Trò chơi của trẻ con làng tôi

Những năm còn nhỏ, tôi và các bạn cùng trang lứa trong làng sống cuộc sống lam lũ, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, suốt ngày vất vả trên đồng ruộng cùng cha mẹ. Có thể nói, cuộc sống của chúng tôi hồi cuối những năm 40 và đầu những năm 50, thời kỳ kháng chiến chống Pháp, là vô cùng cực nhọc. Chúng tôi sống tự nhiên và chơi hồn nhiên. Những trò chơi của chúng tôi toàn là những trò chơi của trẻ con ở làng, dễ làm, dễ chơi. Tôi có thể liệt kê ra đây hàng loạt những trò chơi: đánh đáo, đánh dồi, đánh ô (ô ăn quan), đánh khăng, đánh tú lơ khơ, đánh tam cúc, đá bóng bưởi nướng, chơi trò trốn tìm, bắt đom đóm, bắn súng lục làm bằng van xe đạp, bắn 'súng đình đuột', nổ pháo đất, 'bắn pháo hoa', đánh trận giả, trò rồng rắn lên mây, chơi quay (cù), chơi u, nhảy dây, thả diều, cướp cờ, bắn bi, nhảy lò cò,... Tôi xin kể ra đây vài trò chơi như vậy.

Trò trốn tìm

Là trò chơi khá phổ biến, vì dễ chơi, chơi chỗ nào cũng được, cả con trai lẫn con gái đều có thể chơi. Chúng tôi thường rủ nhau 6 - 8 đứa trẻ trong xóm cùng chơi trò này. Tôi hay được cử làm thủ lĩnh cuộc chơi. Là thủ lĩnh tôi tập hợp các bạn chơi đứng thành vòng tròn rồi tôi ngửa bàn tay ra, các bạn mỗi người đặt ngón tay trỏ của mình vào bàn tay đang xòe rộng của tôi và cả hội cùng nhau hát vang bài đồng dao Chi chi chành chành:

“Chi chi chành chành

Cái đanh thổi lửa

Con ngựa chết trương

Ba vương ngũ đế

Bắt dế đi tìm

Ù à ù ập”.

Đến câu “ù à ù ập”, ngay lập tức tôi nắm chặt tay lại, các bạn chơi phải nhanh chóng rút ngón tay của mình ra khỏi tay tôi. Bạn nào không kịp rút tay ra, bị tôi nắm được, bạn đó bị bịt mắt đóng vai “người đi tìm”, còn các bạn khác tản ra, tìm chỗ trốn trong phạm vi ngoài sân, trong nhà và trong vườn nhà tôi, chỉ khu vực nhà tôi thôi, không được sang nhà khác, sang nhà khác là “phạm quy”.

Bạn bị bịt mắt bắt đầu đếm lần lượt: 5, 10, 15, 20, 25, 30, 35, 40, 45, 50, 55, 60, 65, 70, 75, 80, 85, 90, 95, 100. Khi đếm 100 thì người đi trốn phải trốn xong, còn nếu có ai đó chưa tìm được chỗ trốn thì người này sẽ bị bắt làm “người đi tìm”, thay cho người bạn đang đảm đương vai trò này. Khi “người đi tìm” đã phát hiện và tìm được đủ tất cả mọi bạn chơi thì lại bắt đầu cuộc trốn tìm mới, và lần này bạn bị tìm ra trước tiên sẽ phải sắm vai “người đi tìm”. Trong trường hợp còn có bạn chơi không thể phát hiện ra được thì “người đi tìm” nói xướng to “tớ xin chịu”, lúc đó người đi trốn “không bị lộ” này chui ra khỏi nơi trú ẩn. Khi như vậy, “người đi tìm” bị thua cuộc, lại phải bị bịt mắt làm “người đi tìm” lần nữa tại cuộc chơi trốn tìm ngay sau đó, và cứ như thế trò chơi tiếp tục lập đi lập lại cho đến khi chán chơi, hoặc phải về nhà đi ngủ kẻo bị bố mẹ mắng.

Minh họa: Ngô Xuân Khôi.

Minh họa: Ngô Xuân Khôi.

Trong cuộc chơi “trốn tìm”, thủ lĩnh cuộc chơi là người đi trốn cuối cùng, trong trường hợp này là tôi, vì thủ lĩnh còn phải làm nhiệm vụ bịt mắt “người đi tìm” để cho các bạn chơi kịp trốn.

Tôi thường tìm được chỗ rất kín đáo, khó tìm, khó phát hiện, để trốn. Chẳng hạn, cây rơm nhà tôi có một chỗ bò rúc mõm vào sâu lôi rơm ra ăn, tạo thành cái hố nhỏ vừa vặn người tôi. Tôi chui vào đó, rút một ít rơm phủ kín bên ngoài. Đố “người đi tìm” nào phát hiện ra được. Hay là, nhà tôi có cái chum đựng khoai thái để không, vì đã ăn hết khoai, tôi bèn nhẹ nhàng chui vào trong chum, lấy cái thúng úp lên trên. An toàn tuyệt đối là cái chắc! Chum đựng thóc, đựng khoai thái khô, chứ làm gì có chuyện “đựng người”. Các bạn chơi khác thường dễ bị phát hiện vì chúng không biết tìm chỗ kín đáo để trốn, chẳng hạn chúng đứng trốn đằng sau cánh cửa, ngồi trốn trong xó nhà, xó bếp, nấp sau gốc cây to, trong bụi cây ngoài vườn, toàn là những chỗ dễ bị “người đi tìm” phát hiện.

Đèn đom đóm

Như tôi đã kể, nhà tôi ở rìa làng, nhìn ra cánh đồng, trước nhà là cái ao lớn. Do môi trường nước thuận lợi như vậy cho nên buổi tối, nhất là những tối mùa hè, đom đóm bay rất nhiều bên trên sân, bên trên vườn nhà tôi. Mấy đứa trẻ con trong xóm tôi thường hay rủ nhau thi bắt đom đóm cho vào lọ thủy tinh để làm “đèn đom đóm”. Nhất là hồi đó chưa có điện, cho nên trong nhà ngoài sân đều tối om, có những hôm trời tối như bưng. Có chiếc “đèn đom đóm” là chúng tôi rất hãnh diện, đến nỗi chúng tôi gọi đó là “đèn nguyên tử”, vì chẳng cần dầu hỏa, chẳng cần dầu lạc và bất kỳ thứ nhiên liệu nào mà đèn vẫn sáng. Oách quá đi chứ lị!

Bốn hoặc năm đứa trẻ con chúng tôi, mỗi đứa tay cầm một lọ thủy tinh, tay kia cầm cái quạt mo, chạy khắp sân khắp vườn bắt đom đóm. Đom đóm thường từ phía ao bay vào sân nhà tôi, bay tứ tung trong sân, ngoài vườn. Chúng bay lên cao rồi lại nhào xuống thấp, nom y hệt những ngôi sao sa tầm thấp, vừa đẹp mắt vừa thú vị.

Tôi và các bạn tôi, dùng quạt mo nhảy lên cao đập nhẹ vào chú đom đóm đít xanh lè, lập lòe sáng tối, đang nhào lộn trong không trung. Chú đom đóm bị đập nhẹ liền rơi ngay xuống đất. Chỉ còn việc nhặt lấy “chiến quả” này cho vào lọ thủy tinh, đậy nắp lại. Sau chừng một giờ đồng hồ ra tay bắt đom đóm, chúng tôi tập hợp lại, để “tổng kết cuộc thi”.

Cả bọn lần lượt đếm số đom đóm bắt được nhốt trong từng chai. Chai của ai có số đom đóm nhiều nhất kẻ đó là người thắng cuộc. Vui là chính, cho nên không có thưởng phạt gì cả. Sau đó cả hội đem các chai đom đóm lập lòe của mình đặt lên chiếc ghế đẩu kê ở giữa sân nhà tôi, để cùng nhau ngồi thưởng thức “đèn đom đóm” và hát những khúc đồng giao, tỷ như:

Kéo cưa lừa xẻ

Ông thợ nào khỏe

Về ăn cơm vua

Ông thợ nào thua

Về bú tí mẹ.

Bú tí mẹ không ngon

Bú tí con lợn sề

Dung dăng dung dẻ

Dắt trẻ đi chơi

Đến ngõ nhà Trời

Lạy cậu lạy mợ

Cho chó về quê

Cho dê đi học

Cho cóc ở nhà

Cho gà bới bếp

Ù à ù ập

Đóng sập cửa vào

Rồng rắn lên mây

Có cây lúc lắc

Có nhà điểm danh

Hỏi thăm thầy thuốc có nhà hay không...

Bây giờ, đã hai thứ tóc trên đầu, thỉnh thoảng về làng gặp lại bạn “thời đom đóm”, những người đã thành ông thành bà cả rồi, ôn lại chuyện xưa, lắm khi tôi xúc động đến trào nước mắt. Tuổi thơ ở làng khổ sở là vậy, vất vả là vậy, vô tư là vậy, hồn nhiên là vậy, yêu đời là vậy và tôi thấy mình luyến tiếc “cái ngày xưa ấy”.

Bài thơ Mùa đom đóm mở hội của tôi đã nói hộ tôi tâm trạng này:

“Nhớ quê, anh nhớ mùa đom đóm

Trời tối như bưng

Hai đứa chúng mình chạy lăng xăng khắp xóm

Anh rưng rưng, em rưng rưng

Trong chai sáng bừng đom đóm

Mới rồi anh lại về thăm xóm

Đúng mùa đom đóm mở hội

Trời quê ta sáng bừng đom đóm

Anh lang thang thâu đêm suốt sáng

Em nào có hay...”

“Pháo hoa làng choa”

Trước Tết độ một tuần, tôi cùng mấy đứa bạn trai trong làng rủ nhau làm “pháo hoa” để “bắn” trong đêm giao thừa, trên mặt hồ làng (làng tôi gọi hồ nhỏ là “bến”). Để “sản xuất” thuốc pháo hoa chúng tôi phải đi kiếm những đoạn gỗ xoan nạc (không có mắt) rồi đem đốt lấy than đen. Đem những cục than xoan đó cho vào cối đá giã nhỏ thành bột, đen như thuốc súng, chúng tôi gọi đó là “thuốc pháo”.

Đổ thuốc pháo lên mặt hai miếng giấy báo cỡ A4, được xếp chồng lên nhau cho thêm dày. Rồi cuộn tròn hai mảnh giấy lại, gói thuốc pháo bên trong, gói càng chặt càng tốt. Một đầu cuộn giấy được khâu lại, bịt kín. Còn đầu kia, chừa một đoạn giấy dài chừng 10cm không nhét thuốc, xoắn đầu giấy này lại, rồi nhét đoạn giấy này vào ruột một cục đất sét dẻo, to như quả lựu đạn, nắm chặt cục đất để giữ chắc đuôi giấy bên trong. “Quả pháo” dài chừng 30cm, một đầu bịt kín và một đầu cắm vào “quả lựu đạn đất sét” được đem phơi ngoài sân, cho đất khô lại, giữ chặt đuôi giấy, đồng thời thuốc pháo cũng khô thêm, dễ bén lửa. Chúng tôi có bốn đứa con trai cùng chơi, thường “chế tạo” 24 quả pháo, mỗi đứa 6 quả.

Đêm giao thừa chúng tôi rủ nhau ra bờ hồ của làng, tức bờ bến của làng. Bốn thằng chia nhau đứng ở bốn góc hồ. Một thằng được chọn làm chỉ huy, có nhiệm vụ hô khẩu lệnh “chuẩn bị” và “bắn”. Mỗi đứa mang theo một cái nùn rơm giữ lửa (hồi đó không có bật lửa và diêm cho nên phải dùng nùn rơm).

Khi nghe tiếng hô “chuẩn bị” thì từng người dùng nùn rơm đốt đầu đạn pháo vẫn còn bịt kín, cho lửa bén vào “thuốc pháo”. Khi nghe khẩu lệnh “bắn” thì bốn “chiến sĩ” đồng loạt vung mạnh tay ném pháo lên cao, ra giữa hồ. Quả pháo than xoan bắt lửa nhanh như thuốc súng, phun ra những chùm hạt lửa, tạo thành hình vòng cung trên không trung, làm sáng rực mặt hồ, trông rất đẹp mắt và vô cùng ngoạn mục. Nước hồ trong vắt, mặt hồ không quá rộng, đứng trên bờ tôi có cảm giác, pháo hoa đang cùng một lúc được bắn lên bên trên mặt hồ và cả dưới đáy hồ. Nhìn sướng con mắt. Tay ném pháo lên trời, miệng chúng tôi hô lớn: “pháo hoa làng choa”, “pháo hoa làng choa”, “pháo hoa làng choa”... (choa - tôi, tao hoặc chúng tôi, chúng tao - phương ngữ).

“Đêm pháo hoa” của chúng tôi thường gồm 6 đợt bắn tất cả, mỗi đợt 4 quả, vị chi là 24 quả pháo. Chúng tôi “tự sướng” với nhau là chính. Đêm giao thừa, lũ trẻ nhà quê chúng tôi chẳng có gì để chơi thì phải nghĩ ra trò gì đó để chơi với nhau thôi, gọi là đón năm mới. Hoàn toàn tự nhiên, hồn nhiên và vô tư. Ấy vậy mà cũng có ối người làng đứng xem “pháo hoa” của chúng tôi đấy.

Thực ra họ là những vị khách không mời. Nghe thấy chúng tôi hô lớn “pháo hoa làng choa”, “pháo hoa làng choa” nhiều bà con liền chạy ra bờ hồ xem chuyện gì xảy ra. Và tình cờ họ được xem “pháo hoa”. Nhiều người tấm tắc khen pháo hoa đẹp, nom thích mắt. Có người bảo: “Chắc lại thằng Thự nghĩ ra cái trò này thôi!”. Tôi nghĩ bụng, xét cho cùng, họ có lý.

Truyện ký của Lê Bá Thự/Thời Báo văn học nghệ thuật

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/tro-choi-cua-tre-con-lang-toi-217373.htm