Trở lại làng liệt sĩ, xóm anh hùng Mù U

Chiến tranh kết thúc, hòa bình lập lại, ngôi làng nhỏ bên mép biển ở miền quê Quảng Ngãi chỉ hơn 50 nóc nhà nhưng có đến hơn 100 liệt sĩ, thương binh, Mẹ Việt Nam anh hùng.

Mong ước tìm cha

Những ngày tháng 4 lịch sử, trở lại làng Mù U, thôn Lâm Hạ, xã Đức Phong (Mộ Đức, Quảng Ngãi), miền quê điền dã xưa đang đổi thay từng ngày, những con đường bê tông kiên cố, hai bên là nhà xây mới khang trang. Tiếng sóng biển va vào bờ cát, tiếng gió luồn qua rặng phi lao tạo nên thứ thanh âm xôn xao mà yên bình đến lạ.

Trưởng thôn Lâm Hạ Võ Thành bên tấm bia do bà con xóm Mù U lập nên ghi danh các Anh hùng liệt sĩ, mẹ Việt Nam Anh hùng.

Trưởng thôn Lâm Hạ Võ Thành bên tấm bia do bà con xóm Mù U lập nên ghi danh các Anh hùng liệt sĩ, mẹ Việt Nam Anh hùng.

"Giờ bình yên vậy, nhưng hơn 50 năm trước, xóm này bị bom đạn kẻ thù cày xới tàn khốc lắm. Chiến tranh đi qua, cả xóm nhỏ điêu tàn", trưởng thôn Lâm Hạ Võ Thành trầm ngâm.

Thắp nén hương lên bàn thờ tổ tiên, ông Nguyễn Đến (65 tuổi) cất giọng trầm buồn: "Chiến tranh đi qua nửa thế kỷ, nhưng đến giờ tôi vẫn chưa tìm được mộ cha mình".

Trong ký ức ông Đến, khi ấy mới 13 tuổi, thông tin về cha trong giấy báo tử đề năm 1973, liệt sĩ Nguyễn Nhất hy sinh ở sông Re, khu vực phía tây Quảng Ngãi. Biết bao lần ông Đến cùng mẹ và các em đi tìm mộ phần cha, nhưng chưa thấy.

"Cha tôi nằm bờ sông hay cánh rừng nào đấy. Mong ước lớn nhất trong đời là tìm thấy cha", ông Đến nói.

Trong căn nhà nhỏ, ban thờ không chỉ thờ tự liệt sĩ Nguyễn Nhất mà còn thờ hai mẹ Việt Nam anh hùng và 2 người cậu ông Đến, cũng là liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ.

Ký ức ám ảnh một thời

Phía bên kia đường, cách nhà ông Đến vài bước chân, là nhà ông Đỗ Văn Dây (63 tuổi), con trai liệt sĩ Đỗ Văn Đây.

Năm 1968, khi cả làng Mù U chuẩn bị đón Tết thì gia đình ông Dây nhận hung tin: Cha ông hy sinh ở chiến trường Nghĩa Hành - Mộ Đức. Từ đó, mẹ ông Dây ít nói hẳn, ngày ngày lẳng lặng ra phía sau làng đem cơm cho bộ đội, du kích và ở vậy sớm hôm rau cháo nuôi con.

Nhưng rồi, bình yên không kéo dài. Ba năm sau, mẹ ông đang làm vườn, lính Mỹ càn qua. Chúng tàn nhẫn bắn người phụ nữ tay không tấc sắt, bà ngã gục, trên tay nắm chặt bó rau dại lo bữa cơm chiều cho các con.

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, trong ký ức ông Dây, hình ảnh mẹ ông bị kẻ thù sát hại vẫn luôn ám ảnh. "Nghe súng nổ, tôi chạy ra vườn thì mẹ đã ngừng thở. Hai anh em tôi ôm lấy mẹ khóc nấc. Lính Mỹ bỏ đi, bà con hàng xóm chạy đến phụ giúp lo chôn cất mẹ. Từ đó, anh em tôi thành trẻ mồ côi trong nỗi khiếp sợ của đạn bom", giọng xót xa, đôi mắt ông Dây đỏ hoe.

Bao lần khóc thầm lặng lẽ…

Men theo đường về phía biển, trưởng thôn Lâm Hạ Võ Thành chỉ tay về căn nhà cũ nhuốm màu thời gian.

Làng quê xóm Mù U hồi sinh sau 50 năm khói bom lửa đạn.

Làng quê xóm Mù U hồi sinh sau 50 năm khói bom lửa đạn.

Ông Thành cho hay, đó là nhà bà Nguyễn Thị Tồn: "Thời chiến tranh, bà ấy tiễn chồng và người em chồng vào du kích. Vài năm sau em chồng hy sinh. Sau đó, bà lại tiễn 2 con là Nguyễn Ngọc Thường, Nguyễn Văn Quang lên đường. Chiến tranh khốc liệt, anh Thường, anh Quang hy sinh".

Nén đau thương, bà đưa 2 người con kế tiếp là Nguyễn Tiến, Nguyễn Tới vào du kích. Rồi hung tin ập đến, các con của bà không ai trở về, bà Tồn như đứt từng khúc ruột.

"Chiến tranh tàn khốc, xóm Mù U kiên cường đi qua cuộc chiến, 52 hộ đều một lòng bám đất nuôi giấu chiến sĩ cách mạng và đưa những người con của mình ra trận", ông Thành tâm sự.

Ngày 30/4/1975, ngày vui toàn thắng cũng là ngày người dân làng Mù U nhìn lại, cả làng có 52 nóc nhà xộc xệch với 157 khẩu thì có đến 50 gia đình liệt sĩ, 2 gia đình có công. Trong đó, có 64 liệt sĩ, 39 thương binh, 11 người từng bị địch đày đi Côn Đảo và 18 Mẹ Việt Nam anh hùng.

Gác đau thương xây dựng quê hương

Chiến tranh đi qua, người dân xóm Mù U gác đau thương, bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới. Với những người dân nơi đây, xóm Mù U luôn là núm thịt máu mủ, dẫu ở làng hay đi làm ăn xa thì tâm thức luôn hướng về quê hương.

Ông Nguyễn Văn Nhựt, 62 tuổi cho biết, sau cuộc chiến, nhà cửa xơ xác, xóm làng tiêu điều. Riêng gia đình ông có 6 anh chị em thì 3 người anh hy sinh. Cả làng đều nghèo, người rau, người cháo đùm bọc nuôi nhau vươn lên.

Nhưng ám ảnh vẫn là những gia đình hy sinh hết, không còn ai khói hương. Người bán ang lúa, người bán con gà, bà con góp tiền xây nhà bia để thờ tự các liệt sĩ ngã xuống trên mảnh đất này. Cuối năm 1993, nhà bia chính thức khánh thành.

Những ngày tháng 4 lịch sử, khu nhà bia nằm bên mép hồ nghi ngút khói hương. Cần mẫn lau chùi bụi mịn bám vào bia đá khắc ghi những liệt sĩ hy sinh vì Tổ quốc, trưởng thôn Võ Thành cho biết, không chỉ ngày thương binh liệt sĩ, ngày Tết, mà trước khi ra khơi hay đi đâu xa, dân làng đều đến nhà bia thắp hương.

50 năm trôi qua, từ vùng đất nghèo khó, chịu đựng bom đạn của chiến tranh, giờ đây xóm Mù U đã đổi khác, nhà cửa khang trang mọc lên, nỗi đau dần nguôi ngoai, bình yên tìm về từng góc nhà.

Những con đường được đầu tư xây dựng chạy quanh làng ra đến ruộng đồng thay cho đường đất trước đây, nhiều mô hình kinh tế được thực hiện hiệu quả. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện địa phương đã giúp tăng thu nhập cho người dân.

Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức Phạm Ngọc Lân cho biết, xóm Mù U là "địa chỉ đỏ", là vùng đất anh hùng được làm nên từ những con người bình dị. Những năm qua, ngoài nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, người dân đã nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Đời sống nhân dân ngày càng khấm khá, hiện thu nhập bình quân đầu người ở xóm hơn 40 triệu đồng/năm.

Trong niềm vui chung của hòa bình, độc lập, xóm nhỏ Mù U nhiều lần được cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu gửi thư thăm hỏi, động viên.

Đặc biệt, năm 2002, cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã trực tiếp về xóm Mù U thăm và tổ chức họp mặt người dân. Tại đây, nhiều vấn đề khó khăn được người lãnh đạo cao nhất Đảng ghi nhận, chỉ đạo địa phương tháo gỡ, giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.

Lê Đức

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/tro-lai-lang-liet-si-xom-anh-hung-mu-u-192250501132153359.htm