Giọng điệu lạc lõng giữa bản hùng ca

Tinh thần tự hào dân tộc và lòng biết ơn dâng lên từ khắp các gia đình, ngõ xóm, thôn phố, đến khắp các trang mạng xã hội… đã phơi bày thất bại cay đắng của các thế lực thù địch, tiếng nói của chúng giờ đây không có người nghe, và trở nên lạc lõng, thảm hại hơn bao giờ.

Cả đất nước chúng ta và những người con Việt trên khắp thế giới vừa trải qua những ngày vô cùng ý nghĩa, những ngày ngập tràn niềm tự hào, lòng biết ơn và tình yêu Tổ quốc khi được sống lại những ký ức hào hùng của Chiến thắng Mùa Xuân 1975, Chiến thắng 30/4 – mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Nhưng cũng không có gì lạ, không có gì mới, khi đi ngược lại dòng thủy triều mạnh mẽ ấy, các thế lực thù địch, phản động lại một lần nữa không bỏ lỡ cơ hội dấy lên những luận điệu thù địch, chống phá đầy lòng thù hận, hằn học và cay cú. Trang mạng của các tổ chức phản động hải ngoại như Việt Tân, Tiếng dân, Thoibao.de…, cùng một số cơ quan truyền thông phương Tây… liên tục phát tán các luận điệu xuyên tạc, bóp méo bản chất cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Chúng gọi ngày 30/4 là “ngày quốc hận”, gọi tháng Tư là “tháng tư đen”, quy kết đây là cuộc “nội chiến”, đồng thời chỉ trích, bôi nhọ các hoạt động kỷ niệm Chiến thắng 30/4, với trọng tâm là lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước.

Với việc rêu rao cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là “cuộc nội chiến giữa hai miền Nam – Bắc”, các thế lực thù địch đã quy kết trắng trợn nhằm phủ nhận bản chất của cuộc chiến, đánh tráo khái niệm “chiến tranh xâm lược” thành “nội chiến dân tộc”. Trên thực tế, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam từ năm 1954 đến 1975 là cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc nhằm hoàn thành lộ trình đã vạch ra trong Hiệp định Geneve - hiệp định được cộng đồng quốc tế công nhận. Từ bên kia quả địa cầu, nước Mỹ đã dựng lên bộ máy tay sai ở miền Nam nước ta, chống lại ý chí thống nhất đất nước của toàn dân tộc. Họ là một thế lực xâm lược từ bên ngoài, đã trực tiếp đưa hàng chục vạn quân viễn chinh vào Việt Nam, ném xuống hàng triệu tấn bom, sử dụng chất độc hóa học hủy diệt sự sống và môi sinh, hòng chia cắt đất nước ta vĩnh viễn. Cuộc kháng chiến của dân tộc ta là cuộc kháng chiến giữa một bên là nhân dân cả nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, kiên cường chiến đấu vì mục tiêu độc lập – tự do – thống nhất, với một bên là lực lượng xâm lược nước ngoài và bộ máy chính quyền tay sai, tồn tại nhờ viện trợ quân sự và chính trị từ bên ngoài, phục vụ cho lợi ích của ngoại bang.

Với tính chính nghĩa, cuộc kháng chiến thống nhất đất nước không chỉ là cuộc chiến đấu của riêng người dân Việt Nam, mà còn được nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới ủng hộ mạnh mẽ. Từ các phong trào phản chiến của sinh viên, người dân tiến bộ Mỹ, Pháp, Đức… đến tiếng nói của nhân dân lao động, trí thức trên khắp các châu lục – tất cả đều đứng về phía chính nghĩa, phía Việt Nam. Không một “cuộc nội chiến” nào trên thế giới lại có thể nhận được sự ủng hộ rộng khắp và mạnh mẽ như vậy. Thế giới đã ủng hộ chính nghĩa, ủng hộ một dân tộc đứng lên bảo vệ chính mình.

Trên tinh thần “dân tộc Việt Nam là một”, sau ngày đất nước thống nhất, ở trong nước, Đảng ta đã chủ trương xây dựng hòa hợp dân tộc, đoàn kết quốc gia, và trong chính sách đối ngoại, chúng ta gác lại quá khứ, tôn trọng sự khác biệt, để cùng hợp tác, phát triển, nhìn về tương lai. Chính sách hòa hợp đoàn kết đó của Đảng đã khiến cho cuộc chiến năm xưa “không còn là hố ngăn cách giữa những người con cùng một dòng máu Lạc Hồng”. Như trong bài viết mới đây - “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”, Tổng bí thư Tô Lâm đã khẳng định: “Mọi người Việt Nam, dù ở trong nước hay ngoài nước, dù từng đứng ở phía nào của lịch sử, đều cùng mang một cội nguồn, một ngôn ngữ, một tình yêu dành cho quê hương, đất nước”.

Thật đáng thương cho những kẻ còn lẻ loi đi ngược lại dòng chảy của dân tộc, trước những tiếng nói chống phá cay cú, hiềm hận của họ, người dân Việt Nam - từ những người cao tuổi đã đi qua hai cuộc kháng chiến, cho đến những thế hệ em nhỏ, thế hệ thanh thiếu niên không một ngày nghe tiếng bom đạn - bằng nhiều cách thể hiện, đã đáp lại một cách hùng hồn, một cách đầy tự hào: Chiến thắng 30/4 là chiến thắng của cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, thu non sông về một mối và ngày 30/4/1975 là biểu tượng bất diệt của ý chí kiên cường, tinh thần đại đoàn kết và khát vọng hòa bình muôn đời của dân tộc Việt Nam. Thế hệ trẻ hôm nay, dù lớn lên không tiếng súng tiếng bom, nhưng đã đủ đầy tình yêu và lòng tự hào, tự tôn dân tộc, đủ hiểu biết về lẽ phải để cất lên những tiếng trả lời rất dõng dạc. Bên dưới video về lễ kỷ niệm 50 năm Chiến thắng 30/4 được kênh YouTube BBC Việt ngữ đăng tải, nick saothethao viết: “Đây là cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam. Không phải cuộc nội chiến Bắc – Nam đâu nhé quý đài BBC”; hay:“50 năm rồi đó, đưa thông tin cho nó khách quan, người ta còn nể mình BBC ơi” - nick thyg2538 chế giễu. “Tôi sinh ra khi đất nước đã hòa bình. Rất hài lòng với cuộc sống hiện tại. Nhớ ơn công lao ông cha ta đã hy sinh để có được ngày hôm nay”, nick TuyetNguyenThi chia sẻ.

Với các thế hệ trẻ và với toàn thể nhân dân Việt Nam, ngày 30/4 không chỉ là ngày kết thúc chiến tranh mà còn là ngày tái sinh của dân tộc – ngày cả nước sum họp một nhà sau hơn hai mươi năm chia cắt. Đây không phải là “ngày quốc hận” như các tổ chức phản động rêu rao, mà là ngày của đoàn tụ, hòa bình, ngày khép lại quá khứ đau thương, mở ra thời kỳ mới phát triển. Sự hận thù đó có chăng chỉ còn thiêu đốt một số ít những kẻ tay sai, vẫn đang cay cú vì thất bại của một chế độ đã bị lịch sử đào thải, hoặc vẫn đang cố bấu víu vào hận thù để duy trì nỗ lực chống phá mòn mỏi và tuyệt vọng. Dưới một bài đăng thù địch trên fanpage Việt Tân, nick Lê Thuấn chê: “Đúng hệ điều hành vẫn giữ nguyên của năm 1969, chán lắm cơ”. “Ký sinh trùng thường rất dai dẳng, cần phải dùng thuốc đặc trị” - một nick khác thẳng thắn - “Giải phóng 50 năm rồi mà vẫn tư tưởng vong nô”; Nick Linh Hoàng viết: “Việt Nam kỷ niệm 50 năm hòa bình, 50 năm tái thiết, 50 năm phát triển. Còn Tân kỷ niệm 50 năm uất hận, Tân không thấy kém cỏi à. Việt Nam dù tiến không nhanh nhưng tự cường bằng nỗ lực dân tộc đấy Tân, sống lại đi Tân” .v.v.

Rõ ràng, trái ngược hoàn toàn với những tiếng nói thù địch lạc điệu, hàng triệu triệu người dân – từ Bắc chí Nam, từ đồng bằng đến biên giới, hải đảo – đều mang trong mình tình yêu quê hương đất nước, niềm tự hào về ngày chiến thắng. Đó không phải là niềm tự hào được “học thuộc lòng” từ các “bài tuyên truyền” như các thế lực thù địch rao giảng, mà là tình cảm thiêng liêng chảy trong huyết quản của những người con Việt Nam lớn lên trong hòa bình, được học hành, phát triển, được yêu thương bởi những người đồng bào trên khắp mảnh đất hình chữ S, không nơi nào còn bị ngăn chia. Các thế hệ trẻ ngày nay – dù là Gen Z, Gen Alpha hay Gen C – không phải là những người từng cầm súng, từng chịu đựng bom đạn, nhưng vẫn cảm nhận sâu sắc giá trị của hòa bình, và dào dạt lòng biết ơn với những người đi trước. Họ mặc áo cờ đỏ sao vàng, áo dài trắng thêu quốc kỳ, vẫy cao những lá cờ đỏ, cờ hai màu đỏ xanh… với niềm tự hào dâng lên ngập ánh mắt. Họ hát quốc ca và những bài hát ca ngợi chiến thắng, ca ngợi hòa bình vì trái tim họ hòa chung nhịp đập Việt Nam. Họ dõi theo mọi hoạt động chuẩn bị, luyện tập của các đoàn quân đầy ý chí, kỷ luật và đỉnh điểm là màn diễu binh, diễu hành đúng ngày 30/4 với niềm hân hoan, kính trọng.

Tình yêu đất nước, niềm tự hào và biết ơn của thế hệ trẻ vốn luôn thầm lặng chảy, đã có dịp “bung nở” khi có chất xúc tác là những hoạt động kỷ niệm đầy ý nghĩa, tái hiện ký ức lịch sử một cách trang trọng, để tưởng nhớ, tri ân những người có công lao với đất nước, từ đó nhắc nhở thế hệ hôm nay về cái giá của độc lập, thôi thúc sự trân quý nền hòa bình, độc lập. Tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc dâng lên từ khắp các gia đình, ngõ xóm, tràn ngập trên khắp các trang mạng xã hội… đã phơi bày thất bại cay đắng của các thế lực thù địch, những tiếng nói của chúng giờ đây không có người nghe, và trở nên lạc lõng, thảm hại hơn bao giờ!

50 năm sau ngày chiến thắng, Việt Nam không phải là một quốc gia thù hận, mà là một quốc gia hòa giải, hòa bình và phát triển. Chúng ta không khoét sâu vào quá khứ để chia rẽ, mà nhìn về tương lai để đoàn kết, hòa hợp. Mọi luận điệu xuyên tạc đều đã bị nhân dân vạch trần, mọi tiếng nói lạc lõng rồi sẽ bị lịch sử đào thải. Chỉ có sự thật là tồn tại mãi mãi – sự thật rằng: dân tộc này đã đứng lên, chiến đấu, và chiến thắng để viết tiếp trang sử vàng chói lọi – vì một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, hùng cường.

Thu Hằng

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/goc-nhin/giong-dieu-lac-long-giua-ban-hung-ca-20250504092111209.htm