Trở lại tâm dịch
'Lúc tỉnh dậy, tôi thấy các bác sĩ thay nhau bóp chân, bóp tay cho tôi. Tôi muốn ngồi dậy nói câu cảm ơn nhưng bất lực vì khi đó chân, tay như dính vào giường, không cử động được, nói không ra hơi', anh Giáp, một bệnh nhân nặng ở xã Mão Điền, huyện Thuận Thành (ổ dịch lớn nhất và đầu tiên của Bắc Ninh) nhớ lại.
Thôn Núi Hiểu vắng lặng, người dân ở yên trong nhà để phòng chống dịch Ảnh: Nguyễn Thắng
Cận kề cái chết
Giờ đây những đường làng, ngõ xóm khắp xã Mão Điền, công việc làm ăn, đồng áng của người dân bắt đầu nhộn nhịp trở lại. Tiếng cười đã bật ra sau những chiếc khẩu trang - thứ mà họ đã quá quen thuộc.
Theo chỉ dẫn của người dân, PV Tiền Phong tìm đến nhà của anh Nguyễn Hữu Giáp, bệnh nhân từng được đánh giá chỉ còn… 30% khả năng cứu sống. Cho dù, trước đó, anh Giáp nặng gần 80 kg, không hề có tiền sử bệnh lý nền nào. Anh Giáp cho biết đã đỡ được 7, 8 phần, mọi sinh hoạt, ăn uống anh chủ động được.
Hàng ngày, anh Giáp vẫn chịu khó vận động quanh nhà, uống thuốc kê đơn theo chỉ dẫn của bác sĩ. “Mặc dù xét nghiệm 4 lần âm tính rồi, nhưng vẫn chưa hết hạn 14 ngày cách ly nên tôi vẫn phải hết sức cẩn thận. Tôi đặt lọ sát khuẩn ngoài cửa phòng, dặn vợ con sinh hoạt, vệ sinh tất cả xuống dưới tầng 1 với ông bà ”, anh Giáp nói, giọng vẫn khàn khàn.
Bốn mươi ngày chữa trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Hà Nội) là quãng thời gian khủng hoảng tinh thần với anh Giáp. Những ngày đầu nhập viện, cứ nằm xuống, anh lại khó thở, ho liên tục. Sau đó, anh bị sốt cao, rồi rơi vào hôn mê, phải thở máy.
“Lúc mới tỉnh dậy, tôi thấy các bác sĩ thay nhau bóp chân, bóp tay cho tôi. Tôi muốn ngồi dậy nói câu cảm ơn nhưng bất lực vì khi đó chân, tay như dính vào giường, không cử động được, nói không ra hơi”, anh Giáp nhớ lại. Hồi phục, anh được xe của bệnh viện đưa về đúng ngày Gia đình Việt Nam (28/6). Từ ngoài ngõ, khi các con ríu rít ra đón bố, anh Giáp thấy mình như được tái sinh.
Chị Ngô Thị Khuyên, vợ anh Giáp tâm sự, anh đi chữa bệnh, gia đình cũng được đưa đi cách ly ở Trường Đại học Kỹ thuật Hậu cần Công an nhân dân (đóng tại huyện Thuận Thành). Trong các con anh chị, bé Hà Anh thường hay quấn bố.
Khi được các cô chú ở khu cách ly tặng quyển vở với cái bút chì, cháu ngồi vẽ ảnh gia đình mình rồi nói: “Để khi nào dán lên tường nhà, bố sẽ trông thấy”. “Có buổi trưa, tôi nghe phòng bên kia tiếng Hà Anh gọi bố. Tôi liền chạy sang tưởng chồng về thật, nào ngờ cháu ngủ mơ. Khi ấy, tôi không cầm được nước mắt”, chị Khuyên tâm sự.
Gặp chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Tân, trưởng thôn Công phấn khởi cho hay, thôn có 101 trường hợp F0. Đến nay tất cả đã trở về nhà, trong đó 97 người đã qua 14 ngày cách ly sau điều trị và có thể ra ngoài lao động bình thường.
Ông Hoàng Công Huy, Trưởng thôn Núi Hiểu cho biết, hơn 10 ngày qua, thôn Núi Hiểu không ghi nhận ca mắc COVID – 19 mới. Hiện, có 2 doanh nghiệp trong khu công nghiệp đến thôn khảo sát để thuê lại phòng trọ cho công nhân ở. Một doanh nghiệp có nhu cầu thuê cho 5.000 công nhân, doanh nghiệp còn lại thuê cho 2.000 người lao động.
Ông Nguyễn Xuân Đương, Chủ tịch UBND huyện Thuận Thành cho hay, ổ dịch Mão Điền xuất phát từ một người bị tai nạn dẫn đến chấn thương sọ não nghiêm trọng phải chuyển lên bệnh viện tuyến trên. Do tình hình bệnh nhân nặng, nên có nhiều người nhà, người thân vào bệnh viện thăm hỏi.
Đoàn đi thăm 18 người, khi về thôn, về làng còn dự các đám hiếu đám hỉ nên dịch bệnh lây lan. Có thời điểm Mão Điền có hơn 330 ca F0.
“Hai tháng qua, cả hệ thống chính quyền gần như kiệt sức, không thể hỗ trợ gì thêm cho nhân dân. Chúng tôi chỉ động viên, khuyến khích bà con sản xuất kinh doanh để tăng thu nhập” - ông Đương nói.
Dư chấn vẫn chưa thôi
Chúng tôi trở lại thôn Núi Hiểu (xã Quang Châu, huyện Việt Yên) - là một trong những ổ dịch phức tạp nhất tỉnh Bắc Giang. Dù dịch được khống chế, toàn huyện Việt Yên được chuyển từ cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 sang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 nhưng riêng thôn Núi Hiểu vẫn còn các chốt kiểm soát dịch nghiêm ngặt.
Ông Hoàng Công Huy, Trưởng thôn đón phóng viên từ chốt kiểm soát dịch ở đầu làng. Các con đường, ngõ ngách trong thôn vắng bóng người, nhà nhà cửa đóng then cài. Thỉnh thoảng, tiếng loa từ những chiếc xe tuyên truyền lưu động vang lên lời kêu gọi người dân ở yên trong nhà đề phòng chống dịch.
Tại nhà văn hóa thôn Núi Hiểu, các thành viên tổ COVID cộng đồng vẫn miệt mài với công việc, mắt ai cũng trũng sâu, thâm quầng. Họ kể, ca mắc COVID - 19 đầu tiền trong thôn phát hiện vào 18h30 phút ngày 12/5, đến nay, có hơn 1.700 ca mắc COVID - 19 có liên quan đến thôn Núi Hiểu, đa phần là công nhân ở trọ.
Để giảm nguy cơ lây nhiễm, thời gian qua, tỉnh Bắc Giang đã di tản hơn 9.000 công nhân ở trọ ra khỏi thôn Núi Hiểu. Hiện, thôn chỉ còn hơn 1.000 người dân địa phương.
Gạo ăn, nước uống hằng ngày người dân có thể tự lo được nhưng người dân vẫn lo lắng về đời sống lâu dài. Người dân thôn Núi Hiểu vốn thuần nông, đời sống phất lên từ việc xây nhà trọ, dịch vụ cho công nhân khu công nghiệp. Ngặt nỗi, tiền xây dựng nhà trọ phần lớn đều vay ngân hàng. Dịch về, công nhân chuyển đi, người dân trong thôn cũng mất nguồn thu.
“Cả thôn có 200 hộ làm phòng trọ, trong đó hơn 80 % phải vay tiền ngân hàng để xây dựng nhà trọ. Gia đình vay ít phải trả lãi hơn chục triệu đồng/tháng cho ngân hàng, hộ nhiều phải trả lãi hàng trăm triệu đồng mỗi tháng”, ông Huy chia sẻ.
Tuy nhiên, người dân núi Hiểu vẫn đang chuẩn bị để tạo lập cuộc sống mới.
Xế chiều, chàng trai trẻ Hoàng Công Thuần, thành viên tổ thanh niên tình nguyện thôn Núi Hiểu khoác bình khử khuẩn nặng gần 20 kg lên lưng rồi leo lên tầng 5 của một khu nhà trọ trong thôn vệ sinh môi trường. Trong bộ quần áo bảo hộ kín mít, Thuần cần mẫn phun khử khuẩn cho từng phòng trọ đến tối mịt.
Những ngày qua, Thuần và các thành viên trong tổ không quản ngày đêm đi phun khử khuẩn cho toàn bộ hơn 5.000 phòng trọ trong thôn. “Có những nhà trọ xây 11 tầng, chúng tôi phải leo bộ phun khử khuẩn từ tầng 1 đến tầng 11”, Thuần nói và cười hiền.
Chị Nguyễn Thị Sản, chủ khu nhà trọ đi theo sau Thuần rưng rưng kể: Bốn năm trước, gia đình chị vay thêm tiền ngân hàng để xây 40 phòng trọ. Hiện, mỗi tháng, gia đình chị phải trả lãi ngân hàng hơn chục triệu đồng. “Giờ chỉ mong sao cuộc sống bình thường trở lại”, chị Sản vừa nói vừa ngậm ngùi.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tro-lai-tam-dich-post1352755.tpo