Trợ cấp đột xuất đối với thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ

Bạn đọc Nay Y Phú ở xã Ea Kuăng, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, trường hợp nào thì thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ được nhận trợ cấp khó khăn đột xuất? Thủ tục giải quyết chế độ này như thế nào?

Trả lời: Căn cứ Thông tư số 13/2024/TT-BQP ngày 18-3-2024 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng sửa đổi, bổ sung một số điều của các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng liên quan đến việc kê khai thông tin cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính và các quy định liên quan, ngày 15-4-2024, Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng ký ban hành Quyết định số 1462/QĐ-BQP công bố thủ tục hành chính được sửa đổi lĩnh vực chính sách thuộc phạm vi, chức năng quản lý của Bộ Quốc phòng, trong đó có thủ tục giải quyết chế độ trợ cấp khó khăn đột xuất đối với thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ, có hiệu lực từ ngày 2-5-2024. Cụ thể như sau:

a) Trình tự thực hiện:

- Bước 1: Hạ sĩ quan, binh sĩ làm bản khai đề nghị trợ cấp khó khăn đột xuất, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi gia đình cư trú xác nhận bản khai; trường hợp nếu thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ có các loại giấy tờ như: Giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về mức độ thiệt hại vật chất khi bị sập nhà, trôi nhà, cháy nhà hoặc phải di dời chỗ ở hoặc thân nhân ốm đau dài ngày từ một tháng trở lên; giấy ra viện của cơ sở y tế nơi thân nhân điều trị; giấy báo tử của thân nhân hy sinh; giấy chứng tử của thân nhân từ trần hoặc mất tích hoặc xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã gửi cho hạ sĩ quan, binh sĩ thì bản khai đề nghị trợ cấp khó khăn đột xuất kèm theo các loại giấy đó, không phải xin xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã, nộp cho cán bộ đại đội, tiểu đoàn hoặc tương đương;

- Bước 2: Cấp đại đội, tiểu đoàn hoặc tương đương tiếp nhận bản khai và các loại giấy tờ, kiểm tra và đề nghị cấp trên trực tiếp;

- Bước 3: Cấp trung đoàn hoặc tương đương xem xét, quyết định trợ cấp khó khăn đột xuất cho hạ sĩ quan, binh sĩ.

b) Cách thức thực hiện: Nộp trực tiếp cho đại đội, tiểu đoàn hoặc tương đương (nơi hạ sĩ quan, binh sĩ công tác).

c) Thành phần hồ sơ: Bản khai đề nghị trợ cấp khó khăn đột xuất (Mẫu số 01 Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư số 13/2024/TT-BQP);

d) Số lượng hồ sơ: 01 bộ.

 Mẫu bản khai đề nghị trợ cấp khó khăn đột xuất.

Mẫu bản khai đề nghị trợ cấp khó khăn đột xuất.

đ) Thời hạn giải quyết:

- Cấp đại đội, tiểu đoàn hoặc tương đương: 01 ngày làm việc;

- Cấp trung đoàn hoặc tương đương: Không quá 01 ngày làm việc.

e) Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Cá nhân.

g) Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính:

- Cơ quan có thẩm quyền quyết định: Cấp trung đoàn hoặc tương đương;

- Cơ quan trực tiếp thực hiện thủ tục hành chính: Cấp đại đội, tiểu đoàn hoặc tương đương;

- Cơ quan phối hợp: Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn; cơ sở y tế địa phương.

h) Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Quyết định trợ cấp.

i) Lệ phí: Không.

k) Tên mẫu đơn, tờ khai: Bản khai đề nghị trợ cấp khó khăn đột xuất (Mẫu số 01 Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư số 13/2024/TT-BQP).

l) Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính:

- Gia đình của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ gặp tai nạn, hỏa hoạn, thiên tai dẫn đến bị sập nhà, trôi nhà, cháy nhà hoặc phải di dời chỗ ở;

- Bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ hoặc bố, mẹ chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp ốm đau từ một tháng trở lên hoặc điều trị một lần tại bệnh viện từ 07 ngày trở lên;

- Bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ hoặc bố, mẹ chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp hy sinh, từ trần.

Lưu ý, khoản 3 Điều 5 Văn bản hợp nhất số 10/VBHN-BQP (Bộ Quốc phòng ban hành ngày 8-5-2024) Thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 27/2016/NĐ-CP ngày 6-4-2016 của Chính phủ quy định một số chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ, xuất ngũ và thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ nêu nguyên tắc giải quyết chế độ khó khăn đột xuất như sau: Khi nhà ở của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ gặp tai nạn, hỏa hoạn, thiên tai bị sập nhà, trôi nhà, cháy nhà hoặc phải di dời chỗ ở hoặc tài sản bị hư hỏng, thiệt hại nặng về kinh tế thì được trợ cấp không quá 02 lần/năm đối với mỗi hạ sĩ quan, binh sĩ; khi thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ ốm đau từ một tháng trở lên hoặc điều trị một lần tại bệnh viện theo quy định được trợ cấp không quá 02 lần trong một năm đối với mỗi thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ.

Ví dụ 1: Năm 2016, đồng chí Hạ sĩ Nguyễn Văn An có con bị ốm phải điều trị tại bệnh viện. Lần 1 từ ngày 02 đến ngày 12-8, lần 2 từ ngày 5 đến ngày 15-10, theo quy định, con đồng chí An được trợ cấp 02 lần, mỗi lần bằng 500.000 đồng.

Ví dụ 2: Cũng đối tượng nêu ở ví dụ 1, năm 2016, mẹ đồng chí An bị ốm phải điều trị tại bệnh viện. Lần 1 từ ngày 2 đến ngày 10-9, lần 2 từ ngày 5 đến ngày 15-12, theo quy định, mẹ đồng chí An được trợ cấp 02 lần, mỗi lần bằng 500.000 đồng.

Ví dụ 3: Cũng đối tượng nêu ở ví dụ 1, năm 2016 gia đình đồng chí An có nhà ở bị sập do lũ quét. Theo quy định, gia đình đồng chí An được trợ cấp mức 3.000.000 đồng.

QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/tro-cap-dot-xuat-doi-voi-than-nhan-cua-ha-si-quan-binh-si-tai-ngu-776815