Trợ cấp nhiên liệu hóa thạch toàn cầu đạt kỷ lục 7.000 tỉ đô la

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ước tính, trợ cấp nhiên liệu hóa thạch toàn cầu đạt tổng trị giá kỷ lục 7 ngàn tỉ đô la vào năm 2022 khi các chính phủ bảo vệ người tiêu dùng trước giá năng lượng tăng vọt do tác động của chiến sự Ukraine.

Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), trợ cấp nhiên liệu hóa thạch toàn cầu đạt tổng trị giá kỷ lục 7 ngàn tỉ đô la vào năm 2022, trong đó 82% (màu xanh dương) là trợ cấp ngầm. Ảnh: The National News

Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), trợ cấp nhiên liệu hóa thạch toàn cầu đạt tổng trị giá kỷ lục 7 ngàn tỉ đô la vào năm 2022, trong đó 82% (màu xanh dương) là trợ cấp ngầm. Ảnh: The National News

Báo cáo của IMF, công bố hôm 24-8, cho biết trợ cấp cho than, dầu và khí đốt tự nhiên trong năm ngoái tương đương 7,1% GDP toàn cầu.

Số liệu trợ cấp tăng cao chủ yếu do “trợ cấp ngầm”, tức những khoản chi phí môi trường không được phản ánh trong giá nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là than và dầu diesel.

Phân tích của IMF cho thấy người tiêu dùng trên toàn cầu đã không phải trả hơn 5 ngàn tỉ đô la chi phí môi trường vào năm ngoái.

Các tác giả của báo cáo cảnh báo trợ cấp ngầm sẽ tăng lên khi các nước đang phát triển tăng mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch.

Các khoản trợ cấp “rõ ràng”, tức trợ cấp trực tiếp, được định nghĩa là người tiêu dùng trả ít hơn cho chi phí nhiên liệu hóa thạch nhờ được nhà nước trợ giá, đã tăng gấp ba lần kể từ nghiên cứu trước đó của IMF vào năm 2020, từ 0,5 ngàn tỉ đô la lên 1,5 ngàn tỉ đô la vào năm 2022.

Báo cáo của IMF được đưa ra khi thế giới đang trải qua nhiệt độ trung bình hàng tháng toàn cầu nóng nhất từng được ghi nhận. Các nhà khoa học kết luận, nhiệt độ toàn cầu hiện nay tăng ít nhất 1,1 độ C so với thời kỳ công nghiệp chủ yếu là do hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch.

Theo ước tính của Viện Nghiên cứu phát triển bền vững quốc tế, trợ cấp nhiên liệu từ nhóm 20 nền kinh tế lớn G20 ở mức 1,4 ngàn tỉ đô la, bao gồm các khoản đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước và các khoản vay từ các tổ chức tài chính công. Một báo cáo nghiên cứu độc lập đầu năm nay ước tính con số trợ cấp rõ ràng của các chính phủ trên toàn cầu cho nhiên liệu hóa thạch là 1,8 ngàn tỉ đô la mỗi năm.

Tuy nhiên, báo cáo của IMF cho rằng số liệu trợ cấp trực tiếp là do các biện pháp hỗ trợ tạm thời từ các chính phủ, vì vậy, con số này dự kiến sẽ giảm trong những năm tới.

Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương chiếm gần một nửa tổng trợ cấp nhiên liệu hóa thạch toàn cầu trong năm ngoái, theo IMF. Trung Quốc là nước trợ cấp nhiên liệu hóa thạch lớn nhất, tiếp theo là Mỹ, Nga, Liên minh châu Âu (EU) và Ấn Độ.

Năm 2009, các nhà lãnh đạo G20 nhất trí ý loại bỏ dần các khoản trợ cấp nhiên liệu hóa thạch không hiệu quả, trước khi cam kết đẩy nhanh những nỗ lực đó tại hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) ở Glasgow (Ireland) vào năm 2021.

Tuy nhiên, chi phí sinh hoạt tăng mạnh và cuộc khủng hoảng năng lượng đã buộc các chính phủ phải can thiệp bằng việc áp dụng chính sách trần giá năng lượng và trợ cấp nhiên liệu.

Hội nghị COP28 năm nay sẽ được tổ chức tại Dubai (Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất), nơi các nhà đàm phán sẽ thực hiện “đánh giá toàn cầu” về tiến bộ của các nước cam kết cắt giảm khí thải theo Thỏa thuận Paris 2015.

Lượng khí thải nhà kính cần phải cắt giảm 43% vào năm 2030 để duy trì mục tiêu nhiệt độ toàn cầu không vượt quá lên 1,5 độ C (so với thời kỳ tiền công nghiệp) Nếu nhiệt độ vượt qua ngưỡng đó, các nhà khoa học cảnh báo khí hậu và hành tinh sẽ chứng kiến thay đổi không thể đảo ngược. Tuy nhiên, hiện tại nhiệt độ toàn cầu vẫn nhích lên qua từng năm.

Vào tháng 5, các nhà lãnh đạo của nhóm các nền kinh tế tiên tiến G7 không đặt ra thời hạn để loại bỏ dần việc sử dụng than mà không thu được khí thải.

Trong các cuộc đàm phán về khí hậu của G20 vào tháng trước, nhiều nhà đàm phán cho biết Trung Quốc và Saudi Arabia đã cản trở bất kỳ tiến triển nào trong các cuộc đàm phán. Họ từ chối tranh luận các vấn đề quan trọng như mục tiêu phát thải khí nhà kính.

Theo Cơ quan thông tin biến đổi hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU), năm nay là năm nóng thứ ba từ trước đến nay và có thể tiếp tục vượt qua năm 2016 để trở thành năm nóng kỷ lục.

Các đợt nắng nóng và lũ lụt kỷ lục đã ảnh hưởng đến phần lớn nước Mỹ, châu Âu và châu Á trong tháng 7 vừa qua. Các nhà khoa học cảnh báo những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như vậy sẽ trở nên thường xuyên và dữ dội hơn khi nhiệt độ hành tinh tăng dần lên.

Theo Financial Times

Khánh Lan

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/tro-cap-nhien-lieu-hoa-thach-toan-cau-dat-ky-luc-7-000-ti-do-la/