Trở lại căn cứ cách mạng Chợ Cạn

Chợ Cạn, xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong được biết đến là một trong những căn cứ cách mạng của tỉnh. 77 năm qua, với truyền thống cách mạng hào hùng của những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, vùng Chợ Cạn hôm nay đã ghi nhận nhiều sự đổi thay, đời sống của người dân đang khởi sắc từng ngày.

Vùng căn cứ cách mạng Chợ Cạn, xã Triệu Sơn giờ được đầu tư xây dựng khang trang - Ảnh: T.L

Vùng căn cứ cách mạng Chợ Cạn, xã Triệu Sơn giờ được đầu tư xây dựng khang trang - Ảnh: T.L

Dẫn tôi đi thăm một vòng quanh xã trên con đường bê tông kéo dài về đến tận từng thôn, xóm, qua những ruộng lúa vàng vụ hè thu đang vào mùa thu hoạch, Chủ tịch UBND xã Triệu Sơn Nguyễn Hữu Vãn cho biết: “Từ trong hoang tàn, đổ nát sau ngày đất nước thống nhất, cán bộ, Nhân dân vùng Chợ Cạn đã phát huy truyền thống cách mạng, đồng lòng, chung sức xây dựng quê hương vững bước đi lên trên con đường đổi mới”. Đến thăm “Bia di tích chiến khu Chợ Cạn”, ông Vãn tự hào cho hay: “Căn cứ Chợ Cạn được hình thành từ năm 1947, là nơi diễn ra nhiều phong trào đấu tranh giữa quân, dân ta và thực dân Pháp.

Để ngăn chặn các phong trào cách mạng, thực dân Pháp tiến hành nhiều cuộc càn quét, thảm sát nhằm tiêu diệt các cơ sở cách mạng của lực lượng Việt Minh ở khu vực Chợ Cạn và một số vùng lân cận. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, chính quyền địa phương đã xây dựng Bia căm thù, nay đổi tên thành “Bia di tích chiến khu Chợ Cạn” để tri ân, tưởng niệm các cán bộ, chiến sĩ và người dân đã hy sinh trong các cuộc càn quét, thảm sát của thực dân Pháp, đồng thời giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay”.

Câu chuyện của Chủ tịch UBND xã Triệu Sơn Nguyễn Hữu Vãn đưa chúng tôi ngược dòng lịch sử trở về mùa thu cách mạng của hơn 75 năm trước ở căn cứ cách mạng Chợ Cạn. Cách mạng Tháng Tám thành công, cũng như nhiều địa phương khác trong tỉnh và cả nước, các tầng lớp nhân dân Triệu Sơn vui mừng, phấn khởi tận hưởng không khí độc lập, tự do, ra sức xây dựng, bảo vệ chế độ mới, cuộc sống mới và chính quyền cách mạng.

Tuy nhiên, nhà nước cách mạng ngay từ khi mới ra đời đã phải đối phó với hàng loạt nguy cơ, thách thức, đó là nguy cơ giặc đói, giặc dốt và đặc biệt là giặc ngoại xâm. Được hình thành từ tháng 2/1947 - 3/1948, căn cứ cách mạng Chợ Cạn là nơi đóng quân của Tiểu đoàn 14, giữ an toàn cho cụm Đông Nam của huyện Triệu Phong.

Dựa vào căn cứ Chợ Cạn, quân ta đã kiểm soát được phần lớn đồng bằng các huyện Triệu Phong, Hải Lăng - nơi cung cấp nhân lực, vật lực cho cuộc kháng chiến. Trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp, quân dân Quảng Trị đã gặp nhiều khó khăn, thử thách tưởng chừng khó vượt qua được.

Nhưng nhờ biết phát huy tinh thần bám dân, bám đất, bám cơ sở, cán bộ, đảng viên và các chiến sĩ lực lượng vũ trang vẫn ở trong dân, tổ chức và lãnh đạo, xây dựng căn cứ lõm giữa đồng bằng, đặc biệt là căn cứ Chợ Cạn được củng cố và mở rộng ra cả vùng Triệu Hải.

Việc hình thành căn cứ cách mạng Chợ Cạn là một bước phát triển mới của cuộc kháng chiến, là nét độc đáo trong cuộc chiến tranh nhân dân chống thực dân Pháp của tỉnh Quảng Trị. Chợ Cạn - điểm hội tụ sáng giá, thủ phủ của Triệu Phong và là nơi đứng chân của lãnh đạo tỉnh trong những ngày đầu kháng chiến đã trở thành cửa ngõ chiến lược của tỉnh. Cơ quan lãnh đạo các cấp có một bộ phận đóng tại chiến khu Chợ Cạn để tổ chức xây dựng cơ sở, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ tổ chức chỉ đạo, chỉ huy kháng chiến.

Ông Nguyễn Hữu Vãn thông tin thêm: “Cùng với chiến khu Ba Lòng và các căn cứ lõm khắp nơi trên địa bàn tỉnh, căn cứ Chợ Cạn đã tạo được niềm tin tưởng của Nhân dân đối với cách mạng, tiếp tế một phần đáng kể lương thực, thực phẩm cho chiến khu Ba Lòng trong những ngày gian khổ. Chợ Cạn - Phong An - Trấm - Ba Lòng là con đường huyết mạch của tỉnh trong buổi đầu kháng chiến. Căn cứ Chợ Cạn đã phản ánh khá đậm nét việc tổ chức, thực hiện đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng ta trong thời kỳ đầu chống Pháp.

Đặc biệt về tổ chức và hoạt động chiến đấu, căn cứ Chợ Cạn đã để lại những bài học quý về mô hình làng chiến đấu vùng đồng bằng. Trong điều kiện địch tăng cường đánh phá dữ dội ở đồng bằng, hậu phương Chợ Cạn vẫn đứng vững trong một thời gian dài, điều đó thể hiện tinh thần bám trụ rất kiên cường của Đảng bộ, Nhân dân và lực lượng vũ trang huyện Triệu Phong, từ đó góp phần cùng với cả nước đánh bại âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh của thực dân Pháp”.

Chiến tranh đã lùi xa, mỗi độ thu về lại thêm một lần Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân vùng căn cứ cách mạng Chợ Cạn tô đậm thêm vào lịch sử vẻ vang của quê hương với nhiều thành tựu đạt được trên các lĩnh vực. Năm 2019, xã Triệu Sơn về đích trong chương trình xây dựng NTM. Bộ mặt nông thôn thay đổi toàn diện.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, từng bước đổi mới và phát triển, thu nhập bình quân đến cuối năm 2022 đạt 58 triệu đồng/người/năm, số hộ nghèo giảm còn dưới 5%. Việc xây dựng cánh đồng lớn, mô hình canh tác tự nhiên, phát triển trang trại, gia trại, các mô hình kinh tế hiệu quả được địa phương chú trọng thực hiện, tiêu biểu như các mô hình chăn nuôi trên cát, trồng dưa lưới, tràm năm gân…

Thương mại, dịch vụ có nhiều chuyển biến tích cực, hiện toàn xã có 120 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; 215 cơ sở thương mại và 116 cơ sở dịch vụ. Các làng nghề truyền thống được quy hoạch sản xuất tập trung, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa bàn. Bên cạnh đó, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.

Đặc biệt, giáo dục và đào tạo đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Những năm gần đây, Triệu Sơn là một trong những xã tốp đầu của huyện Triệu Phong về lĩnh vực này. Số lượng con em đạt học sinh giỏi các cấp, thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng năm sau cao hơn năm trước. Công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân; thực hiện các chế độ, chính sách đối với người có công, gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh được xã Triệu Sơn quan tâm thực hiện tốt.

“Muốn tìm Việt Minh thì về Chợ Cạn/ Muốn lấy súng đạn thì lên Ba Lòng”, câu ca xưa thêm một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của căn cứ cách mạng Chợ Cạn trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp.

“Một mùa thu mới lại về, phát huy truyền thống hào hùng trên quê hương cách mạng, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân xã Triệu Sơn sẽ nhân lên niềm tin, quyết tâm vượt mọi khó khăn, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, phấn đấu đưa xã Triệu Sơn về đích nông thôn mới nâng cao vào năm 2025”, Chủ tịch UBND xã Triệu Sơn Nguyễn Hữu Vãn nhấn mạnh.

Thanh Lê

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/tro-lai-can-cu-cach-mang-cho-can/179477.htm