Trợ giúp pháp lý cho người nghèo, nhóm người yếu thế

Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) Nhà nước tỉnh An Giang thực hiện hiệu quả công tác TGPL miễn phí cho người nghèo, các đối tượng chính sách trên địa bàn, góp phần quan trọng nâng cao nhận thức, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân, nhất là đối với nhóm người yếu thế.

Với vai trò và nhiệm vụ được giao, nhiều năm qua, trung tâm thực hiện tốt công tác tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng và tham gia tố tụng các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử, nhằm bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho hàng ngàn đối tượng thuộc diện được TGPL.

Trong đó, nhiều người thuộc hộ nghèo, người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn...

Năm 2023, trung tâm thực hiện 524 vụ việc (478 hình sự, 46 dân sự), trong đó, trợ giúp viên pháp lý thực hiện 517 vụ việc, luật sư (hợp đồng với trung tâm) thực hiện 7 trường hợp.

Khi tiếp nhận vụ việc, trợ giúp viên pháp lý nghiên cứu hồ sơ, phân tích vụ việc, chỉ ra những thuận lợi, khó khăn và đưa ra phương án tối ưu, giúp đương sự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, yêu cầu của đối tượng. Tùy vào trường hợp cụ thể, trợ giúp viên tư vấn pháp luật đưa ra ý kiến, soạn thảo văn bản liên quan đến vướng mắc pháp luật, tranh chấp, khiếu nại. Đồng thời hướng dẫn, giúp đương sự thương lượng, hòa giải, thống nhất về hướng xử lý, giải quyết vụ việc.

Đơn cử, hỗ trợ trường hợp người cao tuổi Lê Thị Năm (sinh năm 1949, ngụ khóm Đông Thạnh A, phường Mỹ Thạnh, TP. Long Xuyên), là bị đơn trong vụ án dân sự “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất; tranh chấp quyền sử dụng đất”.

Bà Lê Thị Năm cùng 6 đương sự khác bị nguyên đơn yêu cầu có trách nhiệm giao thêm 24m2 đất cho đủ 40m2 đất trong thửa đất 264, tờ bản đồ số 15, loại đất ở nông thôn, diện tích gần 152m2 đất, tọa lạc phường Mỹ Thạnh, được Tòa án Nhân dân TP. Long Xuyên xét xử tháng 1/2024.

Trợ giúp viên tham gia phiên tòa

Hoặc vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số 13/2023/TLST-CTN, ngày 7/8/2023 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 15/QĐXXST-CTN, ngày 31/8/2023, được Tòa án nhân dân tỉnh xét xử sơ thẩm trong các ngày 12 đến 14 và 21/12/2023. Vụ việc có đến 29 bị cáo. Trung tâm cử 6 trợ giúp viên bào chữa cho 8 bị cáo, bị truy tố, xét xử các tội danh “Giết người”, “Cố ý làm hư hỏng tài sản”, “Gây rối trật tự công cộng”. Các bị cáo hầu hết sinh từ năm 2004 đến năm 2007, thuộc đối tượng TGPL.

Tham gia tố tụng, trợ giúp viên pháp lý đã thực hiện các bước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đương sự đúng theo quy định của pháp luật. Kết quả cho thấy, hầu hết yêu cầu TGPL của đối tượng được trung tâm đáp ứng kịp thời, đúng theo quy định, các đương sự thấy được sự TGPL, góp phần quan trọng về pháp luật mà phần đông đối tượng không am hiểu và cũng không có điều kiện tiếp cận.

Trợ giúp viên pháp lý Hà Quang Vân cho biết: "Hoạt động TGPL có vai trò quan trọng, giúp người dân tiếp cận pháp luật để hiểu về quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật, giúp người dân tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Bên cạnh đó, việc làm tốt công tác TGPL góp phần hỗ trợ, giúp các cơ quan Nhà nước tránh những việc khiếu kiện không có cơ sở, hoặc khiếu kiện trái pháp luật.

Theo tôi, ngành chức năng tiếp tục quan tâm lãnh, chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi hơn để người dân, đối tượng yếu thế trên địa bàn tỉnh tiếp cận gần hơn dịch vụ TGPL miễn phí, góp phần giải tỏa những vướng mắc liên quan đến pháp lý nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho các đối tượng được TGPL".

Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh An Giang Phan Văn Hùng cho biết, với phương châm làm tốt công tác được giao, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp cận với các hoạt động TGPL, trung tâm tiếp tục phối hợp các cấp, ngành đẩy mạnh việc thực hiện thông qua các hình thức tư vấn, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng.

Đồng thời, tiếp tục phối hợp đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật và bằng các hình thức phong phú, đa dạng, tạo điều kiện để đối tượng được TGPL, người yếu thế trong xã hội được hỗ trợ tối đa dịch vụ TGPL miễn phí của Nhà nước.

Trong thực hiện nhiệm vụ, các cơ quan tố tụng trên địa bàn tạo điều kiện thuận lợi cho trợ giúp viên pháp lý thực hiện công việc được giao. Tuy nhiên, vẫn còn gặp một số khó khăn. Trong đó, một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác tuyên truyền, giải thích, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là các đối tượng thuộc diện TGPL. Các đối tượng được TGPL chỉ tập trung đối với bị can, bị cáo trong vụ án hình sự; còn đối tượng trong vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính chưa được quan tâm đúng mức. Nhận thức của người dân về TGPL còn hạn chế, nhiều trường hợp đã được giải thích, nhưng tâm lý còn e ngại, chưa tự mình hoặc nhờ người thân liên hệ với trung tâm.

Thời gian tới, trung tâm tiếp tục phối hợp các cơ quan quản lý Nhà nước tổ chức đánh giá về chất lượng tham gia tố tụng của trợ giúp viên pháp lý, luật sư là cộng tác viên. Để nâng cao chất lượng hoạt động, trung tâm tiếp tục xây dựng đội ngũ viên chức (10 trợ giúp viên) đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, không ngừng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt đối với đội ngũ trợ giúp viên pháp lý.

N.R

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/tro-giup-phap-ly-cho-nguoi-ngheo-nhom-nguoi-yeu-the-a401511.html