lượng nhân lực du lịch; bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể dân ca quan họ; tiếp tục hoàn thiện hồ sơ làng nghề làm tranh dân gian Đông Hồ để UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể thế giới.
Thủ tướng giao Bộ VHTT&DL phối hợp, hướng dẫn UBND tỉnh Bắc Ninh hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận nghề làm tranh dân gian Đông Hồ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.