Trở lại Phiêng Pằn

Những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp trở lại xã vùng cao biên giới Phiêng Pằn của huyện Mai Sơn, nơi có 6,4 km đường biên tiếp giáp với huyện Xiềng Khọ, tỉnh Hủa Phăn (nước CHDCND Lào).

Vườn bưởi của gia đình ông Lò An So, Bí thư Chi bộ bản Ta Vắt, xã Phiêng Pằn (Mai Sơn).

Vườn bưởi của gia đình ông Lò An So, Bí thư Chi bộ bản Ta Vắt, xã Phiêng Pằn (Mai Sơn).

Trung tâm xã đã có nhiều thay đổi so với trước đây với nhiều công trình được đầu tư xây dựng kiên cố, khang trang: Trụ sở xã; Trạm y tế; các trường, lớp học; công trình nước sinh hoạt hợp vệ sinh; hệ thống điện lưới quốc gia… Phiêng Pằn hiện có 19 bản, 1.726 hộ, 8.869 nhân khẩu của 5 dân tộc Xinh Mun, Mông, Thái, Kinh, Mường cùng đoàn kết sinh sống. Những năm qua, nhân dân trong xã tích cực khai thác hơn 2.600 ha đất để trồng cây trên nương, cây ăn quả, cây mía; phát triển chăn nuôi gần 33.170 con gia súc, hơn 25.000 con gia cầm; bảo vệ và chăm sóc gần 5.300 ha rừng...

Tiếp chúng tôi tại trụ sở xã, ông Lù A Dủa, Bí thư xã Phiêng Pằn, cho biết: Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, xã Phiêng Pằn được đầu tư nhiều công trình làm thay đổi kết cấu hạ tầng ở trung tâm. Tuy nhiên, hiện nay, thu nhập bình quân đầu người ở xã mới chỉ đạt từ 18-26 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo ở xã vẫn còn cao với 802 hộ, chiếm 46,46%; có 212 hộ cận nghèo, chiếm 12,28%. Đây là bài toán khó cần có giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới.

Bí thư Đảng ủy xã Phiêng Pằn cho biết thêm: Những năm qua, huyện Mai Sơn đã tăng cường nhiều cán bộ có chuyên môn về công tác ở xã để vận động, tuyên truyền, hướng dẫn người dân thành lập Hợp tác xã Phiêng Pằn, áp dụng các mô hình trồng rau trái vụ, cây ăn quả và chăn nuôi… vào sản xuất. Mô hình liên kết của Công ty cổ phần mía đường Sơn La với người dân được triển khai từ năm 2016 đến nay vẫn cho hiệu quả thiết thực với tổng diện tích hơn 600 ha mía. Tuy nhiên, những tuyến đường từ trung tâm xã đến các bản vẫn là đường đất, người dân làm ra sản phẩm không vận chuyển đi bán được hoặc vận chuyển được thì chi phí cao nên không có lãi. Các bản ở xa trung tâm, đường giao thông dài và thu nhập đầu người thấp, dẫn đến việc huy động người dân đóng góp kinh phí làm đường bê tông rất khó khăn. Các bản vùng cao biên giới cách trung tâm xã tới 20 km như: Ta Lúc, Vít, Nà Nhụng, Pểnh, Đen vẫn còn nhiều khó khăn.

Nói rồi, ông Dủa dẫn chúng tôi tới thăm bản Ta Vắt, cách trung tâm xã 8 km đường đất đèo dốc quanh co rất khó đi. Bản Ta Vắt hiện có 170 hộ, 825 nhân khẩu; nhân dân trong bản trồng 70 ha ngô, 40 ha mía, 10 ha sắn, 5 ha lúa nương, nuôi 250 con bò; thu nhập bình quân 5,5 triệu đồng/người/năm; qua rà soát năm 2021, bản còn hơn 100 hộ nghèo.
Ông Lò An So, Bí thư Chi bộ bản Ta Vắt, bộc bạch: Chúng tôi cùng cán bộ xã, huyện nhiều lần tổ chức tuyên truyền, vận động người dân áp dụng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, nhưng bà con bảo cán bộ, đảng viên phải làm trước để bà con học tập làm theo. Năm 2016, gia đình tôi đã đầu tư trồng gần 1ha cây ổi. Năm 2018, diện tích ổi được thu hoạch nhưng lại đúng mùa mưa, đường đất lầy lội, trơn trượt không thể vận chuyển đi bán được nên gia đình lại phải chặt hết ổi để trồng cây cam, bưởi. Năm 2020, vườn cam cho thu 6 tạ quả bán được 15.000 đồng/kg. Năm 2021, vườn cam, bưởi tiếp tục cho quả dự kiến sẽ bán vào dịp Tết Nguyên đán 2022.

Nông dân xã Phiêng Pằn, huyện Mai Sơn thu hoạch mía.

Nông dân xã Phiêng Pằn, huyện Mai Sơn thu hoạch mía.

Theo kinh nghiệm của ông So, để sản xuất hiệu quả trên địa bàn xã, bà con phải chọn những loại cây cho thu hoạch sản phẩm vào mùa khô mới vận chuyển đi bán được. Với địa hình vùng cao biên giới có nhiệt độ trung bình thấp thì cây cam, bưởi cho thu hoạch muộn vào dịp Tết bán được giá cao. Còn các loại cây cho thu hoạch sản phẩm vào mùa mưa thì không vận chuyển đi bán được. Bà con rất mong muốn các cấp, các ngành có chính sách đặc thù hỗ trợ các bản vùng cao biên giới còn nhiều khó khăn thực hiện bê tông hóa đường giao thông nông thôn.

Trước khi chia tay, ông Lù A Dủa, Bí thư Đảng ủy xã nói với chúng tôi về Đề án của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh sắp triển khai nơi đây. Đề án sẽ triển khai đầu tư cứng hóa đường giao thông vào năm 2023, đi qua Đồn Biên phòng Phiêng Pằn và 5 bản: Xà Cành, Kết Nà, Phiêng Khàng, Nà Hiên, Ta Lúc. Nhân dân trong xã mong đề án sớm thành hiện thực để giúp việc đi lại thuận lợi, hàng hóa thông thương, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Đình Thành

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/tro-lai-phieng-pan-46735